Tại sao trong tường gạch còn phải xây cột bằng bêtông cốt thép?
Trên công trường thi công xây dựng nhà ở, có thể thấy khi xây tường gạch, người ta thường để lại một rãnh vuông thẳng đứng, sau đó đặt lưới cốt thép vào, dựng cốp pha rồi đổ bêtông, trở thành một cột bêtông cốt thép. Tuy nhiên, trên loại cột này không có dầm rất lớn, sàn tầng nhà đặt trực tiếp lên tường, xem ra cột không chịu tải trọng nào. Kỳ thực, loại cột này có tên gọi là “cột cấu tạo”. Nó thường được bố trí ở bốn góc của nhà ở và góc tường của phần nhô ra, cũng như ở chỗ tiếp giáp của các bức tường cách nhau một gian nhà. Chiều cao của nó bắt đầu từ móng lên đến mái nhà. Tác dụng của cột cấu tạo chỉ là để chống động đất, nên cũng được gọi là “cột chống động đất”.
Vậy tại sao cột cấu tạo có thể chống được động đất? Nguyên do là tường gạch xây bằng từng viên, từng viên nhỏ, về mặt kiến trúc mà nói thì độ vững chắc toàn khối của nó không được khoẻ lắm, thêm cột vào sẽ làm tăng tính năng đó của tường, bù vào sự bất cập của tường gạch. Ở bên dưới các sàn tầng lầu cũng có một dầm bêtông cốt thép đặt nằm ngang, độ to nhỏ của nó cũng giống như cột cấu tạo. Bây giờ chúng ta có thể thử tưởng tượng xem, nếu dỡ bỏ tất cả các tường gạch, cái còn lại sẽ là các cột cấu tạo thẳng đứng và các dầm ngang, chúng hợp thành một cái “lồng” bê tông cốt thép to lớn, hết sức vững chắc, nếu chúng kết hợp chặt chẽ với tường, thì có thể chống động đất rất có hiệu quả.
Đương nhiên, ngoài kiến trúc nhà ở ra, bất cứ những bức tường nào chịu tải trọng mà xây dựng bằng gạch đá hoặc gạch bêtông, đều phải làm cột cấu tạo, như vậy mới thật là hết sức vững chắc.
Từ khóa: Cột bê tông; Cột chống động đất.