Tại sao lại có nước ngầm?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum
Người ta hiểu biết khá nhiều về các dòng sông chảy và hồ nước diện tích lớn, nhưng chưa biết nhiều về nước dưới lòng đất. Ai cũng biết là dưới đất có nước, từ những giếng nước đào bằng sức người có thể múc lên nước trong, từ giếng nước máy có thể hút lên được khối lượng lớn nước ngầm. Nhưng bạn có biết nước ngầm do đâu mà có và nó chảy như thế nào không?
Nước ngầm vốn dĩ “cư trú” trong các chỗ trống trong đất và trong các khe nứt của đá. Sau khi trời mưa, một phần nước mưa trên mặt đất thấm vào trong các lỗ trống và các khe nứt, rồi tiếp tục thấm xuống dưới, nhập với nước dưới lòng đất, bổ sung cho lượng nước ngầm. Cũng vậy, nước ở các dòng sông, nước ao hồ, nước sông băng… đều thấm xuống đất bổ sung cho nước ngầm.
Ngoài ra còn có nước canh tác trên đồng ruộng, các hồ nước xây trên núi, nước phế thải của các đô thị thải ra đều bổ sung cho nước ngầm.
Sau khi được các nguồn trên bổ sung, lượng nước ngầm được tăng lên rất nhiều. Nhưng các lỗ hổng nhỏ, các khe hở nhỏ dưới đất có chứa đầy nước không? Không thể. Một là người ta cần dùng nước ngầm để tưới ruộng, dùng cho sinh hoạt ở đô thị và nước dùng cho sản xuất công nghiệp. Hai là khi nước ngầm cách mặt đất rất cạn, sẽ có một phần nước “lên mặt đất” bị bốc hơi mất. Ba là nước ngầm chảy từ chỗ nhiều đến chỗ ít, và một bộ phận cuối cùng chảy ra biển.
Tại sao nước ngầm lại chảy? Nguyên là mặt nước không phải bằng phẳng mà là có chỗ cao chỗ thấp, nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp, như là nước sông chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu. Nước ngầm cũng chảy từ chỗ nhiều đến chỗ nước ít. Giả dụ có một giếng nước bị máy hút hết, một lát sau trong giếng có nước trở lại, mặt nước giếng nâng cao dần lên. Bởi vì chung quanh giếng nước nhiều, trong giếng nước ít, cho nên nước nhiều ở chung quanh chảy vào trong giếng.