Bằng cách nào ta giữ được thăng bằng cơ thể trên hai chân?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 4 – Arkady Leokum
Ta đã biết thân thể ta không đối xứng (theo chiều dọc). Thế tất ta phải nghiêng (mất thăng bằng) về phía yếu hơn, ngắn hơn (cẳng). Thế mà ta vẫn đứng thẳng được và giữ được thăng bằng khi di chuyển. Giữ được thăng bằng khi đứng thẳng và khi đi là một trong những xảo thuật kỳ diệu mà ta phải học tập mới làm được. Và, may thay, ta lại có thể học tập được.
Nếu có một vị khách thuộc một hành tinh khác, và vị khác này thuộc loại di chuyển bằng tứ chi đến thăm chúng ta, chắc hẳn vị khách ấy sẽ phải kinh ngạc khi thấy chúng ta có thể đi đứng bằng hai chân mà không bị nghiêng ngả. Nếu vị khách ấy thử cố bắt chước, tập đi đứng như chúng ta thì phải mất một thời gian đáng kể, ít ra cũng bằng khoảng thời gian chính chúng ta phải bỏ ra để tập đi, đứng thẳng, vị khách ấy mới có thể đi đứng được như chúng ta. Vậy, ta tập giữ thăng bằng cơ thể hồi nào vậy? Câu trả lời là hồi ta còn nhỏ xíu. Lúc đầu ta cũng bò – di chuyển bằng tứ chi – rồi mới tập đứng, tập đi.
Khi đứng, ta thường xuyên phải giữ thăng bằng cơ thể mà đâu có để ý. Khi đi, một chân đứng yên một chân di chuyển, ta đã đè trên các khớp xương, và các bắp thịt của ta “ra lệnh” cho cơ thể của ta phải thế này, phải thế kia… Vậy ta đâu có biết. Khi đứng im, ta đừng tưởng là tất cả các bắp thịt của ta được thư giãn, nghỉ ngơi cả đâu. Trái lại, trong lúc ta tưởng như ta đứng im thì có tới 300 bắp thịt của ta phải làm việc cật lực. Bởi vậy ta mới hiểu chỉ đứng im thôi ta cũng đã thấy mệt rồi. Có thể nói các bắp thịt của ta làm việc liên tục. Thực ra, đứng cũng là làm việc.
Khi đi, chẳng những ta phải thực hiện xảo thuật giữ thăng bằng mà ta còn sử dụng hai lực tự nhiên khác để giúp chúng ta nữa. Lực thứ nhất là áp lực của không khí. Xương bắp đùi của chúng ta vừa khớp vừa khít với xương hông đến nỗi nó tạo ra một kẽ chân không (vacuum). Áp lực không khí trên đôi cẳng sẽ giúp để giữ cho các khớp đó được an toàn. Chính áp lực khí này cũng làm cho cẳng chân trên lủng lẳng vào thân mà không tạo ra một trọng lượng đáng kể nào ảnh hưởng đến thân. Loại lực tự nhiên thứ hai ta vận dụng khi đi bộ là trọng lực hay là sức kéo xuống của trái đất. Khi bắp thịt nâng một chân lên (khi bước đi) thì đồng thời lại có một lực khác kéo chân ấy xuống và làm cho chân đó lủng lẳng như quả lắc đồng hồ, nhờ đó sự vận hành của chân được nhẹ và dễ dàng hơn.
Bạn hãy nhìn một người làm xiếc đi dây và giữ thăng bằng xem. Thật ra mỗi ngày ta đều đi dây cả, có điều là dây thì đòi hỏi phải có xảo thuật cao hơn đi bộ chứ về căn bản cũng chỉ là giữ thăng bằng thân thể như đi bộ mà thôi. Nếu muốn, bạn cứ tập luyện, bạn cũng sẽ đi dây được. Tất nhiên, tập đi dây đòi hỏi sự tập luyện công phu, lâu dài hơn.