Vì sao phải đánh giá ảnh hưởng của môi trường?
Trong công tác bảo vệ môi trường, xử lí ô nhiễm chỉ là hành vi “cứu vớt”, sự bảo vệ đích thực phải là công tác dự phòng. Đánh giá ảnh hưởng môi trường là một trong những biện pháp dự phòng có hiệu quả.
Đánh giá ảnh hưởng môi trường còn gọi là phân tích ảnh hưởng của môi trường, là sự dự đoán và tính toán sau khi các công trình xây dựng xong, các kế hoạch khai thác khu vực và thực thi các chính sách quốc gia có thể gây nên ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường. Đối tượng đánh giá bao gồm các nhà máy cỡ lớn và cỡ vừa, các công trình thuỷ lợi lớn và vừa, các công trình hầm mỏ, cầu cảng và công trình giao thông, những diện tích khai hoang lớn, những công trình quai hồ, quai đê lấn biển, v.v… Sự sinh tồn và phát triển của những loài vật quý hiếm ảnh hưởng đến các khu bảo tồn thiên nhiên và những nghiên cứu khoa học quan trọng như địa chất địa mạo, những kế hoạch khai thác khu vực và những chính sách lâu dài của quốc gia. Công việc này có tác dụng ở chỗ: trước khi xây dựng, hoặc đưa vào khai thác, sử dụng các công trình sẽ dự đoán được chính xác những ảnh hưởng do chúng gây nên đối với môi trường xung quanh. Như vậy sẽ có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn ảnh hưởng của nó, không để rơi vào tình trạng “ô nhiễm trước, xử lý sau”. Đối với những công trình sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường nhưng chưa có biện pháp để khắc phục thì có thể thông qua biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn thi công.
Năm 1969, Mỹ là nước đầu tiên đưa ra khái niệm “Đánh giá ảnh hưởng môi trường” và đưa nó vào “Luật chính sách môi trường quốc gia”. Sau đó các nước phương Tây lần lượt mở rộng luật này. Trung Quốc năm 1979 trong “Luật bảo vệ môi trường nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa” lần đầu tiên cũng đã sử dụng quy định này. Năm 1981, các cơ quan hữu quan của chính phủ đã ban bố “Biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường đối với các công trình xây dựng cơ bản”, đồng thời trong việc sửa đổi và bổ sung các văn kiện năm 1986, còn đưa ra những quy định cụ thể đối với chế độ đánh giá ảnh hưởng môi trường của Trung Quốc như sau: với những công trình xây dựng có ảnh hưởng đến môi trường đều phải tiến hành đánh giá ảnh hưởng môi trường, phải có luận chứng về ảnh hưởng môi trường hoặc chế độ thẩm định báo cáo. Những hạng mục chưa thông qua thẩm định phê chuẩn thì nhất định không được thi công.
Quyền thẩm định phê chuẩn các hạng mục kiến thiết giao cho Cơ quan bảo vệ môi trường. Nhưng mấy năm gần đây, ở Nhật Bản và một số nước phương Tây, các công trình xây dựng có được triển khai hay không còn cần phải được công chúng “phê chuẩn”. Quá trình “phê chuẩn” của công chúng như sau: trước khi thi công, dân cư quanh vùng chọn ra một số đại biểu, tổ chức thành Tổ đánh giá. Họ có trách nhiệm điều tra ý kiến nhân dân và tham gia biểu quyết phê chuẩn với tư cách một thành viên của Hội đồng. Nếu có đại biểu phản đối thì hạng mục đó không được triển khai. Phương thức công chúng đánh giá này khiến cho sự đánh giá ảnh hưởng môi trường ngày càng hoàn thiện.
Từ khoá: Đánh giá ảnh hưởng môi trường