Bệnh viện có từ lúc nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum

Việc săn sóc chữa trị cho người yếu đau, bệnh hoạn đã có từ rất lâu trong xã hội. Nhưng cái ý tưởng thành lập một nơi chuyên làm việc này thì lại là một ý tưởng khá mới mẻ trong lịch sử loài người.

Ở Hy Lạp chẳng hạn, thời xưa, không có nơi chuyên chữa bệnh. Các y sĩ của họ “hành nghề” ở bất cứ chỗ nào cần. Nhưng mỗi lần cũng chỉ có thể chữa trị cho một hoặc rất ít bệnh nhân. Người La Mã cổ, vào thời kỳ có chiến tranh, cũng đã thiết lập những “trạm y tế” để chữa trị người bệnh, nhất là các thương binh. Sau này, tại các thành phố lớn, người ta cũng thiết lập những “bệnh xá” và được điều hành bằng công quĩ. Bằng cách này, người La Mã đã đặt nền móng cho khái niệm tổ chức xây dựng “bệnh viện”. Khi đạo Thiên Chúa phát triển thì việc chăm sóc chữa trị cho người bệnh đã trở thành một trong các nhiệm vụ của giáo hội. Thời Trung cổ, các tu viện đã cung cấp hầu hết các “dịch vụ y tế” và các nam nữ tu sĩ cũng là các y tá.

Tập tục hành hương các “thánh địa” cũng góp phần thúc đẩy việc hình thành các bệnh viện. Những cuộc hành hương này thường là những cuộc hành trình xa xôi, dài ngày. Các khách hành hương phải qua đêm tại những quán trọ nhỏ dọc đường. Những quán trọ này được gọi là “hospitalia” do tiếng La tinh “hospes” nghĩa là “người khách”, “hospitalia” là nơi đón khách. Các quán này cũng liên kết với các tu viện trong việc chăm sóc chữa trị cho khách hành hương đau yếu, bệnh hoạn, mệt mỏi hoặc thương tật. Vì vậy, danh xưng “hospitalia” (tiếng Anh là hospital) trở nên dính liền với việc chăm sóc người bệnh, đau yếu.

Do điều kiện sống thời Trung cổ còn chưa tiện nghi và vệ sinh lắm, nên các “hospitalia” vẫn chưa ngăn nắp, sạch sẽ. Nhiều khi, tại các “hospitalia” này, có đến hai hoặc ba bệnh nhân nằm chung một giường. Sang thế kỷ XVII, mức sống và cách sống đã có phần cải tiến, người ta bắt đầu cảm thấy nhà nước phải đảm nhận việc chăm sóc những công dân đau yếu. Nhưng cũng phải đến thế kỷ XVIII thì ở nước Anh các bệnh viện công mới trở thành phổ biến và cũng chỉ ở các thành phố lớn mà thôi. Chẳng bao lâu sau, ý tưởng về một bệnh viện công đã lan rộng và phổ biến khắp châu Âu. Tại Bắc Mỹ, bệnh viện đầu tiên do Cortes – nhà thám hiểm người Tây Ban Nha – thiết lập tại Mexico City vào năm 1524. Tại các thuộc địa Anh, bệnh viện đầu tiên được thiết lập là tại đảo Manhattan (Hoa Kỳ) vào năm 1663 và do… Công ty đông Ấn (East India Company).