CHƯƠNG X: Cuộc cách mạng tình dục
Từ khóa tìm kiếm: Giải mã dục vọng – Pamela Druckerman
Người Nam Phi thà chết còn hơn là phải sống theo chế độ một vợ một chồng. Còn rất nhiều những tín đồ của đạo Hồi, đạo Thiên Chúa và đạo Do Thái thì thà nhận lấy sự trừng phạt của Thượng Đế còn hơn là phải sống với một bạn đời. Nói tóm lại, chẳng có cái chết hay nỗi sợ thánh thần nào đủ làm cho người ta thay đổi văn hóa tình dục cả.
Vậy còn sự ảnh hưởng của tiền bạc thì sao? Điều gì sẽ xảy ra khi trong một thời gian ngắn, trong không gian của đời sống tình dục của con người, một đất nước nghèo đói và cô lập lại có được thị trường kinh tế bùng nổ? Con người có thay đổi văn hóa tình dục của mình hay không? Và nếu có thì họ sẽ biện minh cho bản thân mình thế nào? Và những người vẫn giữ tư tưởng phong kiến thì sẽ ra sao?
Những câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu tôi khi xe vừa băng qua đường biên La Hồ nằm giữa Hong Kong và Trung Quốc, lúc này là 8 giờ tối thứ 4. Bao quanh tôi là một đám đàn ông đang chờ đểvào Thẩm Quyến – thủ phủ của Trung Quốc nằm bên kia biên giới. Rất nhiều dân Hong Kong làm việc ở Thẩm Quyến nhưng đa phần đàn ông tối nay đến đây để ăn chơi. Họ thay đồng phục và mặc quần soóc, mang săng-đan, và rất nhiều người đi cùng bạn bè. Cứ cách 5 phút là có một chuyến xe lửa chở đầy ắp đàn ông vào nội địa.
Các vị thư ký, những người thợ sửa ống nước và cả mấy bác tài xế xe buýt đều không ngần ngại cái nóng hay xếp hàng – chưa kể đến cơn tam bành của vợ nhà và đôi khi còn có sự trừng trị của luật pháp – để hướng về hòn đảo Thẩm Quyến đầy gái trẻ đẹp mời gọi. Ở đó có đủ phụ nữ sẵn sàng thỏa mãn cho các ông, nhiều khi còn có những điều các ông chẳng bao giờ tưởng tượng tới được.
Thẩm Quyến là thiên đường ngoại tình. Bất cứ ai muốn tìm nguồn vui trong một đêm đều có thể chọn lựa trong hằng hà sa số gái gọi ở đây. Nhưng ngoài ra, thành phố này có lắm nơi mà truyền thông nội địa gọi là “các làng vợ lẽ”. Ở đây có những vùng chứa toàn những phụ nữ được “các ông chồng” Hong Kong chu cấp, hằng ngày chỉ ngồi chơi mạt chược, ôm ấp chó cưng và tung tẩy “những chiếc túi Louis Vuitton thứ thiệt” (Thẩm Quyến còn là nơi nổi tiếng về hàng nhái). Một phụ nữ Hong Kong, cũng từng là nhân tình, với giọng ghen tức bảo tôi rằng đa số các vợ lẽ ở Thẩm Quyến – còn gọi là yi lai – đều có thân hình đáy thắt lưng ong cả. Nghe đồn những đứa trẻ ngoài giá thú giữa đàn ông Hong Kong và phụ nữ Thẩm Quyến lên đến con số nửa triệu.
Nhằm cảnh tỉnh các ông, một nhà lập pháp đã đưa ra đề nghị dán đầy các tấm pa-nô ở phía Hong Kong ghi rằng CÁC CON ĐANG ĐỢI ÔNG Ở NHÀ. Nhưng cho dù các ông có nghĩ lại thì cũng không thể tức thì quay đầu lại được. Martin, 41 tuổi, làm nghề chạy việc vặt ở Hong Kong, đã có vợ nhưng thường ở với yi lai đến 4 hay 5 đêm một tuần, cho biết: “Phụ nữ Thẩm Quyến trẻ, đẹp và lại ít tốn kém hơn phụ nữ Hong Kong rất nhiều. Và ít tốn kém là nguyên do chính.” (Giống như những người Hoa ở Hong Kong, Martin có cả tên tiếng Hoa và tên tiếng Anh.)
Hiện tượng vợ hai bùng nổ ở Thẩm Quyến không phải là ngẫu nhiên. Vào đầu những năm 1980, Thẩm Quyến trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc mở cửa cho nước ngoài đầu tư. Từ một làng chài có dân số bản địa là 30.000, sau khi các công ty nước ngoài bắt đầu xây xưởng và người dân từ những vùng nghèo khó đổ về tìm việc thì dân số đột ngột tăng cao. Đến năm 2005 nơi đây đã trở thành nhà của 4,5 triệu người, hầu hết là dân tứ xứ. Những người nhập cư, đặc biệt là các cô gái đẹp, sớm nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền ở các quán karaoke và mát-xa nhiều hơn rất nhiều so với việc ngồi lắp ráp linh kiện máy tính. Nhưng trước khi họ kịp nhận ra điều đó thì những mạnh thường quân từ Hong Kong và nội địa Trung Quốc đã kịp đưa họ vào sống trong những căn hộ và lo cho họ cái ăn cái mặc.
***
PHẢI HIỂU ĐƯỢC HOÀN CẢNH TRONG QUÁ KHỨ mới cảm thông cho sự thay da đổi thịt thành mảnh đất tình dục của Thẩm Quyến như ngày nay. Vào những năm tháng cuối cùng của thời phong kiến, kéo dài đến đầu thế kỷ 20, đàn ông chỉ được lấy một vợ nhưng không cần chung thủy, họ có quyền nuôi vợ bé hoặc đi kiếm gái tùy thích. Còn người vợ thì chỉ được quan hệ với một người duy nhất trong đời, đó là chồng mình. Theo lời của nhà sử học Lisa Tran thì người chồng có thể trừng phạt hay thậm chí giết vợ nếu phát hiện cô ta ngoại tình.
Mọi việc chỉ được thay đổi từ đầu thế kỷ 20, khi Trung Quốc có chính phủ đại nghị và họ tuyên bố đem lại quyền bình đẳng nam nữ. Trong cùng thời điểm, xã hội đã thay đổi cái nhìn và cho rằng đàn ông cũng phải chung thủy. Những nhà lập pháp và quần chúng tranh luận về vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Mặc dù có những lý lẽ hợp pháp (vợ lẽ thì không phải là vợ hay sao?), nhưng đàn ông vẫn phải từ bỏ những đặc quyền khác của mình.
Khi đảng viên đảng Cộng Sản Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào năm 1949 ông quyết định liệt chuyện nuôi vợ lẽ là vi phạm chế độ một vợ một chồng và đó là phạm pháp. (Nhưng ở Hong Kong thì vợ lẽ vẫn được cho phép vì vẫn là thuộc địa của Anh đến năm 1997). Chuyện mại dâm cũng bị bài trừ. Mao phê phán chuyện quan hệ bừa bãi là hành động “tư sản” và chỉ dành cho những loại đàn ông giàu có tự nuông chiều dục vọng ích kỷ của mình. Ông muốn xây dựng lại mọi thứ từ đầu và mọi người cùng xuất phát từ một giai cấp bằng nhau.
Mao còn quan tâm đến cả chuyện ngoại tình tư tưởng chứ không riêng về chuyện vụng trộm xác thịt. Những người chuyên quyền như ông ta thường cho rằng một khi nắm bắt được đời sống tình dục cá nhân thì sẽ thống trị được mọi thứ trong tay. Và ngoại tình – một loại tình dục bí ẩn nhất – chính là tử huyệt. Trong thời Liên minh Xô-viết, quan hệ ngoài hôn nhân đôi khi mở ra một lối thoát. Trong cuốn 1984 của George Orwell, viết về một chế độ chuyên chế giả tưởng ở London, các nhân vật chính cố gắng “thoát khỏi” đảng bằng cách ngoại tình (nhưng sau đó họ phát hiện ra rằng mình đã bị chính phủ theo dõi từ những ngày đầu.)
Còn Trung Quốc ở thời Mao Trạch Đông thì ngoại tình không hẳn là tội danh nghiêm trọng mà là một hành động ngu ngốc khờ dại. Các ủy ban – thường được điều hành bởi các phụ nữ có đôi mắt cú vọ – luôn theo dõi sát sao từng tòa nhà nhằm phát hiện ra những ai có “cách sống không lành mạnh” và báo lại với tổ chức chính phủ. Lãnh đạo các nhóm công nhân có thể giáng chức hoặc thậm chí đuổi việc những người nào bị tình nghi là ngoại tình; ngoài ra, họ còn có thể bị bêu xấu và phải “tự kiểm điểm”. Những phụ nữ phạm tội vụng trộm, còn bị gọi là “giày hỏng”, sẽ bị đưa ra lăng mạ. Vì ngoại tình có hậu quả như vậy nên với nhiều người phải đi làm xa, mỗi năm chỉ được về nhà một tháng, thì thường phải cố gắng chịu đựng “ngủ chay”.
Cũng như nước Nga thời Liên Xô cũ, tìm được một chỗ để vụng trộm cũng là vấn đề lớn. Cuối năm 1988, nhà xã hội học Zha Bo và Geng Wenxiu cho rằng trong khi Anh Cả không còn săm soi vào đời tư của người khác thì: “Các khu nhà đông đúc không lý tưởng cho những người muốn ngoại tình vì sẽ luôn bị bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm dòm ngó.” Theo một khảo sát dân cư thành thị thì có khoảng 80% đàn ông và 87% phụ nữ vụng trộm bị phát hiện.
Tình yêu lãng mạn cũng là một nạn nhân khác ở Trung Hoa. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa kéo dài từ 1966 đến khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1967, những cư dân trẻ tuổi trong thành phố bị lôi ra khỏi nhà và bị bắt đi làm nông dân trong nhiều năm. Một trong những trại cải tạo lao động lớn nhất ở ngoại ô còn kiên quyết cấm “hút thuốc lá và yêu đương”. Zha và Geng giải thích rằng một số người lúc ấy chấp nhận kết hôn chỉ để được quay về thành thị, vì vậy hôn nhân của họ dựa trên “chính trị, kinh tế và hoàn cảnh gia đình” hơn là vì tình yêu. Ngoài ra, các cặp vợ chồng phải được sự chấp nhận của các vị chủ tịch đảng.
Emily Honig đã viết trong cuốn Tình dục trong chủ nghĩa xã hội rằng: “Thảo luận về đời sống cá nhân, quan hệ yêu đương hoặc tình dục bị coi là hành động của giai cấp tư sản, vì vậy đều bị cấm đoán.” Bà còn thuật lại tuổi trẻ “bị cầm tù” của thời ấy vì “tất cả sách văn học lãng mạn đều bị liệt vào văn hóa đồi trụy, các bản tình ca bị dán mác thấp hèn. Những cặp yêu đương bị xem là lưu manh.” Một chỉ thị được đưa ra nhằm cấm người dân Trung Hoa kể những chuyện cười tục tĩu. Người ta chỉ có thể bí mật chuyền tay nhau những bản viết tay của các tiểu thuyết tình cảm; và một trong những tác giả từng bị bắt bỏ tù vào năm 1975 vì tội truyền bá “tình yêu tư sản,” Honig cho biết.
Chính phủ còn kiểm duyệt khắt khe để thanh lọc mọi tình tiết liên quan đến tình dục trong các vở kịch được công diễn trên sân khấu trong thời đó. Theo Honig, khi các diễn viên nam và nữ xuất hiện cùng nhau trên sân khấu: “họ chỉ trò chuyện về công việc, cuộc cách mạng, đấu tranh giai cấp và gọi nhau là ‘đồng chí’”. Nhiều người không hề biết rằng chính Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông là người tiếp tay cho việc khởi xướng cuộc Cách Mạng Văn Hóa này.
Nhưng Mao Trạch Đông không hề tự tuân theo các điều cấm này. Vào năm 1994, Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng từng theo ông nhiều năm dài, đã viết một cuốn sách phơi bày những sự thật của ông, trong đó cho biết các tay chân thân tín của Mao Trạch Đông thường đi săn các cô gái “trẻ trung, quyến rũ và biết thận trọng về chính trị” để thỏa mãn nhu cầu tình dục của ông. Lý tiết lộ rằng Mao Trạch Đông rất thích gái trinh và tự ví mình như các Hoàng đế Trung Hoa ngày xưa được quyền có nhiều cung tần mỹ nữ. Ngày ấy, sau bữa ăn tối tại một biệt thự ngoại ô thì Mao Trạch Đông đã ở đó với nhân tình hiện tại cùng chị của cô ta suốt 3 ngày, và chỉ rời khỏi đó để đi họp với thị trưởng của Thượng Hải.