Chất cà-phê-in là gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Ngày nay, từ đông sang Tây, từ nghèo hèn tới giàu sang, chắc chẳng còn mấy ai xa lạ với thứ nước màu hổ phách đậm, có mùi thơm, có vị đắng, bùi… Có người uống vào thấy hưng phấn, ngủ không được. Chính tác dụng và mùi vị của nó đã làm nhiều người “bắt ghiền”. Buổi sáng thức dậy mà không có chút nước đó “xúc miệng” thì cả ngày đó thấy tay chân bải hoải rã rượi, đầu óc bần thần, ngầy ngật, miệng lưỡi nhạt nhẽo… Thứ nước gì mà ghê gớm vậy? Thưa, đó là cà phê.
Tuy mãi đến hậu bán thế kỷ XVII, cà phê mới xâm nhập vào châu Âu, vậy mà nó đã khiến dân châu Âu “bắt ghiền” nó rất lẹ. Người phát hiện ra cà phê trước tiên là người Ethiopia bên đông Phi. Và trong suốt gần hai thế kỷ sau đó, hầu hết cà phê tiêu thụ trên thế giới đều xuất phát từ xứ Yemen, phía Nam bán đảo Ả Rập.
Hột cà phê rang chứa nhiều chất nhưng được biết đến nhiều nhất là chất mà ta gọi là “cà-phê-in”. đó là một hóa chất có liên quan với acid uric. Nói nhỏ với các bạn: trong nước tiểu của người và vật có nhiều chất này lắm đấy. Bởi vậy, chỉ dám “nói nhỏ” với bạn thôi kẻo có người thấy “gớm”, không uống cà phê nữa thì phiền. Chất cà phê hay là cà-phê-in không có trong trạng thái tự do, nguyên chất mà luôn luôn cặp kè khắng khít với nhiều loại acid. Trong một hột cà phê chỉ chứa có một phần trăm “cà-phê-in” thôi. Bấy nhiêu thôi mà đã “mệt” với nó rồi.
Thật ra, tác dụng của cà phê khi ta uống lại không phải chỉ do chất cà-phê-in, tuy rằng nó là chất mạnh nhất trong hạt cà phê. Quí bạn nào dùng trà cũng đừng vội mừng vì thoát khỏi sự mê hoặc của “cà-phê-in”. Bởi vì trong trà cũng có chất “ca-phê-in” nữa. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cũng cùng một lượng “cà-phê-in”, nhưng ở trong chính hột cà phê thì nó tác dụng khác mà ở trà thì lại có tác dụng khác. Lý do là ở cà phê, chất cà-phê-in “cặp kè” với một “anh” mà ở trà, “cà-phê-in” lại “cặp kè” với một “chàng” khác, uống cà phê sữa thì chất cà-phê-in sẽ tác động yếu hơn vì nó đã “cặp” thêm với “ông protein” trong sữa.
Cà phê gây những tác động nào trên cơ thể ta? điều đáng ngạc nhiên là cà phê không chỉ tác động vào một mà là vào hầu hết các bộ phận trong cơ thể ta. Trước hết, uống cà phê, bạn thấy đầu óc tỉnh táo, minh mẫn, phải không? Ấy là tại “cà-phê-in” đã làm cho mạch máu giãn nở ra, não được nhiều máu cấp dưỡng oxy cho nên não hoạt động hăng hơn. Cà phê còn kích thích các tế bào thần kinh, cho nên, nó làm cho người uống thấy “hưng phấn”. Cà-phê-in còn kích thích tim làm việc hăng hơn, kích thích sự vận động của ruột non. Người nào nói uống cà phê bị táo bón là người đó đã không biết tới tác dụng kích thích ruột non, ruột già của cà phê. Chính nó kích thích ruột non, ruột già phải tích cực làm việc, do đó cà phê còn có tính năng là “thuốc xổ” nữa đấy. Cà phê cũng kích thích tuyến vị tiết ra nhiều dịch vị. Với các người bị loét bao tử thì nên giã từ cà phê cho lẹ, kẻo cái bao tử từ chỗ bị loét tới chỗ bị lủng không xa, nếu tuyến vị cứ bị kích thích để khơi khơi tiết ra dịch vị dài dài. Với các người bị ăn khó tiêu mà lại có cái bao tử lành mạnh thì cà phê là “thuốc” đấy. Nó giúp cho sự tiêu hóa mà. Như đã nói, cà-phê-in kích thích tế bào thần kinh, cho nên các vị nào khó ngủ chớ nên uống cà phê vào buổi tối.
Nói chung thì uống cà phê hay không nên uống, nên uống bao nhiêu, uống vào lúc nào là tùy mỗi người. Tuy nhiên, cái gì cũng thế “thái quá bất cập”. Uống nhiều cà phê quá thì dễ bị ói mửa.