Bảo vệ sinh thái nghĩa là gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum
Hiện nay trên khắp thế giới, nhiều chính quyền và nhân dân phát động những chiến dịch hô hào, kêu gọi bảo vệ sinh thái. Cụm từ “bảo vệ sinh thái” mang nhiều ý nghĩa đối với nhiều người. đối với những người này bảo vệ sinh thái có ý nghĩa là bảo vệ đời sống hoang dã. Nhưng cụm từ “đời sống hoang dã” cũng có nghĩa rất rộng rãi. Có người hiểu bảo vệ đời sống hoang dã bao gồm từ thảm thực vật, động vật cho đến nguồn nước và cả địa chất, địa hình… Có người hiểu bảo vệ đời sống hoang dã chỉ bao gồm một vài “thành phần” nào đó trong các yếu tố nêu trên mà thôi. Tuy nhiên, cần lưu ý là khái niệm “bảo vệ” cũng bao hàm ý nghĩa phải sử dụng, khai thác các thành phần “hoang dã” một cách khôn ngoan, hợp lý, có nghĩa là sử dụng, khai thác mà không triệt hạ, phá hủy tài nguyên thiên nhiên.
Vấn đề bảo vệ, bảo tồn được đặt ra vì con người đã và đang lạm dụng một cách tác hại đến mức lâm nguy các tài nguyên thiên nhiên. Nếu cứ khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên theo kiểu lạm dụng, vừa sử dụng với hiệu suất không cao, vừa phá hủy như đã qua và hiện nay thì chẳng bao lâu nữa tài nguyên thiên nhiên sẽ cạn kiệt. Dân số thế giới ngày càng tăng, mức sống ngày càng cao, nhu cầu ngày càng nhiều và càng mở rộng, do đó tài nguyên thiên nhiên ngày càng “bị” khai thác. Nhưng tài nguyên thiên nhiên không phải là “vô tận”, cho nên nếu không biết khai thác, sử dụng hợp lý, nhất là không biết cách bảo vệ, bảo tồn để thiên nhiên có thể duy trì sự cân bằng hoặc tái tạo phần nào thì trong tương lai, ta sẽ chẳng còn gì để khai thác, để mà sử dụng.
Nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên là gì? Ta có thể chia làm hai loại nguồn tài nguyên thiên nhiên cơ bản. Loại một là tài nguyên có thể tái tạo. Chẳng hạn: nguồn nước, đất đai, rừng, đồng cỏ. Loại tài nguyên này có thể trong quá trình vừa khai thác vừa cải tạo bằng các biện pháp xử lý thích đáng. để bảo vệ nguồn tài nguyên này, các biện pháp chủ yếu để bảo vệ là giữ cho nó khỏi bị xói mòn bằng các biện pháp thủy lợi và bồi dưỡng (fertilization). Loại tài nguyên thứ hai có tính cách tiêu hao, không thể tái tạo. Chủ yếu là các quặng, mỏ. Loại tài nguyên này chủ yếu là được lấy ra từ lòng đất, bao gồm các quặng kim loại, dầu khí, than, hơi đốt. Ngoài hai loại tài nguyên ấy ra còn một loại tài nguyên khác có thể nói là vô tận chẳng hạn như năng lượng mặt trời, khí hậu (gió), đại dương, không khí. Tuy nhiên, con người có thể làm thay đổi khí hậu, làm cho khí hậu trở nên khắc nghiệt đối với con người. Con người có thể hủy diệt môi trường sống của các sinh vật trên đất, dưới biển. Và con người có thể làm ô nhiễm không khí.