Tại sao két nói được?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 10 – Arkady Leokum

Khi chúng ta nói rằng két và các loại chim khác nói được có nghĩa là chúng có thể bắt chước tiếng người ta nói chuyện. Nhưng loài chim không thể dùng từ để diễn tả những suy tư và cảm nghĩ hay những điều gì chúng muốn. Có lẽ chúng chỉ nói được vì thích phát ra những âm thanh.

Nhiều loại chim bắt chước những âm thanh chúng nghe được ở chung quanh. Có loại nhái lại tiếng hót của loại kia, có loại bắt chước được cả những âm thanh do con người tạo ra như điệu nhạc. Loài chim có ba nhóm bắt chước được tiếng người: két, nhồng và sáo. Ở Việt Nam có thêm loài cà cưỡng.

Cơ phận phát âm của loài chim tập nói khác với loài người về vị trí và cấu trúc. Chim không có thanh quản. Hầu hết loại chim tập nói không biết hót mặc dù chúng có thể huýt gió. Chim bắt chước như két, vẹt phải được huấn luyện từ nhỏ.

Nhưng két và các loại chim bắt chước cũng không dễ học được tiếng người. Các từ phải được lặp lại nhiều lần rõ ràng và chậm rãi. Tuy nhiên một khi đã học được một câu nói hoặc một từ nào thì chúng không bao giờ quên.

Thật ra những từ ấy chẳng có nghĩa gì đối với chúng, mà chỉ là những âm thanh. Một nhà khoa học đã bỏ công dạy cho một con két suy nghĩ khi nói ra từ nhưng thất bại. Một con chim nói rất giỏi nhưng không thể tập cho nó nói từ “đồ ăn” khi nó đói bụng, hay “nước” khi nó khát. Khi chim nói “Tôi đói bụng” không có nghĩa là nó đói.

Nhưng cũng có rất nhiều con két nói được câu “good morning” vào đúng lúc buổi sáng mà giờ khác thì không nói. Có lẽ những từ này có nghĩa gì đối với chúng chăng?