Vì sao có thể dùng laze để đĩa hát phát âm thanh?
Máy quay đĩa của Edison trải qua cải tiến không ngừng mới trở thành máy hát điện phổ thông. Nó do môtơ, mâm xoay, bộ phận thu âm và bộ phận phát âm hợp thành. Khi sử dụng, đặt đĩa hát lên mâm xoay, cho mô tơ chạy lôi theo mâm xoay và đĩa hát cùng quay với tốc độ đều, rồi nhè nhẹ đặt bộ phận thu âm lên đĩa hát. Trên đĩa hát có những đường rãnh ghi âm chạy từng vòng từng vòng. Trên bộ phận thu âm có một cái kim hát. Kim này chạy trong đường rãnh đĩa hát, theo sự biến đổi của đường rãnh mà sinh ra dao động. Loại dao động này thông qua bộ phận thu âm chuyển thành tín hiệu điện. Qua sự khuếch đại của bộ phận phát âm, âm thanh ghi trong đĩa hát liền từ trong loa phát ra.
Dùng laze để đĩa hát phát âm thanh, nguyên lí của nó rất giống với máy hát thông thường. Song đĩa hát và bộ phận thu âm của chúng lại rất khác nhau. Đường rãnh của đĩa hát phổ thông rất thô, lượng thông tin có thể ghi được rất ít. Còn khi chế tác đĩa hát laze, tập trung tia laze vào một điểm không đến 1 micron, đồng thời chuyển đổi tín hiệu âm thanh thành mật mã bằng số, điều khiển chùm laze khắc ra từng vòng từng vòng trên đĩa mỏng kim loại đại diện cho vết khắc 0 hoặc 1. Loại đường rãnh này chỉ rộng có 0,4 micron, sâu vào khoảng 1 micron, khoảng cách giữa các đường rãnh chỉ có 1,7 micron, đại để bằng 1/40 của sợi tóc. Đĩa hát được làm ra bằng cách này, nhìn không thấy được trên mặt có đường rãnh và vết khắc. Nhìn xuyên qua màng bảo vệ bằng chất dẻo mong mỏng phủ lên bề mặt của đĩa hát thì thấy ánh sáng nhiều màu hắt lên rực rỡ khác thường. Muốn quan sát đường rãnh và vết khắc của nó phải dùng đến kính hiển vi.
Trên mặt đĩa hát laze, trên diện tích có kích thước cỡ đầu nhọn của kim hát đã có hàng trăm hàng ngàn vết khắc, dùng kim hát cố nhiên không sao nhận ra được, tất phải sử dụng tia laze. Tụ điểm tia laze lên bề mặt của màng kim loại đĩa hát, khả năng phản xạ ánh sáng của màng kim loại chỗ có vết khắc và không có vết khắc rất khác nhau. Như vậy, khi đĩa hát bắt đầu quay, ánh sáng phản xạ xảy ra biến đổi theo từng vết khắc một, qua bóng quang điện biến thành tín hiệu điện dạng số do 0 và 1 tổ thành, rồi lại thông qua điểm sóng, khuếch đại, hoàn nguyên thành tín hiệu âm thanh ban đầu. Thế là có thể phát ra bản nhạc du dương từ trong hệ thống âm hưởng.
So với đĩa hát phổ thông, đĩa hát laze có nhiều ưu điểm độc đáo. Do đường rãnh của nó rất nhỏ, có thể chứa được một lượng thông tin lớn hơn nhiều so với đĩa hát phổ thông. Một đĩa hát đường kính 12 cm, có thể phát nhạc âm thanh nổi êm tai trong một giờ. Nó áp dụng kĩ thuật số hoá, chế tạo thành đĩa hát âm thanh nổi có độ chân thực cao dạng số, độ méo vô cùng nhỏ, hơn nữa hầu như không bị mài xước.
Từ khoá: Máy phát điện; Đĩa hát; Đĩa hát laze (CD), Laze; Số hoá.