Ai là người đưa ra thuyết trung tâm mặt trời?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 8 – Arkady Leokum

Nếu bây giờ đặt ra câu hỏi: quả đất quay chung quanh mặt trời hay là mặt trời quay chung quanh quả đất? Chắc rằng bạn sẽ đáp ngay: “Đương nhiên là quả đất quay chung quanh mặt trời”. Thậm chí bạn còn có thể đưa ra nhiều chứng minh nữa kia. Vâng, sự phát triển của khoa học đương đại đã khẳng định rõ ràng vấn đề rất cơ bản này.

Thế nhưng quá trình lịch sử nhận thức vấn đề này của nhân loại đâu có dễ dàng như vậy.

Trước khi Copernic đưa ra thuyết trung tâm mặt trời thì thuyết trung tâm địa cầu được mọi người thừa nhận.

Học thuyết trung tâm địa cầu cho rằng mặt trời, mặt trăng, hành tinh và định tinh đều quay chung quanh quả đất, còn quả đất thì… đứng yên.

Thuyết trung tâm địa cầu phù hợp với quan điểm của tôn giáo châu Âu lúc bấy giờ về thượng đế sáng tạo ra thế giới, thuyết này cũng trở thành một thí dụ phục vụ cho thần học. Học thuyết này buộc người ta nhận thức chính xác vũ trụ kéo dài hơn 1000 năm. Mãi đến thế kỷ 16, Copernic đưa ra thuyết trung tâm mặt trời một cách có hệ thống và khoa học, thuyết trung tâm địa cầu mới dần dần bị người ta bỏ rơi.

Nicolas Copernic (1473-1543) là nhà thiên văn học người Ba Lan nổi tiếng thế giới, người sáng lập ra thuyết trung tâm mặt trời, người đặt nền móng cho thiên văn học cận đại.

Khi Copernic lên 10 tuổi thì cha ông mất. Ông được người chú ruột nuôi nấng, từ nhỏ đã được dạy dỗ chu đáo. Ông từng theo học toán học, y học, tập vẽ và sau cùng thì say mê thiên văn học. Học môn nào ông cũng đi sâu tìm tòi rồi mới học đến môn khác. Thí dụ, sở dĩ sau này ông có thành tựu lỗi lạc về thiên văn học ấy là nhờ ông dày công khổ luyện về môn toán.

Ông rất nhạy tư duy. Khi ông đọc tác phẩm về thuyết trung tâm địa cầu, liền chú ý đến rất nhiều vấn đề không thể giải thích trong thuyết trung tâm địa cầu. sau khi suy nghĩ suy xét về nhiều khía cạnh, ông ý thức được rằng nếu như coi địa cầu là một hành tinh quay chung quanh mặt trời thì mọi vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều và hoàn toàn có thể giải thích được. Từ đó ông sinh ra hoài nghi với thuyết trung tâm địa cầu. Vào giữa những năm 1510-1515, Copernic không chỉ đưa ra suy nghĩ rằng địa cầu phải hoán vị cho mặt trời mà còn dùng toán học đưa ra luận chứng về nhiều khía cạnh.

Thuyết trung tâm mặt trời cho rằng:

Mặt trời là trung tâm của vũ trụ, địa cầu chỉ là một hành tinh quay chung quanh mặt trời.

Theo hệ thống này, cách mặt trời từ gần tới xa là: sao Thủy, sao Kim, trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ và định tinh (những vì sao đứng yên tương đối).

Mặt trăng là vệ tinh quay chung quanh trái đất.

Trái đất ngoài việc quay chung quanh mặt trời ra, mỗi ngày còn tự quay quanh mình nó một vòng.

Tất cả các hành tinh đều quay chung quanh mặt trời theo quỹ đạo hình tròn.

Công lao vĩ đại của Copernic là chỉ rõ bộ mặt cơ bản của hệ mặt trời, đặt nền móng cho thiên văn học hiện đại. Thế nhưng do giới hạn của thời đại và trình độ khoa học, nhận thức của Copernic cũng chưa được đầy đủ. Trước hết mặt trời là trung tâm của Thái Dương hệ chứ không phải là trung tâm của vũ trụ. Định tinh không quay chung quanh mặt trời; hành tinh cũng không phải quay chung quanh mặt trời theo quỹ đạo hình tròn mà là quỹ đạo hình bầu dục.

Năm 1543, tác phẩm “Thuyết vận hành thiên thể” được xuất bản, sách đã lý giải toàn diện quan điểm thuyết trung tâm mặt trời. Trong lời nói đầu, ông viết: “sau khi tìm tòi nghiên cứu vất vả như vậy, cuối cùng tôi công bố tác phẩm của tôi, trong sách tôi đã ghi tất cả quan điểm của mình về sự vận động của trái đất… Tôi không hề hoài nghi những nhà toán học có thực tài thực học, chỉ cần họ dựa vào yêu cầu khoa học, đi sâu tìm hiểu một cách không hời hợt và giám định các căn cứ lập luận của tôi, thì sẽ đồng ý cách nhìn của tôi. Các bậc học giả và những người bình thường sẽ thấy rằng tôi không bỏ qua bất cứ một lời phê bình nào”.

Thuyết trung tâm mặt trời của Copernic đã tuyên chiến với thời đại cũ, mang đến một cuộc cách mạng về khoa học. Từ đó khoa học tự nhiên thật sự có những bước tiến nhảy vọt.

Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý. Năm 1839, tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, người ta đã dựng tượng Copernic để kỷ niệm cống hiến bất hủ của ông đối với nhân loại về thiên văn học.