Bằng cách nào kính thiên văn “nhìn thấy” thiên thể ở xa?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum

Kính thiên văn là dụng cụ để các nhà thiên văn ở mặt đất có thể nhìn thấy và nghiên cứu những thiên thể và các ngôi sao ở cách rất xa trái đất. Kính thiên văn thu ánh sáng phát ra từ đối tượng được quan sát – một ngôi sao chẳng hạn. Ánh sáng ấy rất yếu đến nỗi mắt thường không thể thấy được, sau đó, tập trung lại một điểm nhỏ. Từ điểm nhỏ này sẽ được khuếch đại ra và giúp cho nhà thiên văn nhìn thấy gần hơn.

Có hai loại kính thiên văn chính: loại “khúc xạ” và loại “phản chiếu”. Loại khúc xạ sử dụng thấu kính và loại phản chiếu thì dùng gương để thu ánh sáng. Với loại “khúc xạ”, người quan sát nhìn thẳng vào kính. Ở loại “phản chiếu” thì nhà quan sát nhìn những gì phản ánh trên gương. Ở cả hai loại kính nếu nhìn trực tiếp bằng mắt thường thì chỉ thấy hình ảnh bị đảo ngược. Do đó phải có một thấu kính khác nữa gắn vào chỗ mắt nhìn để đảo ngược trở lại. Tuy nhiên, nếu quan sát một ngôi sao thì không cần.

Kính thiên văn khúc xạ là một khối hình ống. Ở một đầu ống có gắn “vật kính” gồm hai hoặc nhiều hơn những thấu kính. Ánh sáng phát ra từ đối vật được thu lại qua các thấu kính đó. Ánh sáng này bị các thấu kính “khúc xạ” (bẻ gãy) để hướng ánh sáng đến một tiêu điểm (focus) đặt ở phần đáy ống, nơi mắt nhà quan sát nhìn vào. Một thấu kính khác sẽ phóng đại hình ảnh của đối vật để mắt nhìn được rõ. Loại kính “phản chiếu” chỉ cần một thấu kính đặt ở chỗ mắt nhìn mà thôi. đầu dưới của ống là một tấm gương như tấm gương soi của ta thường dùng nhưng hơi lõm, tròn và giống như một cái dĩa bàn lớn. Ánh sáng từ ngôi sao chiếu ra được tấm gương của ống kính thu lại và phản ánh vào một tiêu điểm. Một tấm gương nhỏ hơn đặt tại tiêu điểm này lại phản chiếu ánh sáng (hình ảnh do tấm gương rọi tới) xuống chỗ mắt nhìn hay một máy chụp hình đặt ở phía bên cạnh ống kính.