Thế nào là tổn hại chung và bệnh hại chung?
Tổn hại chung là chỉ những trường hợp bị nước thải, khí thải, vật phế thải gây ô nhiễm nghiêm trọng hoặc vì những nguyên nhân khác làm cho môi trường tự nhiên phát sinh biến đổi, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của con người, phá hoại sản xuất công, nông nghiệp, thậm chí uy hiếp an toàn tính mạng của nhân dân, gây nên những tổn hại chung cho toàn xã hội.
Ô nhiễm môi trường là một mặt chủ yếu của tổn hại chung xã hội. Ngoài ra tiếng ồn, chấn động, bụi bặm, bức xạ, sóng điện từ, tai nạn giao thông, mùi khó chịu, đất sạt lở v.v… cũng nằm trong phạm vi tổn hại chung của xã hội.
Bệnh hại chung là do môi trường bị ô nhiễm gây nên những bệnh tật mang tính từng vùng. Bệnh hại chung mang tính nguy hại rộng rãi hơn so với bệnh nghề nghiệp. Những người nằm trong phạm vi có bệnh hại chung thì không kể già trẻ, trai gái đều bị ảnh hưởng, thậm chí thai nhi cũng không tránh khỏi.
Bệnh hại chung có 4 đặc trưng:
Nó do hoạt động của con người gây ra ô nhiễm môi trường, dẫn đến bệnh tật. Ví dụ ở Nhật vì nhà máy thải ra nước độc và chất thải độc mà gây nên ô nhiễm nguồn nước, sinh ra bệnh. Ở Nhật có những vùng vì không khí bị ô nhiễm mà gây nên bệnh hen suyễn.
Nguồn ô nhiễm gây nên bệnh hại chung thường đồng thời do nhiều nguồn. Ví dụ năm 1952, sự kiện sương mù ở Luân Đôn đã gây nên nguồn ô nhiễm sương mù độc hại chứa khí sunfurơ, bụi khói và những giọt axit sunfuric li ti.
Bệnh hại chung có đặc trưng là bệnh phát liên tục, kéo dài từ mấy chục năm trở lên, hoặc có thể còn gây hại cho thai nhi, để lại nguy hại cho đời sau. Có lúc nó cũng có thể phát thành bệnh cấp tính khiến cho nhiều người trong một thời gian ngắn đều phát bệnh. Ví dụ ở Nhật do ô nhiễm crôm dẫn đến bệnh đau mỏi. Sau khi bị ô nhiễm thì hàng chục năm sau nhiều người mới phát sinh bệnh.
Bệnh hại chung thường là một bệnh mới. Vì nó do môi trường trong khu vực bị ô nhiễm gây ra, cho nên mọi người không biết được để đề phòng, mãi tới sau khi phát bệnh mới đi tìm nguyên nhân.
Từ khoá: Tổn hại chung; Bệnh hại chung.