Vì sao giọt xăng rơi xuống đường phố ẩm ướt lại có nhiều màu sắc?

Sau cơn mưa, đường phố rải nhựa ẩm ướt dưới ánh Mặt Trời, thường thấy hiện đây đó những vết dầu loang nhiều màu sắc. Quan sát kĩ một lúc bạn sẽ phát hiện, đó là những giọt xăng rơi xuống từ những ô tô qua lại tạo thành.

Xăng rơi lên nước làm sao lại hiện ra các loại màu sắc nhỉ?

Xăng nhẹ hơn nước, rơi vào nước thì loang ra, nổi trên mặt nước, hình thành một màng dầu mỏng. Tuy màng dầu cực mỏng, nhưng nó lại giống như một trang giấy bóng kính trong suốt, cũng có mặt trước mặt sau. Khi ánh Mặt Trời chiếu vào màng dầu từ mặt trước, gặp phải mặt sau màng dầu dính sát mặt nước, lập tức phản xạ trở lại. Tia sáng phản xạ trở lại chiếu đến mặt trước của màng dầu lại sẽ gây ra sự phản xạ nhất định. Tia sáng phản xạ đi phản xạ lại bên trong màng dầu, giống như kiểu quả bóng bàn văng qua văng lại giữa hai tấm phẳng đặt song song.

Ánh sáng Mặt Trời do ánh sáng màu của bảy loại: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím hợp thành. Khi nó phản xạ qua lại giữa mặt trước và mặt sau của màng dầu, do khoảng cách giữa hai mặt phẳng đó hết sức nhỏ, hai chùm tia sáng lần lượt từ mặt trước và mặt sau phản xạ ra, có thể chồng chất lên nhau. Vậy là ánh sáng màu bảy loại trong ánh Mặt Trời, ở nơi có độ dày khác nhau, có màu sẽ được tăng cường lên, có màu thì lại suy yếu đi, thậm chí triệt tiêu nhau. Trạng thái là trên màng dầu có một số chỗ lộ ra đỏ một chút, có chỗ xanh một chút, có chỗ lại hiện ra màu sắc khác, và vậy là màng dầu trông có nhiều màu sắc. Loại màu sắc này gọi là sắc màng mỏng. Hiện tượng như vậy gọi là giao thoa của ánh sáng.

Thực ra, không chỉ màng dầu có thể sinh ra hiện tượng giao thoa của ánh sáng. Chỉ cần có tia sáng chiếu vào bất kì màng mỏng trong suốt nào, đều có thể xảy ra hiện tượng này. Ví dụ như bong bóng xà phòng, cánh chuồn chuồn hoặc cánh ruồi, đĩa CD v.v., dưới sự chiếu rọi của ánh Mặt Trời đều lộ ra nhiều màu sắc, đều là do hiện tượng giao thoa của ánh sáng tạo nên cả.

Từ khoá: Giao thoa của ánh sáng; Sắc màng mỏng.