Bạn biết gì về Marco Polo?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 9 – Arkady Leokum

Vào thế kỷ thứ 13 có một bộ lạc da vàng gọi là người Mông Cổ, cũng gọi là Thát Đát, bỗng dưng nổi dậy ở phương Đông. Nó chẳng khác chi trận gió cuồng mưa giật đáng khiếp sợ, như muốn cuốn phăng cả thế giới.

Lãnh tụ bộ lạc này là một võ sĩ kiêu hùng thiện chiến, tên gọi là Thành Cát Tư Hãn (genghis Khan). Thành Cát Tư Hãn có một đội kỵ binh Thát Đát, đều là người dũng võ hiếu chiến. Thành Cát Tư Hãn và người Thát Đát của ông rất giống Attila và người Hung Nô, – có điều so với Attila và người Hung Nô họ dữ tợn hơn nhiều. Có nhiều người cho rằng Attila và người Hung Nô cũng là tộc Thát Đát!

Thành Cát Tư Hãn cứ thường tìm cớ để đánh các nước khác, nhưng nếu như chưa tìm được cớ thì ông cũng cố vặn ra lý do bởi ông hừng hực, luôn muốn chinh phục những quốc gia khác. Ông và người Thát Đát của ông đều rất dữ dằn và hiếu chiến.

Thế nên, Thành Cát Tư Hãn và kỵ binh của ông càn quét từ Trung Quốc đến cả vùng đất rộng châu Âu. Hàng ngàn hàng vạn thành thị bị họ đốt cháy, phá hủy thành tro than, gái trai già trẻ mà họ giết có thể tính hàng trăm vạn. Không ai có thể ngăn chặn bước tiến của họ.

Từ Thái Bình dương thẳng đến một vùng đất rộng phía đông châu Âu đều bị Thành Cát Tư Hãn chinh phục. Nhưng cuối cùng rồi ông cũng dừng lại, không tiến lên nữa. Có một vương quốc rộng lớn thế này, ông tựa hồ cảm thấy thỏa mãn. Sự thực ông cũng đã cảm thấy đầy đủ lắm rồi, vì lãnh thổ của ông so với lãnh thổ của Đế quốc La Mã hoặc Alexander Đại đế còn rộng hơn nhiều.

Thậm chí sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, tình hình cũng thay đổi bởi con ông cũng đáng sợ như ông, lại chinh phục thêm nhiều quốc gia khác nữa.

Có điều cháu của Thành Cát Tư Hãn thì lại không hung dữ hiếu chiến như ông nội. Tên của ông là Hốt Tất Liệt (Kublai Khan), ông không giống cha và ông nội ông. Ông lấy Bắc Kinh, Trung Quốc, làm thủ đô, thống trị đế quốc rộng lớn của cha để lại. Điều hứng thú nhất của Hốt Tất Liệt là kiến tạo cung điện nguy nga, lộng lẫy, vui hưởng cảnh hoa viên. Kinh thành của ông hoa lệ giàu sang, đẹp đẽ vô cùng. Ngay Solomon cũng không thể sánh với Hốt Tất Liệt, một cuộc sống vô cùng hoa lệ hiển hách.

Cách Bắc Kinh, ở một nơi rất xa hoàng cung Hốt Tất Liệt, Bắc Ý có một thành thị xây dựng trên mặt nước.

Những con đường của thành thị này toàn là sông, trên đường dùng thuyền thay xe. Thành thị này tên là Venice. Khoảng năm 1300, ở Venice có hai người họ Polo. Hai anh em Polo này bỗng dưng có ý nghĩ, muốn đi một chuyến vòng quanh thế giới để mở rộng tầm mắt. Do đó, hai anh em Polo rủ thêm một người cháu cùng đi theo. Trước hết họ nhắm hướng mặt trời mọc mà lên đường, tìm một cuộc mạo hiểm; giống như cậu bé trong truyện cổ, rời nhà ra đi mong tìm vận may vậy. Đứa cháu của anh em Polo dẫn theo đó tên là Marco Polo, là đứa con của một trong hai người này. Họ mải miết đi về hướng Đông, đi luôn mấy năm liền, cuối cùng họ cũng đã tới hoàng cung và hoa viên giàu đẹp của Hốt Tất Liệt.

Hốt Tất Liệt nghe nói ngoài hoàng cung có ba người da trắng lạ từ một nơi xa lắc xa lơ, một quốc gia không biết tên gì tới. Ông rất muốn gặp họ; cho nên họ được dẫn đến trước mặt Hốt Tất Liệt. Họ đem chuyện trong nước của họ kể cho Hốt Tất Liệt nghe. Họ rất biết kể chuyện, vì thế họ nói nghe rất hấp dẫn êm tai.

Hoàng đế nghe chuyện họ kể lấy làm hứng thú và nảy sinh tình cảm với họ. Ông muốn họ kể nhiều chuyện nữa, nên khuyên họ ở lại để kể chuyện cho ông nghe. Ông ban cho họ nhiều tặng phẩm quí báu. Ông lại mời họ làm quan, giúp ông thống trị đế quốc rộng lớn này. Do vậy, ba người họ Polo đều ở lại. Họ học được tiếng Trung Quốc và đã trở thành nhân vật rất trọng yếu của Trung Quốc.

Họ ở lại Trung Quốc một thời gian khoảng hơn hai mươi năm. Rốt cuộc họ cảm thấy nhớ quê hương và muốn trở về. Do đó, họ thỉnh cầu Hốt Tất Liệt cho họ được trở về cố hương. Hốt Tất Liệt không đồng ý cho họ đi, bởi họ rất cần cho ông, giúp ông rất nhiều việc. Có điều, cuối cùng rồi ông cũng phải để họ đi. Do đó họ lên đường trở về cố hương của mình.

Rốt cuộc họ đã về đến Venice. Họ xa nhà lâu thế ấy, tới một nơi xa xôi thế ấy, bây giờ trở về, không còn ai nhận ra họ. Và dường như họ đã quên tiếng nói của nước họ, họ nói ngọng nghịu như người ngoại quốc. Vì sau một chuyến đi dài, áo quần của họ đã rách mướp, họ cứ như là kẻ lưu đãng không nhà không cửa trở về, chính những người bạn cũ của họ cũng nhận không ra họ. Không ai tin những người lạ mặt với áo quần lam lũ, mình gầy đét phơi xương này chính là ba người mang họ Polo đã mất tông tích hai mươi năm về trước.

Ba người họ Polo này bèn đem những việc mạo hiểm đã trải qua, cả đến những thành trấn hoa lệ giàu sang mà họ đi qua kể lại cho người đồng hương nghe. Có điều, người đồng hương của họ chỉ nghe để mà cười nhạo, vì cho rằng họ phịa chuyện tào lao nói cho đã mồm sướng miệng, chẳng qua là nói chuyện cổ tích mà thôi.

Do đó, ba người họ Polo này phải cởi bỏ bộ quần áo lam lũ mặc bên ngoài ra, thì nào là bảo ngọc, kim cương, hồng bảo thạch, lam bảo thạch, trân châu quí giá rạng ngời sáng loáng làm lóa mắt mọi người. Mọi người giờ mới tin lời nói của họ là thật.

Marco Polo đem chuyện của ông kể lại cho một người nghe, người này ghi nhớ và đúc kết lại viết thành một quyển sách tên là Marco Polo dy ký (The Travels of Marco Polo). Thậm chí ngày nay nếu các bạn đọc, các bạn sẽ cảm thấy thích thú, tuy chúng ta chưa hẳn hoàn toàn tin nghe theo những chuyện ông kể. Bởi chúng ta biết, hầu hết chuyện ông kể đều bịa đặt thêm thắt, thổi phồng ra, muốn cho người nghe say sưa hứng thú và không khỏi ngạc nhiên mà thôi.