Tại sao ta nấc cụt?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum
Ở nước Anh để chữa chứng nấc cụt, người ta áp dụng phương pháp “dị đoan” như thế này: nhổ nước miếng vào ngón tay trỏ bàn tay phải rồi vừa gạch ngang ba vạch trên mũi giày trái ba lần vừa nói xin mời ngài Prayer đi chỗ khác chơi.
Có thể là bạn cũng đã được chỉ cho biết nhiều cách chữa nấc cụt kỳ bí khác nữa, hầu hết đều có tính chất mê tín, dị đoan ngộ ngô vui vui như vậy.
Thật ra nấc cụt chẳng có gì là kỳ bí. Nó chỉ là một hành vi tự vệ của cơ thể. Ta hãy xem tại sao nó lại như vậy.
Ta biết cơ thể có nhiều cách phản xạ. Phản xạ là cách đáp ứng của phần thân thể nào đó đối với một loạt kích thích đặc biệt. đáp ứng này luôn luôn chỉ là một cách và dường như diễn ra vì một sự kết nối nào đó trong hệ thần kinh của ta. Ta không thể chủ động khi sự liên kết thần kinh phát động mà ta không kiểm soát được khi có phản xạ.
Bây giờ ta xem toàn bộ các chuỗi phản xạ liên quan đến thực phẩm lỏng và đặc khi ta đưa vào cơ thể hoặc loại bỏ các thứ này, hoặc một vật nào – như hột bắp, hột đậu chẳng hạn – ra khỏi cơ thể ta. Chẳng hạn có một chuỗi phản xạ liên quan đến việc nuốt thực phẩm. Khi thực phẩm đi “trệch” đường thì hoạt động phản xạ ọe (ói) và nghẹt (bít lại) phát tác để vừa ngăn không cho thực phẩm tiếp tục đi trệch, vừa tống nó ra ngoài.
Hắt hơi và ho là phản xạ thông thường theo đó một luồng không khí mạnh được cơ thể dùng để trục cái vật mà cơ thể không muốn tiếp thu. Ói mửa là mức độ mạnh nhất của loại phản ứng trục xuất này. Và nấc cụt có thể được coi là một loại phản ứng ói mửa miễn cưỡng và vô hiệu.
Nấc cụt phát tác do thực phẩm nóng đã “chọc giận” bên trong một đoạn nào đó trên đường nó đi vào hoặc khi chất khí trong bao tử ép ngược lên cơ hoành là một màng cơ mỏng ngăn cách ngực và bao tử. Cơ hoành bóp và đẩy chất khí từ bao tử lên phổi. Nhưng khi không tống được khí chứa trong bao tử ra thì thì ta “nẩy” một cái và khí bị ngừng lại ngay. Vậy nấc cụt là phản ứng của cơ thể nhằm trục xuất thực phẩm hay khí ra khỏi bao tử, bằng cách kích thích cơ hoành để ép và tống khí lên phổi rồi ra ngoài. Ta cảm thấy như bị giựt, bị đụng ở bên trong bụng, đó là nấc cụt.