Ai là người sáng lập ra hải quân nước Anh?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 9 – Arkady Leokum
Vào năm 900 sau Công nguyên, nước Anh có một vị vua tên là Alfred. Thuở còn nhỏ, Alfred học hành rất khổ sở, bởi ông chẳng có chút gì yêu thích sách vở. Lúc ấy, trên những quyển sách mà các giáo sĩ sao chép lại rất nhiều màu sắc rực rỡ rõ ràng, thậm chí cả chỉ vàng, những đồ họa và tự mẫu vẽ rất đẹp. Có một hôm, mẹ của Alfred đem quyển sách đẹp thế này đưa cho các con bà xem. Bà hứa rằng, đứa nào mà đọc được quyển sách này trước thì bà sẽ thưởng cho đứa đó quyển sách. Đấy vốn là một trò chơi, Alfred vì muốn được quyển sách, cho nên lần đầu tiên trong đời, ông thật tình muốn học thử xem sao. Ông hết sức cố gắng học, và không bao lâu ông đã đọc được trước các anh nên được thưởng quyển sách này.
Sau khi Alfred lớn lên, nước Anh thường bị bọn hải tặc quấy nhiễu. Bọn cướp biển này cũng là một bộ lạc của tộc Teuton gọi là người Đan Mạch. Lúc ấy người Anh đã được khai hóa, nhưng người Đan Mạch thì còn rất thô lỗ man rợ. quê hương của người Đan Mạch cách nước Anh một đường biển. Họ từ quê hương đối diện bên kia biển đến bờ biển nước Anh và đổ bộ lên. Họ cướp bóc sạch sành sanh những đồ vật quí giá của những thôn trấn rồi ngồi thuyền trở về. quân đội của nhà vua ra tay, muốn bắt bọn cướp biển này dạy cho một mẻ, ai ngờ họ chẳng những không làm gì được bọn cướp biển mà còn bị chúng đánh bại. Người Đan Mạch càng lúc càng hoành hành, muốn làm gì thì làm.
Sau cùng, Alfred đi đến quyết định cuối cùng: muốn đánh bại người Đan Mạch, dứt khoát phải đánh trên mặt biển. Do đó ông bèn cho người đóng thuyền, thuyền đóng to hơn thuyền của người Đan Mạch càng nhiều càng tốt. Không lâu sau, ông đã có được một hạm đội. Đây là lần đầu tiên nước Anh có hải quân. Hải quân nước Anh về sau này đã trở thành hùng mạnh nhất trên thế giới. Alfred là người mà hơn ngàn năm trước đã sáng lập hải quân nước Anh. Thuyền của ông chế tạo so với thuyền của người Đan Mạch quả nhiên to hơn nên ở chỗ nước sâu, hạm đội của Alfred rất mạnh. Nhưng vì chúng quá to, nên nếu đi ở chỗ nước cạn thì lại bất tiện; trong khi đó thuyền của người Đan Mạch thì vừa nhỏ vừa nhẹ, có thể đi cặp sát bờ cũng được.
Sau khi Alfred và người Đan Mạch khổ chiến nhiều năm, cuối cùng ông nghĩ, cách tốt nhất là nên cùng người Đan Mạch thành lập một hội nghị, nhường một phần đất của Scotland cho họ ở, nhưng họ phải cam kết là từ nay về sau không còn cướp bóc quấy nhiễu nữa, mà hai bên cùng chung sống hòa bình. quả nhiên người Đan Mạch đồng ý với ý kiến này. Do đó họ đã an cư lạc nghiệp trên phần đất mà Alfred cấp cho. Và từ đó về sau, người Đan Mạch không còn làm điều gì phiền hà nữa.
Alfred chế định rất nhiều luật pháp nghiêm minh, ai vi phạm điều gì thì cứ chiếu theo đó mà trách phạt. Khi Alfred còn đang tại vị, người Anh răm rắp tuân theo pháp luật, một người cho dù cầm vàng đi ngoài đường cũng không ai dám cướp giật.
Alfred lại mời những người có học vấn từ các quốc gia khác của châu Âu về nước Anh dạy cho nhân dân ông biết làm việc thế nào, dạy cho trẻ em, cả người lớn đọc sách viết chữ. Ông còn sáng lập một ngôi trường, hiện nay nó là một trong những ngôi trường lớn nhất thế giới – đại học oxford. Đến nay đại học oxford đã trải qua hơn ngàn năm lịch sử.
Alfred thành lập hải quân, sáng suốt chế định pháp luật, sáng lập trường học và đại học. Ở nước Anh thời bấy giờ, những sáng tạo này trước kia chưa từng có. Chưa hết, ông còn phát minh ra cách dùng nến đốt để báo thời giờ. Ngày nay, đồng hồ là vật hết sức bình thường, đâu đâu cũng đều có; nhưng vào thời ấy, đồng hồ còn là một vật hết sức đặc biệt mà nước Anh ngay một cái cũng còn chưa có. Alfred tìm ra tốc độ đốt cháy của nến, sau đó ông khắc trên thân cây nến những đường vòng ngang chênh lệch khác nhau để làm ký hiệu – khoảng cách giữa hai lằn ký hiệu đủ để nến cháy trong một giờ. Loại nến này được gọi là “nến đo thời giờ”.
Nến cũng có thể dùng chiếu sáng, nhưng nếu như cầm nến ra khỏi nhà thì nến rất dễ bị gió thổi tắt. Cho nên, Alfred đem cây nến đặt trong một chiếc hộp nhỏ, và vì muốn cho ánh sáng nến chiếu ra ngoài, do đó ông dùng những mảnh sừng trâu dát thật mỏng để làm chiếc hộp nhỏ, bởi thời bấy giờ chưa có thủy tinh, pha lê. Ấy gọi là lồng đèn.