Hai bàn chân của ta có lớn bằng nhau không?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Hai bàn chân ta có lớn bằng nhau không thì cứ hỏi mấy người thợ đóng giày là biết liền. Họ sẽ trả lời: không bằng nhau. Hai bàn chân của cùng một người cũng có bàn lớn bàn nhỏ. Không có bàn chân nào phải vận động nhiều hơn bàn chân nào, vậy thì tại sao lại có bàn chân tự nhiên lớn hay nhỏ hơn bàn chân kia?

Vấn đề bàn chân lớn, nhỏ này liên quan đến sự cân đối của cơ thể ta. Ta đã biết hai bên cơ thể ta – chia theo chiều dọc từ trên đầu xuống – là không đồng nhất, và do đó, không đối xứng với nhau. Ta có nhiều cách để nhận ra điều này. Nhìn thật kỹ mặt ta trong kiếng, ta sẽ thấy mặt phía bên phải hơi “nở” hơn phía trái. Gò má bên phải hơi gồ lên hơn gò bên trái. miệng, mắt, tai phải sắc nét hơn mé bên trái.

Nhận xét này cũng đúng cho mọi phần còn lại của cơ thể. Hai cánh tay, hai bàn tay của ta không “thuận” – nghĩa là không mạnh, khéo – như nhau. Hai cẳng của ta cũng vậy. Cứ hỏi mấy cầu thủ đá bóng thì biết. Trong nội tạng thì tim nằm mé trái, gan mé phải, đâu có đối xứng với nhau. Hậu quả là không nhiều thì ít cột sống của ta phát triển cũng hơi lệch.

Sự khác biệt dù chỉ chút xíu thôi cũng đem lại hậu quả ghê gớm. Cấu trúc không đối xứng của cơ thể khiến ta đi cũng có phần nghiêng ngả, tất nhiên là rất khó nhận ra. Kết quả là, nếu bịt mắt đi trên một sân rộng, ta sẽ đi vòng tròn chớ không thể đi theo đường thẳng. Cơ thể loài vật cũng vậy: hai bên thân thể không đối xứng hoàn toàn với nhau. Nếu bịt mắt lái xe ta cũng lái xe theo đường vòng tròn. Nói đến vấn đề thuận tay trái hay tay phải, người ta đưa ra nhiều giải thích nghe tức cười. Nhân loại có khoảng 96% người thuận tay phải. Nhưng thuận tay trái hay tay mặt không phải chỉ do hậu quả của sự không đối xứng của cơ thể mà là do sự bất xứng của hai bán cầu não(?). Bán cầu não trái kiểm soát điều khiển hoạt động của phần bên phải của cơ thể và ngược lại. Nếu bán cầu não trái có “ưu thế” hơn bán cầu não phải thì ta thuận tay phải.