Học sinh các nước có ‘oải’ vì học thêm không?

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Câu chuyện dạy thêm, học thêm ở Việt Nam nhuốm màu tiêu cực một lần nữa được phản ánh qua bức tâm thư của một số học sinh ở Quảng Nam mà tuoitre.vn đã đăng tải. Vậy chuyện học thêm ở các nước khác thế nào?

Áp lực từ việc học rất nặng nề

Ở Đài Loan, việc học thêm của học sinh có nhiều hình thức, nhưng không có trường hợp nào học sinh bị ép đi học thêm. Họ hoàn toàn tự nguyện.

Kiểu học thêm phổ biến ở Đài Loan là những lớp học quy mô lớn được tổ chức tại trường, chừng 300-500 học sinh và có thu học phí. Mỗi tối có thể có cả 2.000 học sinh đến trường để học thêm các môn như: vật lý, toán, hóa, tiếng Trung…

Vào cuối tuần thì thêm ba lớp quy mô như vậy được mở trong ngày. Các giáo viên là những “siêu sao dạy phụ đạo” của trường.

Một kiểu học thêm khác cũng tương tự kiểu học nói trên nhưng không có thầy cô. Nhà trường tổ chức các lớp học với khoảng 500 học sinh một lớp. Mục đích không phải để dạy mà để tạo không khí cho học sinh tập trung tự học trong một thời gian dài vào dịp cuối tuần.

Ngoài ra, tại Đài Loan cũng có kiểu học thêm tương tự hình thức học thêm ở Việt Nam. Lớp quy mô nhỏ về những môn học cụ thể, giáo viên có thể là người dạy ở trường và muốn kiếm thêm thu nhập hoặc sinh viên đại học.

Ở Đài Loan, các trường luôn cạnh tranh lẫn nhau để đạt được danh hiệu có nhiều học sinh lọt vào top 5 trường cấp III hàng đầu hoặc 5 trường đại học hàng đầu. Vì có rất nhiều học sinh trong lớp nên “các siêu sao dạy phụ đạo” không quan tâm đến bất kỳ học sinh nào.

Họ cứ giảng bài thao thao bất tuyệt và học sinh cứ cắm cúi ghi chép và thầm mong một ngày nào đó mình có thể ghi nhớ chút gì!

Dù là hình thức nào thì chúng tôi cũng không có áp lực về việc phải đi học thêm cho giáo viên vui lòng. Tuy nhiên áp lực học hành của học sinh Đài Loan rất nặng nề.

Ở Đài Loan, từ 13-18 tuổi là giai đoạn học sinh phải rất nỗ lực vì chúng tôi có hai kỳ kiểm tra quan trọng. Kỳ thi cuối cấp II quyết định học sinh sẽ vào trường cấp III nào và kỳ thi cuối cấp III quyết định học sinh sẽ vào trường đại học nào.

Từ khi tôi 13 tuổi, mỗi ngày việc học của tôi bắt đầu lúc 7h30 và kết thúc lúc 5h chiều, sau đó tôi tiếp tục học thêm. Một số ít học sinh khác cũng chăm chỉ giống như tôi, họ tự học đến tận 9h tối.

Vào năm trước khi tôi vào đại học, cách đây đúng 10 năm, tôi thậm chí sống luôn ở ký túc xá để có thể học bài đến nửa đêm.

Về chuyện dạy thêm ngoài nhà trường, luật ở Đài Loan nghiêm cấm giáo viên dạy học bên ngoài nhà trường. Nếu ai bị phát hiện dạy thêm ngoài nhà trường, họ sẽ bị phạt tiền và mất chứng chỉ hành nghề.

Trường công dạy thêm miễn phí

Không giáo viên nào ở Singapore được tự mở lớp dạy thêm và đối xử không công bằng với học sinh không theo học vì điều đó trái với đạo đức nghề nghiệp. Nếu bị phát hiện việc này, họ có khả năng bị mất việc.

Các trường học ở Singapore cạnh tranh nhau để đảm bảo học sinh của mình đạt được thành tích tốt. Vì vậy giáo viên ở các trường công lập thường tổ chức các lớp học thêm ngay tại trường sau giờ học để giúp những học sinh yếu hơn bắt kịp với bạn học.

Những lớp học này được thực hiện miễn phí và trên tinh thần tự nguyện, chỉ học sinh nào cần học phụ đạo mới đăng ký học.

Tuy nhiên, dạy và học phụ đạo là một ngành công nghiệp tỉ đô ở Singapore. Rất nhiều bậc phụ huynh gửi con cái mình đến các trung tâm dạy thêm tư nhân.

Ở cấp trung học, chương trình học càng khó hơn nên việc học thêm cũng trở nên cần thiết hơn. Các môn đông người học ở các trung tâm phụ đạo là tiếng Hoa, toán, khoa học và kinh tế.

Học sinh ở Singapore cảm thấy áp lực và căng thẳng khi các em không thể bắt kịp với bạn học của mình. Ngoài ra, các em còn chịu áp lực vì nỗi lo và tham vọng của cha mẹ nên phải đi học thêm vì cha mẹ muốn.

Có cung ắt có cầu. Chính phủ không khuyến khích học phụ đạo, cũng không ngăn cản cha mẹ cho con đi học thêm tại các trung tâm, do vậy quyền quyết định là ở phụ huynh.

Tuy nhiên, nguyên tắc chung cho công chức Singapore là họ không được khuyến khích làm công việc khác ngoài công việc hiện tại của họ. Giáo viên cũng nằm trong nhóm này. Giáo viên ở Singapore được trả lương khá ổn nên rất ít người làm trái quy định của chính phủ.

Giáo viên trường công dạy thêm quy mô nhỏ

Khi là học sinh cấp III, tôi từng học thêm ở trường với thầy cô và mẹ tôi còn mời cả gia sư về nhà dạy. Tôi học thêm môn toán và tiếng Pháp vì còn yếu hai môn này. Thật ra tôi học thêm vì mẹ muốn tôi phải học tốt hơn.

Ở Thái Lan, học sinh cấp II và III học thêm để có điểm tốt ở trường và tăng khả năng thi đậu vào trường đại học. Tuy nhiên, nếu là giáo viên của trường tư, thầy cô sẽ không được mở lớp dạy thêm ở nhà.

Ở trường tôi – một trường tư, học kỳ trước trường tổ chức dạy thêm đại trà tại trường các môn toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh cho tất cả học sinh đầu cấp II. Học sinh đóng học phí cho nhà trường và trường sẽ trả thù lao cho giáo viên nào tham gia dạy thêm với tỉ lệ hợp lý.

Nếu là giáo viên ở trường công, thầy cô có thể dạy thêm tại nhà với quy mô nhỏ, từ 3-5 em/lớp. Vì vậy dù muốn có nhiều học sinh đi học thêm thì giáo viên cũng không có khả năng để dạy.

Trường hợp giáo viên dạy 20 học sinh/lớp, tuần hai buổi, và có ba lớp như thế mỗi tuần thì được coi là quy mô lớn. Nếu muốn dạy như thế, họ phải đăng ký kinh doanh – kiểu như đăng ký thành lập công ty và phải có giấy phép hoạt động cho cơ sở dạy thêm của mình.

Học sinh yếu mới cần học phụ đạo

Tôi sống tại bang Arizona, vợ tôi là giáo viên dạy tiếng Anh, người Việt Nam.

Ở Mỹ rất ít học sinh cần phải đi học thêm sau giờ học chính ở trường. Em nào yếu quá, tất nhiên sẽ cần được phụ đạo. Những em đã là học sinh thuộc tốp đầu của trường thì gần như chắc chắn không cần học thêm.

Khi nói đến đây, tôi muốn kể về một cô cháu ở Việt Nam của gia đình. Khi học cấp III, cháu đứng đầu lớp về môn toán nhưng vẫn cảm thấy cần đi học thêm. Sau này cháu qua Mỹ học ngành toán, đứng đầu cả khoa.

Ở Mỹ, nếu nhận thấy một học sinh cần học thêm, giáo viên sẽ trao đổi với em và gia đình để bàn về việc tìm cách phù hợp nhất cho em.

Thông thường giáo viên sẽ giới thiệu số điện thoại một phụ huynh trong trường tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh mỗi tuần khoảng hai tiếng. Hoặc giáo viên có thể giới thiệu danh sách 10 thầy cô dạy phụ đạo lấy phí theo giờ với giá cả được mô tả rất rõ để học sinh và gia đình lựa chọn.

Trong các trường hợp, bản thân người giáo viên đứng lớp không tham gia việc dạy thêm vì giáo viên đã làm việc rất vất vả từ sáng đến chiều, họ không thể có sức lực để kham thêm việc kèm riêng cho học trò.

Cái hay là ở Mỹ các phụ huynh có khả năng đều có thể tình nguyện đăng ký giúp đỡ nhà trường theo khả năng và sở trường của mình.

Trong trường hợp của cháu gái tôi khi còn ở Việt Nam, dù học rất giỏi, cháu vẫn cảm thấy có những áp lực vô hình về việc phải đi học thêm. Về phía giáo viên, có thể có một số giáo viên cũng vô tình hay cố ý tạo áp lực lên học sinh của mình.

Theo tôi nghĩ, họ làm điều này quá lâu nên cũng không quan tâm liệu xã hội sẽ nghĩ sao về hình ảnh người thầy.

Nguồn: Tuổi Trẻ