Tản mạn về việc học online

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Khi dịch bệnh lấp ló ở các TP sau khi đã cho TP Hải Dương biết thế nào là lễ độ . Thì ngành GD đã hăng hái cho các HS SV tiếp tục ở nhà ăn Tết . Nhưng để cho khỏi quên bài học, các ngài bèn tổ chức học online.

Việc học online với sinh viên thì không có gì phải bàn vì các em đa phần có khả năng tự học và cũng khá quen, nhưng với các em HS trung học, nhất là HS Tiểu học thì thôi rồi! Ngoài trừ các yếu tố khách quan như đường truyền tốc độ kém, nhiều gia đình không có laptop – dùng máy tính bảng thì yếu, truy cập chậm… phải dùng điện thoại.

Có thế nói, hầu hết các “chủ trương” đều mang tính duy ý chí – người ta nghĩ rằng việc học online nó cũng đơn giản như là một buổi lên lớp – GV cũng mở sách giáo khoa ra giảng với cái đám HS ngồi trước mình giống như trên lớp học. Họ không hề nghĩ đến những hạn chế của việc học trực tuyến, và cũng không hề biết đến các yếu tố mang lại sự hấp dẫn và tính hiệu quả cho việc học online.

Một trong những điều mà có lẽ ít nhà giáo dục nào nghĩ đến, đó là khả năng tập trung và “tự học” của trẻ trước cái máy tính ! Cái ý chí “muốn học và tập trung lắng nghe” các bài giảng trên cái màn hình nho nhỏ trước mắt, nó gần như là không có ở hầu hết các HS tiểu học – Khi các em đến trường, đến lớp thì cái không khí của lớp học, những “học cụ, bàn ghế bảng đen …” chính là cái yếu tố hỗ trợ cho việc tập trung của các em. Các em có thể chăm chú ngồi viết bài, đọc bài … với những tác động từ thầy cô – bạn bè. Điều đó không thể có trong buổi học Online , các em ngồi học tại nhà, trong một không gian có quá nhiều thứ có thể kéo các em ra khỏi cái màn hình, hay cuốn vở trước mắt.

Sự giám sát của thầy cô rất thấp, sự động viên và giám sát của bạn bè thì bằng không ! Còn nếu có bố mẹ ngồi bên cạnh, thì chỉ tăng thêm cảm giác “bị theo dõi” chứ không phải sự động viên khích lệ – và bố mẹ cũng không thể ngồi suốt buổi học với con, và thế là chỉ cần không có “giám sát viên” bên cạnh, là có thể ngay lập tức bấm sang trò chơi – cho đến khi giám sát viên đảo lại, thì cũng chỉ một cú nhấp chuột, hay một cái bấm vào màn hình là mọi thứ lại trở lại với bài học, nhưng chỉ có một thứ không trở lại – là sự hứng thú tập trung.

Hơn thế nữa, việc soạn 1 bài giảng Online cũng không hề đơn giản, thậm chí chỉ là một bài học dùng kỹ thuật Power Point cũng đã mất vài tiếng để soạn. Thế mạnh của Online là phim ảnh, có thể trích dẫn những video clip minh họa sinh động – Nhưng, GV hơi đâu mà soạn một cái bài giống như đi Biểu diễn cho viêc thi GV giỏi vậy. Thế là các bài giảng với khuôn mặt nghiêm nghị cùng những đôi mắt mang hình viên đạn, cùng những lời nói có tác dụng gây mê xuất hiện , chỉ khiến cho các bài giảng online nhanh chóng quay về với các “đám mây”.

Với một chương trình học “thống nhất” không khó lắm khi ngành Giáo dục xây dựng một bộ phận soạn thảo các bài giảng Online với những tư liệu – GV có thể chuyển về và chia sẻ cho HS của mình, đồng thời có thể thêm mắm muối cho xôm tụ. Nhưng cũng may là Cô Vít còn thương các cô giáo, nên các trường đã rục rịch cho các em đi học lại , trút gánh nặng cho cả phụ huynh lẫn giáo viên. Và chuyện học online chỉ còn là những mẫu chuyện chém gió trên FB, để khi nào “có chuyện” lại tiếp tục “đối phó” chứ không cần rút kinh nghiệm làm chi cho nó mệt.

Lê Khanh.