Ai đã sáng chế ra ước hiệu tự?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Lịch sử loài người ghi đầy tội ác do loài người đã gây ra cho những người không may bị tật nguyền mà ta không hiểu được. Chẳng hạn, từ hàng ngàn năm, người ta đã đối xử với người câm điếc như là những phần tử nguy hiểm cho xã hội. Ở nhiều nơi, họ bị coi như những tên khờ, khật khùng và đem nhốt vào dưỡng trí viện. Và thường thì họ bị giết cho rảnh nợ! đến thế kỷ thứ XVI, có một người đã muốn làm một cái gì đó giúp đỡ cho những người câm điếc. Ông là bác sĩ, người Ý, tên là Jerome Cardan. Ông tin rằng người câm điếc có thể học được một loại chữ nào đó. Việc làm của ông đã thu hút được sự chú ý. Sang thế kỷ thứ XVII, một loại ước hiệu tự bằng cách dùng ngón tay ra dấu đã được đặt ra gần giống như ước hiệu tự ngón tay đã được dạy cho người câm điếc ngày nay. Vậy mà cũng phải cả trăm năm sau nữa, tại Leipzig, người ta mới thiết lập được một trường dạy cho người câm điếc. Ngày nay, ở các nước văn minh đều có định chế giáo dục cho người điếc, người nặng tai.
Hầu hết những người có cơ quan thính giác bị trục trặc hay hư hỏng đều bị gọi một cách miệt thị là điếc. Thật ra từ này nếu bỏ cái hàm ý miệt thị đi thì chỉ áp dụng được cho những người sinh ra đã bị hư cơ quan thính giác, trước khi học nói. Nguyên nhân cơ quan thính giác bị hư hoại thì nhiều. Có thể do một tật bệnh nào đó, có thể do bệnh não, có thể do tai trong bị trục trặc…
Tại sao người điếc bẩm sinh lại không nói được? Hầu hết chỉ vì người điếc hầu như chưa bao giờ nghe được tiếng nói. Nếu vậy thì tình hình này có thể chữa chạy được. Thật ra, hầu hết những đứa trẻ bị câm do bị điếc hoặc vì điếc nên câm đều có một trí năng bình thường, cơ quan phát âm bình thường, do đó nó có thể nói được nếu biết cách dạy nó nói. Mãi cho đến gần đây – khoảng 25 năm trước đây (cuốn sách này xuất bản lần đầu vào năm 1985 – ND) người điếc vẫn chỉ được dạy cho cách giao tiếp bằng cách ra dấu, bằng nét mặt và ước hiệu tự ngón tay. Có một vài người điếc đã nói được nhưng chậm, với tốc độ 130 âm/ phút, nhưng chủ yếu vẫn còn tùy thuộc vào cách ra dấu. Thí dụ: ngón tay cái vạch ngang môi có nghĩa là “bạn nói xạo”. Ba ngón tay chạm vào má có nghĩa là “chú tôi!”.
Ngày nay, người câm điếc đã được dạy cho cách hiểu người khác nói gì với mình và ngay cả cách phát âm thành tiếng nữa. Họ học nói bằng cách nhìn môi người nói, bằng cách quan sát môi, cơ quan phát âm của người nói rồi bắt chước theo.