Con tằm nhả tơ như thế nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Hàng ngàn năm trước người Trung Hoa đã nắm được bí quyết lấy tơ tằm để dệt vải. Bí quyết này được giữ kín đến nỗi kẻ nào đem con tằm hay trứng tằm ra khỏi nước Trung Hoa là bị chém đầu.
Ngày nay thì tằm đã được nuôi không chỉ ở Trung Hoa mà cả ở Nhật, Ấn, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Lụa đẹp nhất đã được dệt bằng tơ của những con tằm – một loại sâu – ăn lá dâu. đầu mùa hè, mỗi con ngài (moth) cái đẻ khoảng 500 trứng hoặc hơn, trứng này được giữ kỹ trong các bao giấy hoặc vải đến mùa xuân năm sau, khi cây dâu ra lá (có lẽ tác giả mô tả cách nuôi tằm của Âu mỹ – ND). Kế đó trứng được đưa vào lồng ấp. Tại đây, trứng nở ra thành những con sâu màu đen nhỏ xíu. Sâu được đưa vào những cái mâm (nia) có đầy lá dâu đã thái nhỏ. Tại đây tằm chỉ có mỗi việc là ăn suốt ngày đêm trong khoảng sáu tuần lễ. Khi sâu tằm có thể từ từ ngo ngoe cái đầu thì đó là lúc chúng sắp sửa kéo kén. Người ta để tằm vào những cái “bùi nhùi” để giúp nó dễ kéo kén. Con tằm tự quấn quanh mình bằng những sợi rất nhỏ hầu như không nhìn thấy được mà nó nhả từ trong bụng ra qua những cái lỗ rất nhỏ nằm ở hàm của nó. một con tằm có thể nhả một sợi tơ dài khoảng từ 500m đến 1.000m. Quá trình nhả tơ kéo dài khoảng 72 giờ liền.
Sau khi nhả tơ, bên trong cái kén chỉ còn là một con nhộng. Nhộng này có thể hóa thành con ngài (moth) khoảng 12 ngày sau đó. Cả cái kén được đưa vào nước nóng cho nhộng chết đi đồng thời cho sợi tơ mềm và sạch nhựa bám trên tơ làm cho tơ rối mù. Nhiều sợi tơ được se lại thành một sợi và cuộn vào một cái lõi. Phải se từ 10 đến 12 sợi tơ như vậy mới thành một sợi dùng được. Ít quá, sợi tơ dễ bị đứt. Nhiều sợi quá thì sợi lớn, dệt mặt lụa nom thô. Trên những mặt lụa có ghi sợi đôi, sợi ba có nghĩa là lụa đã được dệt bằng những sợi tơ chập đôi, chập ba. Sợi nylon ngày nay rất phổ biến, rất rẻ đã thay thế tơ tằm. Nhưng lụa nylon không thể có những tính năng như mềm, mát, nhẹ… như tơ tằm nên tơ tằm vẫn được chuộng hơn.