Bức thư thứ 33: ĐỪNG LÀM CON LẠC ĐÀ
Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc
Con trai của bố:
Thời gian gần đây xem chừng con cao lên khá nhiều, chắc con cũng vui lắm. Nhưng bố phát hiện thấy nhiều lúc con vô tình còng lưng xuống. Điều đó thật sự không tốt một chút nào, nếu như để lâu dần sẽ trở thành thói quen, và nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cột sống, biến con thành người gù đấy con trai à.
Trong thời kỳ phát dục của con trai, cơ thể bước vào cao trào của giai đoạn phát triển, tất cả các bộ phận trên và trong cơ thể đều dần trưởng thành và hoàn thiện nhưng vẫn còn chưa định hình hẳn. So với người trưởng thành thì hàm lượng chất hữu cơ trong khung xương của các cậu con trai đang trong tuổi dậy thì nhiều hơn hẳn, còn hàm lượng chất vô cơ có vẻ ít hơn, chính vì thế mà độ đàn hồi của khung xương sẽ cao hơn mà độ cứng thì lại thấp hơn. Điều đó cũng khiến cho khung xương khó bị gãy nứt nhưng lại dễ dàng bị biến hình. Trong khi đó, quá trình hóa xương của cột sống lại hoàn thành muộn hơn so với các bộ phận khác trong cơ thể, mãi đến 20 tuổi mới hoàn tất. Chính vì thế, nếu như trong cuộc sống, trong những vận động, trong giờ học, hay khi đọc sách không chú ý đến việc đảm bảo tư thế chuẩn, chẳng hạn như còng lưng xuống, nằm bò người ra bàn, nằm nghiêng người đọc sách… nếu những tư thế đó được lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài, sẽ dễ dẫn đến cong vẹo cột sống.
Trên thực tế, cột sống của một người bình thường không hoàn toàn thẳng đứng mà có dạng cong sinh lý. Thông thường, khoảng cách giữa các gai đốt cột sống không thể cách cột sống quá 0.5mm. Nếu có tư thế không đúng, khiến cột sống bị cong vẹo, biến dạng vượt quá mức bình thường thì sẽ được gọi là cột sống bị cong vẹo bất thường, lưng gù (do cột sống bị gồ lên phía sau lưng) chính là một điển hình rõ rệt nhất của hiện tượng cột sống bị biến dạng dị thường. Thường thì tỉ lệ con trai mắc bệnh gù lưng cao hơn nhiều so với con gái.
Bệnh gù lưng ngoài làm mất thẩm mỹ còn khiến cho cơ thể không thể gánh vác được một sức nặng lớn đến nhiều khi sẽ dẫn đến bệnh đau lưng. Ngoài ra, nếu như lưng bị gù quá nhiều sẽ khiến cho phổi không thể phát triển được bình thường, ảnh hưởng lớn đến công năng của nó. Vâỵ nên, các con cần phải hết sức chú ý đến tư thế của mình ở mọi lúc mọi nơi, mọi hoạt động trong đời sống thường ngày, cố gắng hết sức để tránh trở thành “tể tướng Lưu gù” như trong phim nhé.
Để phòng tránh không bị gù lưng, việc đầu tiên phải chú ý đến các tư thế đứng, ngồi, nằm, đi sao cho đúng, cho đẹp. Khi ở trên lớp, lúc ngồi đọc sách hay viết bài, phải ngồi cho thẳng, hai vai bằng nhau, và phải giữ một khoảng cách nhất định đối với bàn học, đảm bảo phần eo lúc nào cũng phải thẳng, tuyệt đối không được nằm bò ra bàn. Khi đứng cũng phải hết sức chú ý, ngực phải thẳng, bụng hơi hóp vào, hai chân thẳng, dồn hết trọng tâm của cơ thể lên hai chân. Khi bước đi cũng vậy, cần hết sức chú ý đến nhịp điệu của bước đi, bước nhanh hoặc chậm đều phải bước thẳng về phía trước, hai cánh tay để tự do dao động… Trong lúc tập thể dục, rèn luyện thể thao, với những môn thể thao có thể kích thích hoạt động của cả cơ thể, thì có thể lựa chọn thêm môn xà đơn, xà kép… để luyện tập thêm, những điều đó đều rất có lợi cho sự phát dục bình thường và dự phòng một cách có hiệu quả tình trạng gù lưng ở tuổi dậy thì.
Bệnh gù lưng ở tuổi dậy thì thường mang cơ thể khắc phục được. Chính vì thế cần phải tự giác dùng ý chí để giám sát, cưỡng chế bản thân, thông qua những tư thế đúng khi đứng, ngồi, đi có thể sẽ khôi phục lại dáng vẻ như bình thường.
Ngoài ra, trước khi đi ngủ có thể tiến hành luyện tập thêm với cái gối cao: chèn thêm một cái gối thật cao ở phần dưới lưng của mình, đồng thời thả lỏng toàn thân, ngửa đầu ra sau, giữ nguyên tư thế như vậy, giống như là “bẻ” lại cột sống cho thẳng vậy. Còn khi đi ngủ thì hãy sử dụng những chiếc gối bằng, nằm nghiêng… những động tác đó cũng có thể giúp ích phần nào cho việc chữa trị bệnh gù lưng và lấy lại vóc dáng cũ. Nếu như lưng bị gù đến mức cột sống biến dạng một cách trầm trọng, mặc dù có thể nắn chỉnh nhưng sẽ phải tốn rất nhiều sức lực, thời gian.
Con không muốn trở thành một người “lưng gù” chứ? Nếu vậy thì kể từ giờ trở đi, con nhất định phải luôn nhớ điều chỉnh tư thế của mình sao cho “ngồi cũng có tướng – đứng cũng có tướng” nhé. Để phòng tránh bệnh gù lưng, hàng ngày mỗi khi con đi học về con hãy đứng dựa lưng thẳng vào tường 10 – 15 phút con nhé!
Cố gắng lên con!
Bố của con.
Bức thứ thứ 34: CHÂN CON CÓ MÙI HÔI – PHẢI LÀM SAO
Con trai của bố:
Hôm nay mẹ con đã phải lên tiếng, nói rằng mỗi lần phải lau giày cho con thật đáng sợ, quả thực có thể khiến người ta ngất luôn được ấy!
Kể cũng đúng, các con phải thể dục giữa giờ học, sau buổi học lại phải đánh bóng, đá cầu, vận động… vì thế việc mang giày thể thao đúng là vô cùng tiện lợi. Nhưng, cái mùi… của giày thì đúng là không thể nào ngửi nổi. Điều này bản thân con cũng cảm thấy rất ngại, đúng không?
Mùi hôi chân là do bàn chân tiết quá nhiều mồ hôi mà nên. Con biết không, lòng bàn tay và lòng bàn chân của con người có rất nhiều tuyến mồ hôi, trung bình mỗi mm có khoảng 620 tuyến, còn trên các bộ phận khác trong cơ thể thì ít hơn một chút, chỉ có khoảng tầm từ 143 – 339 tuyến mà thôi. Điều đó cũng có nghĩa rằng lượng mồ hôi ở lòng bàn chân hay lòng bàn tay sẽ nhiều hơn những chỗ khác từ 2 – 4 lần. Con người khi vận động đặc biệt là vận động mạnh, hoặc khi thời tiết quá oi bức, tinh thần quá căng thẳng, hồi hộp thì lượng mồ hôi tiết ra càng nhiều hơn. Tuổi dậy thì là giai đoạn đỉnh cao của sự phát dục, quá trình trao đổi chất rất mạnh mẽ, các con lại thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nên đương nhiên sẽ ra nhiều mồ hôi. Trong mồ hôi bao gồm rất nhiều thành phần trong đó có nước, muối, lactate và ure…. Nếu không thường xuyên rửa chân, chân lúc nào cũng đẫm mồ hôi sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi cho vi trùng, vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Và đám vi trùng vi khuẩn ấy sẽ phân giải lactate và ure của mồ hôi, khiến cho chân bốc lên mùi khó chịu.
Thêm nữa con trai rất thích vận động, chạy nhảy, đá cầu, đánh bóng, thậm chí khi đi trên đường cũng nhảy nhót, mà độ thoát khí của giày thể thao lại tương đối kém, bàn chân thường xuyên ra mồ hôi lại bị bó kín trong chiếc giày đó không thoát hơi được, lượng mồ hôi tiết ra không được bốc hơi đi. Thêm vào đó, lại có một số bạn nam không chú ý đến việc vệ sinh nữa chứ, có lúc mấy ngày liền mới rửa chân, càng khiến đôi chân bốc mùi nồng nặc.
Chứng hôi chân này không phải là một dạng bệnh, vì thế các con không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, chân có mùi sẽ gây ác cảm với người khác, chẳng hạn sẽ khiến cho các bạn gái chê cười, chế giễu, vừa trông thấy mặt đã bịt mũi, nhăn mặt, chạy xa. Và ngay cả chủ nhân của đôi chân hôi ấy cũng không hề dễ chịu. Đặc biệt là khi ở những nơi công cộng hoặc khi có những “tiếp xúc thân mật” với người khác, tâm lý lo sợ người khác ngửi thấy mùi ở chân mình sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình giao tiếp. Chính vì thế, đây cũng được coi là một “công trình hình tượng” đấy con trai nhé!
Phương pháp phòng ngừa chứng hôi chân hữu hiệu nhất chính là luôn luôn giữ gìn chân của mình thật sạch sẽ và khô ráo.
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ không phải chỉ dành cho con gái đâu con nhé, con trai cũng chú ý đến ngoại hình của mình. Hàng ngày đều phải tắm gội, rửa chân tay sạch sẽ, thay quần lót, thay quần áo. Cho dù không thích thể thao, không ưa vận động đi chăng nữa, hoặc là hôm đó không có tiết thể dục nào hay không tham gia vào một trận đấu nào thì cũng vẫn phải rửa chân tay, thay quần áo. Đặc biệt là sau khi vận động, vấn đề vệ sinh càng cần phải chú ý. Ngoài ra, ngoại trừ ban ngày hoặc khi vận động phải đi giày thể thao, còn khi về nhà có thể thay dép lê, dép vải. Và một điều cũng rất cần thiết, đó là nên chuẩn bị cùng lúc hai đôi giày thể thao để tiện cho việc thay đổi, để cho mỗi đôi giày đều có thời gian để “nghỉ ngơi”, khiến cho khí trong giày có cơ hội được thoát ra, giày sẽ khô ráo, sạch sẽ, không thành nơi trú ẩn của vi trùng vi khuẩn nữa.
Nếu như những biện pháp trên đây vẫn không cải thiện được vấn đề thì các con cũng có thể áp dụng những phương thức ở phía dưới này xem sao:
Khi rửa chân các con có thể bỏ chút muối hoặc lá trà xanh vào trong nước rửa chân, sau đó cho chân vào ngâm, kỳ nhẹ bàn chân, lòng bàn chân khoảng 5 – 10 phút, làm như thế mùi hôi ở chân cũng sẽ bay mất.
Khi dùng nước ấm rửa chân, có thể bỏ vào đó khoảng 50 gram phèn chua, đó cũng là phương pháp hữu hiệu để khử mùi hôi ở chân đấy.
Hay các con cũng có thể dùng bột khử mùi hôi chân, rắc trong giày, mỗi lần dùng lượng vừa phải, cách này có thể giữ chân khô thoáng và không có mùi hôi trong vòng nửa tháng.
Ngoài ra, để làm bay mùi hôi trong giày, khi giặt giày hay tất các con nên nhớ bỏ vào nước giặt một chút muối, ngâm chúng trong đó khoảng 15 phút sau đó mới dùng xà phòng để giặt lại cho sạch, phương pháp này có thể tẩy sạch phần lớn mùi hôi ở trong giày và tất. Và các con cũng có thể chuẩn bị một hoặc vài đôi lót giày, mỗi ngày thay một đôi, như vậy có thể kịp thời thay giặt khiến cho giày cũng được thông khí, sạch sẽ.