Dầu khí được dự trữ dưới đất như thế nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum
Người ta đã tìm ra được nhiều phương pháp khá hữu hiệu để tìm và thăm dò trữ lượng dầu mỏ. Nhưng, trước hết, tại sao trong lòng đất lại có dầu mỏ và dầu mỏ đã hình thành trong lòng đất như thế nào?
Các nhà khoa học cho rằng dầu mỏ là do các sinh vật, thực vật sống từ thời rất xa xưa trong và xung quanh các vùng biển ấm bao phủ hầu hết địa cầu. Các sinh vật và thực vật ấy chết đi và tụ lại dưới lòng đáy biển. Khi đó, cát và bùn đã phủ trên chúng. Dưới áp suất rất cao, bùn, cát đã biến thành đá. Thực và sinh vật chết biến thành chất lỏng màu đen ngấm vào những lỗ hổng của đá ấy. Khi tìm dầu, người ta thấy là hầu hết dầu được tìm thấy trong đá là đáy biển ngày xưa. Tuy nhiên không phải tất cả dầu đều tụ tập ở chỗ đá ấy. Nó tụ tập ở chỗ ta gọi là “trap” (bẫy). Bẫy dầu là lớp đá xốp nằm giữa những lớp đá cứng. Dầu khí đọng lại trong những lỗ li ti của lớp đá xốp này.
Nhà thăm dò, nhà tìm dầu mỏ phải tìm ra các bẫy dầu này. Họ tìm bằng nhiều cách và bằng nhiều dụng cụ khoa học. Những dụng cụ này không cho biết có dầu hay không mà chỉ cho biết lòng đất đó có bẫy chứa dầu hay không. Một trong những dụng cụ này là cái trọng lực kế. Nếu là đá “nặng, cứng” thì trọng lực sẽ mạnh hơn là đá xốp. Trọng lực kế sẽ thăm dò chất tạo đáy biển bằng cách “đo” trọng lực của đá ở độ sâu dưới đáy biển. Một dụng cụ khác có tên là “từ kế” (magnetometer) đo từ lực của từng vùng ở độ sâu dưới đáy biển cũng có thể cho biết chỗ nào có bẫy dầu. Nhưng phương pháp dò tìm dầu thông dụng nhất vẫn là dùng thuốc nổ để tạo ra một địa chấn nhỏ. Khi các rung động địa chấn ấy truyền qua những lớp đá khác nhau thì tốc độ sẽ trở nên khác nhau. Chỉ việc đo sự khác biệt đó, người ta có thể phân biệt được từng lớp đá, lớp nào là khoáng thạch xốp.
Tuy vậy, các phương pháp trên không phải là “chắc ăn” trăm phần trăm ở mọi địa điểm được thăm dò.