Bầu trời rộng lớn như thế, tại sao máy bay lại có thể va chạm nhau?
Người xưa có câu “Thiên cao nhiệm điểu phi” dùng để hình dung trên bầu trời bao la vô cùng tận, loài chim có thể tự do tha hồ bay lượn. Nhưng ngày nay khi việc vận chuyển hàng không đã phát triển đến cao độ, nếu thiếu thận trọng có thể phát sinh sự cố hai máy bay va chạm nhau. Theo thống kê, trong thời gian từ năm 1981 đến 1987 nước Mỹ xảy ra 35 vụ máy bay va chạm trên trời. Ở Trung Quốc, từ những năm 60 đến 80 của thế kỷ XX, cũng xảy ra ba lần hai máy bay đang bay va vào nhau. Loại sự cố này tuy tỷ lệ không lớn trong các sự cố về máy bay, nhưng một khi xảy ra thì tổn thất hết sức nghiêm trọng. Ví dụ, những năm 70 của thế kỷ XX ở Tây Ban Nha xảy ra sự cố hai chiếc Boeing 747 va vào nhau, làm chết tại chỗ 555 người, sau đó chết thêm 35 người nữa.
Vậy thì tại sao máy bay bay trong bầu trời rộng lớn, lại có thể va vào nhau được?
Chúng ta biết rằng, ô tô chạy trên mặt đất thì có đường cái, tàu thuỷ chạy trên biển thì có đường hàng hải, còn máy bay trên trời cũng có đường hàng không. Đường hàng không có chiều cao, chiều rộng và phương hướng nhất định, mỗi máy bay đều phải căn cứ vào phương hướng, chiều cao và tuyến đường để bay. Tuy nhiên, người lái khi lái máy bay ở trên không, không kịp dùng mắt để quan sát như khi lái xe trên mặt đất. Bởi vì, một khi máy bay đột nhiên bay vào phạm vi thị lực của người lái, thì khoảng cách giữa hai máy bay thường nhỏ hơn 900 m. Hiện có tài liệu nói rằng: từ khi máy bay bay vào phạm vi thị lực của người lái, thần kinh thị giác hình thành hình ảnh đi vào đại não, qua phân tích phán đoán xác định khoảng cách của hai bên, chọn phương án tốt nhất, cho đến khi điều khiển máy bay để tránh, đại thể cần 2-5 giây mới có thể hoàn thành được điều đó. Nếu tổng tốc độ của hai máy bay đạt đến trên 500 m/s (1800 km/h) thì hai giây là đã vượt quá hoặc tiếp cận khoảng cách thị lực có hiệu quả của người lái, trong thời gian ngắn ngủi như vậy, người lái của hai bên cần kịp thời lái máy bay nhường tránh, điều đó hầu như không thể thực hiện được.
Hai máy bay va vào nhau ở trên không, phần lớn xảy ra ở chỗ giao nhau ở độ cao, hoặc chỗ giao nhau của tuyến đường. Giao nhau ở độ cao là chỉ trong cùng một thời gian, cùng một địa điểm, xuyên qua tầng độ cao của đối phương; giao nhau của tuyến đường chỉ trong cùng một thời gian, cùng một địa điểm, cùng một độ cao, xuyên qua hướng bay của đối phương. Sân bay là trung tâm tập trung và phân tán của máy bay, các máy bay cất cánh và hạ cánh thường xuyên xuyên qua hướng bay và độ cao của đối phương. Để đề phòng xảy ra sự cố, các nước trên thế giới ngoài việc thay đổi thể chế quản lý giao thông ở trên không, cải tiến thứ tự bay vào và rời khỏi sân bay, còn phải lắp đặt hệ thống tự động cảnh báo đường bay của máy bay và hệ thống đề phòng va chạm (viết tắt là TCAS). Hệ thống này có hai ăngten, một cái lắp ở bên trên thân máy bay, một cái lắp ở dưới bụng máy bay, dùng để phản xạ và thu nhận tín hiệu của máy bay đối phương. Khi hai máy bay gần nhau trên cùng một tuyến đường, thì các ăngten TCAS của mỗi chiếc sẽ thu được tín hiệu từ đối phương phát ra, đồng thời trên màn hình máy tính sẽ hiện ra tiêu chí cảnh báo khoảng cách khác nhau, tiếp đó, hệ thống máy tính trên hai máy bay sau khi tính toán xong sẽ đưa ra chỉ thị tránh va chạm trên màn hình hiển thị. Hiển nhiên, TCAS sẽ khiến cho người lái có thể dễ dàng xử trí sự kiện đột ngột, do đó bảo đảm an toàn bay.
Từ khóa: Va chạm máy bay; Hệ thống va chạm.