Phần 14. Làm gì khi trẻ ra khỏi phòng?
Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn
Trong thời gian cách ly, Oliver ở lại trong phòng một cách tự nguyện. Bé chấp nhận đóng cửa. Điều đó không thể đúng với tất cả các trẻ em. Một số trẻ sẽ chạy ngay ra ngoài. Trong trường hợp này, bạn phải chuẩn bị trước rằng bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành cách ly. Bạn phải ngăn chuyện con bạn có thể không chịu ở lại trong phòng. Trong trường hợp cực chẳng đã, bạn phải dựa vào cánh cửa để giữ hoặc giữ chặt cửa chặn. Nhưng bạn không nhốt con bạn trong đó! Nó sẽ trở thành phản ứng chống đối.
Chắc chắn là bạn cảm thấy rất khó khăn khi đứng cạnh cửa và giữ chặt nắm vặn cửa trong khi con bạn trong phòng kêu khóc và gào thét và rất có thể sẽ đá cánh cửa phòng. Nhưng bạn hãy cân nhắc kĩ càng – chỉ sau vài phút nữa thôi bạn lại mở cửa ra và thỏa hiệp với con rằng: “Con có thể quyết định: Con muốn được tự do trở lại thì đi với mẹ. Hoặc là con muốn tiếp tục hò hét thì mẹ sẽ tiếp tục đóng cửa lại.”
Con bạn có sự lựa chọn. Đó là lý do tốt để bé nhanh chóng ngừng la hét
Và bé cũng có lý do hợp lý để lần sau cư xử tốt hơn và không phải ngồi sau cánh cửa đóng nữa.
Một lựa chọn khác ngoài cách ly là gì? Hãy thử tưởng tượng rằng con bạn có thể chạy trốn và bạn phải chạy theo để “tóm” bé lại. Liệu có lý do hợp lý nào để chấm dứt tình trạng này hay không? Tôi nghĩ là không, một khi bé đã phát hiện ra trò chơi, thấy thích nó và tự xác định ra luật lệ của mình.
Ngoài những kết quả tốt thì vẫn có những cảm giác xấu, khi chúng ta tách con cái bằng mọi giá ra khỏi mình, đóng một cánh cửa giữa hai người và bạn phải đi chỗ nào đó khác. Chúng ta biết rõ rằng trong lúc đó con mình không hiểu được tất cả. Có thể bé hét lên rằng: “Mẹ thật xấu xa!” hoặc: “Con ghét mẹ!” Bạn cần phải có dũng khí và tin tưởng vào chính bản thân khi làm cho chính con mình không yêu quý mình nữa.
Phương pháp cách ly tạm thời sẽ chỉ áp dụng cho một số hành vi nhất định bạn không thể đồng ý được. Bạn không muốn tỏ ra giận dữ hoặc trừng phạt bé mà chỉ khiến bé hiểu ra rằng: “Mẹ không thể chấp nhận hành vi này được. Con rất quan trọng với mẹ. Mẹ phải đặt giới hạn cho con, để con thay đổi hành vi của mình.” Với cách suy nghĩ như thế này, bạn nên chú ý và chấp nhận cá tính của con mình. Vì vậy bạn và con có thể bàn bạc với nhau, nếu không nó sẽ làm hỏng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Không phải tất cả trẻ em đều cố tình chống đối. Nhiều trẻ em chấp nhận cách ly trong phòng riêng đóng cửa. Không phải hiếm khi bà mẹ thấy con vài phút trước vừa tức tối ầm ĩ không ngừng, sau ít phút đã tự chơi ngoan ngoãn trong phòng riêng. Vài bố mẹ nghĩ rằng: “Nghỉ cách ly chẳng có tác dụng gì với con tôi. Nó không hiệu quả.” Đây là một sai lầm: Với việc cách ly, bạn có thể tạm dừng những hành vi quá đáng của bé. Trong thời gian này khi bé quyết định sẽ đổi hướng mà chơi ngoan ngoãn thì đó là lựa chọn tốt. Bạn có thể khen ngợi bé vì điều đó.
Khi trẻ hiểu về cách ly sớm, trẻ có thể hành động như con gái Andrea của tôi: Khi bé không thích quan điểm của tôi, bé giậm chân tức giận đi về phòng của bé và đóng sầm cửa lại. Bé tự cho mình thời gian cách ly. Tốt hơn là nên để bé yên tĩnh một lúc cho đến khi bé có tâm trạng khá hơn.
Tóm tắt về phương pháp cách ly:
Phương pháp cách ly được dùng để tạm dừng lại một hành vi không thể chấp nhận được hoặc quá trớn của trẻ. Bạn giảm giao tiếp với con trong thời gian ngắn và rõ ràng hoặc dừng bé lại trong khoảng thời gian này.
Thời gian cách ly trong phòng riêng áp dụng cho trẻ dưới 2 tuổi, cho trẻ mắc chứng sợ bị bỏ lại một mình hoặc từ ngoài đưa về nhà. Bạn ở cạnh con nhưng ít chú ý đến bé, cho đến khi bé có thái độ hợp tác. Phương pháp “ngồi yên trên ghế” buộc con bạn phải ngồi yên lặng trên ghế đặt gần cha mẹ trong một thời gian ngắn.
Kiểu cách ly bố mẹ ra khỏi phòng và để lại con một mình trong phòng rất hữu dụng dành các bé từ 2 tuổi trở lên khi cáu giận.
Cách ly ở phòng khác phù hợp với trẻ từ 2 tuổi trở lên. Bạn đưa bé đến phòng khác và đóng cửa lại trong vòng vài phút. Sau khoảng thời gian ngắn nhất định, bạn quay lại và cho bé cơ hội lựa chọn giảng hòa. Khi bé đã bình tĩnh lại, thời gian cách ly kết thúc. ➞ Những câu hỏi thường gặp và trả lời:
Phòng nào phù hợp?
Điều đó còn tùy thuộc vào cách phân chia phòng của nhà bạn thế nào. Yếu tố quyết định là phải có một cánh cửa hoặc cửa chặn giữa bạn và bé có thể đóng lại được. Thường thì cha mẹ hay chọn phòng riêng của trẻ. Có thể trước đó phải dọn bớt những đồ vật đáng giá hoặc đồ vật hấp dẫn với trẻ nhỏ. Một cái ti-vi hoặc một cái máy chơi điện tử Play Station không được phép có trong phòng cách ly! Khi có anh chị em bé cùng chung phòng thì căn phòng đó không sử dụng được.
Trong vài trường hợp nhất định, ngay cả phòng ngủ phòng tắm hoặc tầng hầm cũng có thể thích hợp. Căn phòng để cách ly phải càng ít đồ giải trí càng tốt.
Có giải pháp thay thế nào không? Bạn phải làm gì khi con bạn hàng tối đến giờ ngủ lại không chịu ở trong phòng?
Trẻ phải học cách ngủ trên giường riêng của mình thay vì tỉnh dậy nhiều lần và tới giường của cha mẹ. Quy định mà trẻ học được là “Mình phải nằm trên giường của mình thì cửa phòng mình mới mở. Mình mà tỉnh dậy và chạy ra khỏi phòng thì cửa sẽ đóng lại và ngay cả khi có chuyện khẩn cấp nó cũng vẫn sẽ đóng. Bố mẹ mình cứ hai, ba phút lại vào với mình và nhìn mình. Chỉ khi mình nằm trên giường, bố mẹ mới để cửa mở.”
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ không chịu chấp nhận cách ly?
Khi con bạn không tự nguyện đi, hãy đưa bé tới phòng, cùng lắm là bế bé tới đó – nhẹ nhàng nhưng chính xác. Con bạn có sự lựa chọn.
Độ tuổi nào phù hợp với phương pháp cách ly?
Cho tới khi bé đến tuổi đi học tiểu học. Khi con bạn chấp nhận yêu cầu “Đi vào phòng con đi” và ở lại trong phòng thì không có giới hạn nào hết. Không cần đóng cửa khi con bạn từ 8 đến 9 tuổi. Ngay cả với việc đưa bé vào phòng với hành động trực tiếp cũng không cần dùng nữa. Khi một đứa trẻ lớn hơn không chịu chấp nhận cách ly thì sẽ phải tuân theo một biện pháp khác.
Phải làm gì khi con bạn tự ra khỏi phòng trước khi hết giờ cách ly?
Đưa con bạn trở lại phòng và đặt lại đồng hồ, thời gian cách ly tiếp tục từ bây giờ. Nếu con bạn lại tự ý ra khỏi phòng, bạn phải đưa bé lại phòng và đóng chặt cửa ngăn cho đến khi nào hết giờ cách ly.
Phải làm gì khi con bạn “nổi loạn”, đá vào cánh cửa và mắng mỏ bạn?
Không làm gì hết! Bạn phải kiềm chế cơn giận của mình. Bạn đừng đi vào phòng mà hãy chờ cho đến khi bé dừng lại. Cứ vài phút lại hỏi bé về chuyện làm hòa. Khi con bạn “bình thường” trở lại, bạn hãy vui mừng vì điều đó và thể hiện cho bé biết.
Phải làm gì khi con bạn phá phách phòng cách ly?
Hãy chờ cho tới khi con bạn bình tĩnh lại. Đến hết giờ cách ly, bạn cho bé sự lựa chọn: “Giờ lại phải dọn dẹp lại phòng rồi. Giờ con sẽ dọn hoặc mẹ sẽ tống hết tất cả vào thùng? Nếu vậy thì một tuần nữa mẹ sẽ đưa lại cho con. Con quyết định đi.”
Nếu bé không thích/tránh phòng cách ly?
Nguy cơ này sẽ không xảy ra nếu bạn thực hiện phương pháp cách ly đúng như ở trong sách mô tả và đối xử với con bạn một cách công bằng và tôn trọng. Nếu bạn mất kiểm soát, la hét và tóm lấy bé thì đó lại là chuyện khác. Lúc đó là bạn đang trừng phạt con mình. Thời gian cách ly không phải là hình phạt, mà là phương pháp logic và công bằng.
Khi đang ở ngoài, bạn có thể sử dụng phương pháp cách ly thế nào?
Nếu ở nhà bạn bè, bạn có thể vào phòng tắm cùng bé trong vài phút, cho tới khi nào bé hợp tác trở lại. Trong nhà hàng bạn có thể cùng con vào nhà vệ sinh và đợi vài phút ở một nơi không có gì hấp dẫn cho đến khi con bạn sẵn sàng quay trở lại bàn ăn. Một khả năng nữa là có thể cùng con tới gần cửa và ngồi ở ghế băng gần đó. Nếu không có ghế băng hoặc không có nơi nào yên tĩnh, ô tô của bạn sẽ là vị trí thích hợp: Bạn và con bạn vào xe ngồi, lật quyển tạp chí xem và chờ vài phút. Kiểu cách ly trước cửa hoặc trong ô tô bạn có thể sử dụng khi con “tự phô mình” trong siêu thị. Bạn để xe đẩy ra quầy thanh toán. Điều quan trọng là trong thời gian cách ly “bên ngoài” này bạn không được nói một câu nào với con. Bạn không la mắng, không thảo luận, chỉ im lặng và chờ trong vài phút. Sau đó bạn hỏi con bạn xem liệu bé đã sẵn sàng về nhà chưa. Kiểu cách ly này đối với con bạn thật nhàm chán và bé sẽ không còn lựa chọn nào khác cả.
GIẢI PHÁP
Động viên thay vì những phương pháp khó chịu “Đầu tiên phải làm việc, sau đó mới được giải trí” – có thể bạn đã từng được nghe điều này khi còn bé. Bạn miễn cho con mình phải nghe điều này. Cho dù đằng sau đó là một phương pháp nuôi dạy trẻ hiệu quả đặc biệt phù hợp với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo.
Con bạn có rất nhiều mong muốn và đòi hỏi ở bạn. Bé muốn chơi, xem ti-vi, hẹn hò với bạn bè, trải nghiệm trò chơi và rất nhiều thứ nữa. Ngay lập tức thỏa mãn những yêu cầu của bé không phải là ý hay. Nếu vậy thì bé sẽ không học được rằng phải tôn trọng sự cho phép của người khác hoặc phải thực hiện trách nhiệm của mình. Tốt hơn là nên nhắc bé nhớ về trách nhiệm của mình và quy định của gia đình bạn. Mong muốn của bé sẽ được thỏa mãn nếu bé hoàn thành công việc của mình. Nói lời động viên trong tình huống này cũng được coi là một phương pháp. Bạn có thể không chỉ cảm thấy thoải mái về bé, mà còn hi vọng vào bé.