Trẻ em nên bắt đầu học ngoại ngữ ở độ tuổi nào?
Nguồn trích dẫn: giasutienphong.com.vn
“Thời điểm”, “phương pháp”, “tư duy” là những từ khóa chính mà chuyên gia Neil Roberts – Phó giám đốc Trung tâm Giảng dạy Hội đồng Anh nhắc tới trong một bài phỏng vấn trả lời câu hỏi: “Trẻ em nên bắt đầu học ngoại ngữ ở độ tuổi nào?”.
Tiếng Anh quan trọng là điều không ai có thể phản bác. Tuy nhiên, việc cho trẻ học ngoại ngữ thứ hai càng sớm càng tốt liệu có phải là một giải pháp đúng đắn, như cách mà một số bậc phụ huynh thời nay tin tưởng?
Chuyển ngữ: Nguyễn Thị Lê Na
- Đối với trẻ em Việt Nam, độ tuổi nào là tốt nhất để bắt đầu học ngoại ngữ
Neil Roberts: Đây là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Đã tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc dành cho việc nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi này. Thật không may, các kết quả đưa ra đều không đủ thuyết phục bởi vì hầu như rất khó để tách yếu tố về độ tuổi ra khỏi các yếu tố có ảnh hưởng khác như môi trường học tập, động cơ học tập và chất lượng giảng dạy.
Nhiều người tin vào khái niệm “giai đoạn vàng” để học ngôn ngữ, kể cả việc học ngôn ngữ thứ hai. Đây là giai đoạn đang phát triển của trẻ và do đó não bộ có khuynh hướng dễ dàng hơn trong việc học ngôn ngữ. Hầu hết mọi người cho rằng độ tuổi này là trước giai đoạn tuổi dậy thì vì đó là thời điểm việc học tập của trẻ hầu như phụ thuộc vào khả năng bẩm sinh hơn.
Sau giai đoạn dậy thì, người học đặt nặng vào các “kỹ năng học tập” và “chiến lược học tập” nhiều hơn. Điều này có thể giải thích cho việc trẻ em học ngoại ngữ dễ thành công hơn người lớn, tuy nhiên cũng có thể là do các yếu tố khác như trẻ em có nhiều thời gian hơn ở trường để dành cho việc học ngoại ngữ. Cũng có thể do trẻ em được tiếp xúc với tiếng Anh qua tivi và mạng internet nhiều hơn người lớn.
Một điều có thể khẳng định rõ ràng là nếu trẻ học ngôn ngữ thứ hai trước tuổi 15 thì có nhiều khả năng đạt được mức giao tiếp ngoại ngữ trôi chảy “như người bản xứ”.
- Phương pháp dạy ngoại ngữ hiệu quả nhất cho trẻ trong độ tuổi này là gì? (Chúng ta nên tập trung vào việc học tập nghiêm túc với độ chính xác cao của ngôn ngữ hay chúng ta nên tập trung vào việc học thông qua việc vui chơi và theo sở thích?) Điều quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ/ giáo viên cần chú ý khi thiết lập một môi trường học tiếng Anh cho trẻ là gì?
Neil Roberts: Tôi cảm thấy không có một phương pháp nào được gọi là tối ưu để dạy ngoại ngữ cho trẻ em. Trẻ em có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, sở thích khác nhau và môi trường học tập khác nhau. Giáo viên cần phải có kiến thức vững chắc về phương pháp học ngoại ngữ và sử dụng kiến thức này để dạy trẻ với tư cách giống như chính mình là thành viên của cộng đồng học ngoại ngữ.
Đối với trẻ em, vui chơi và học tập nghiêm túc không nhất thiết phải phân biệt một cách rạch ròi. Thật vậy, trẻ học được rất nhiều điều thông qua việc vui chơi và giáo viên cũng như cha mẹ nên coi hoạt động vui chơi này là một phần rất quan trọng của việc học. Khi chơi, trẻ em có thể thử các vai trò và ngôn ngữ mới, các trải nghiệm này giúp trẻ thể hiện khả năng tốt hơn khi bước vào những môi trường nghiêm túc. Khi chơi, chúng có thể khám phá về ngôn ngữ, từ đó giúp khả năng ghi nhớ được tốt hơn so với việc chỉ được giáo viên “giới thiệu” ngôn ngữ. Vì vậy, vai trò của giáo viên là hỗ trợ và hướng dẫn, cần thiết là làm mẫu, đồng thời cần khuyến khích và tạo ra thử thách cho việc học hỏi của trẻ.
Một vấn đề khác mà tôi quan tâm trong việc dạy trẻ là công tác kiểm tra và đánh giá. Sự thật hiển nhiên, kiểm tra là một phần của cuộc sống và đặc biệt là ở bậc trung học trẻ em cần phát triển các kỹ năng để giúp chúng thành công khi làm bài kiểm tra. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, trẻ thực sự có xu hướng học một ngôn ngữ tốt hơn khi chúng quan tâm đến nó và việc học ngôn ngữ được thúc đẩy khi được đặt trong ngữ cảnh mà chúng quen thuộc. Ví dụ, tất cả chúng ta đã quen với việc nhìn thấy trẻ em được yêu cầu tự làm một bài kiểm tra để đánh giá khả năng cá nhân của chúng.
Tuy nhiên, điều này trái ngược với thực tế là ngôn ngữ thường được sử dụng khi chúng ta giao tiếp với người khác. Chúng tôi gọi đây là khoảng cách giữa việc giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Ngôn ngữ là để dành cho việc giao tiếp và thành công thực sự của việc học ngoại ngữ là việc có thể đưa ra, tiếp nhận các ý kiến/ý tưởng và các tác động sau đó. Tuy vậy, thật không may, bậc phụ huynh có thể khó hiểu về cách đánh giá này so với việc cứ đưa ra mức điểm như điểm “A” hoặc điểm “10”.
- Phụ huynh Việt Nam thường có hai luồng ý kiến trái chiều về chủ đề này: đa số cha mẹ muốn con học ngoại ngữ càng sớm càng tốt trong khi một số khác lại muốn con tập trung vào tiếng mẹ đẻ trước khi học ngoại ngữ. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?
Neil Roberts: Đầu tiên, tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt rõ giữa song ngữ và học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Ví dụ các con của tôi chẳng hạn, Chúng có bố nói tiếng Anh, mẹ nói tiếng Việt và ở nhà tôi cả hai thứ tiếng đều được sử dụng. Do đó, các con tôi tỏ ra khá thoải mái khi giao tiếp và hiểu được cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Đây là song ngữ.
Còn hầu hết học sinh ở Việt Nam đang học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Điều này khác với song ngữ. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc học ngoại ngữ quá sớm có thể có tác động tiêu cực đến tiếng mẹ đẻ. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng độ tuổi quan trọng cần dành cho việc học tiếng mẹ đẻ là từ 2 đến 4 tuổi.
Hai công trình nghiên cứu nổi tiếng vào năm 1987 và 1991 đã chỉ ra rằng việc tiếp thu ngôn ngữ đầu tiên của trẻ em có thể bị đình trệ nếu chúng bị chìm đắm trong việc giảng dạy ngôn ngữ thứ hai trong thời gian dài tại trường mầm non hoặc nhà trẻ. Một số cha mẹ thậm chí còn cảm thấy phải ngừng sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà để tập trung cho việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc trẻ bị lẫn lộn và mất sự tự tin vào bản thân.
- Nhiều phụ huynh quyết định cho con chuyển từ trường mẫu giáo quốc tế/ trường quốc tế sang trường công lập của Việt Nam khi họ phát hiện ra rằng tiếng Anh của con mình tốt hơn nhiều so với tiếng Việt. Theo bạn, thực tế này là do học ngoại ngữ quá sớm hay do phương pháp giảng dạy kém?
Neil Roberts: Bất kể là bắt đầu học ở thời điểm nào, từ kinh nghiệm của tôi, người học phát triển kỹ năng ngôn ngữ tốt nhất khi có được môi trường hỗ trợ tốt. Điều này không có nghĩa là cha mẹ phải giao tiếp tiếng Anh với chúng; thay vào đó cần quan tâm đến việc học của con cái, khuyến khích và khen ngợi đối với những kết quả đạt được của con, cho dù kết quả còn khiêm tốn.
Như đã có đề cập ở trên, khó có thể cân bằng được mong muốn của các bậc phụ huynh khi vừa muốn con nói tiếng Anh tốt nhưng đồng thời cũng muốn con thông thạo hoàn toàn tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ em học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, sẽ hữu ích cho các em nếu dành phần lớn thời gian ở bậc mầm non cho việc học bằng tiếng mẹ đẻ.
Dù học bất kỳ một ngôn ngữ thứ hai nào điều rất quan trọng là chất lượng giảng dạy phải tốt và có môi trường hỗ trợ hơn là việc tạo sự thúc ép.
- Ở Vương quốc Anh, độ tuổi phổ biến để trẻ em bắt đầu học ngoại ngữ là độ tuổi nào? Những ngôn ngữ nào thường được dạy và học? Nhà trường và phụ huynh có kỳ vọng gì khi cho trẻ học một ngoại ngữ mới?
Neil Roberts: Theo Chương trình Giáo dục Quốc gia, trẻ em nên bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai từ giai đoạn 6 hoặc 7 tuổi. Các ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Hoa. Ở Anh, các bậc cha mẹ ngày càng nhận thức rõ hơn về lợi thế mà trẻ em có thể có trong cuộc sống sau này nếu chúng học ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, vì ngôn ngữ không bắt buộc sau 14 tuổi nên thách thức đối với nhà trường, giáo viên và phụ huynh là khiến bản thân trẻ thấy được giá trị của việc học những môn học tuyệt vời này!
Cảm ơn những chia sẻ của ông!