Bức thư thứ 35: CÓ CẦN PHẢI ĐẶC BIỆT BẢO VỆ “CẬU NHỎ” KHÔNG?
Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc
Con trai của bố:
Xem các đội tuyển thi đấu ở World Cup khiến bố chợt thấy cần nói chuyện bảo vệ “cậu nhỏ” với con.
Trong thi đấu bóng đá, khi trọng tài thổi phạt đền 11m hoặc phạt góc, đội bị phạt được đứng xếp hàng làm thành “bức tường” cản phá bóng phạt của đối phương. Nếu như chú ý một chút con sẽ thấy cầu thủ phòng ngự đá phạt đều chủ động lấy tay che phần hạ bộ của mình. Con có biết vì sao không? Bởi vì đó là bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể đàn ông và cũng là nơi dễ bị tổn thương nhất của con người, cần phải bảo vệ.
Chúng ta đã từng nói ở những bức thư trước, bộ phận sinh dục ngoài của con trai bao gồm bìu dái và dương vật. Xét từ góc độ sinh lý, trên bìu dái có rất nhiều dây thần kinh, hơn nữa phía ngoài còn có một lớp vỏ bọc sợi đàn hồi vừa dầy vừa dai, thường được gọi là bao trắng, tên khoa học là Tunica Albuginea bao bọc. Do đó bìu dái vô cùng mẫn cảm với ngoại lực, trở thành bộ phận “kiêu ngạo” không thể động vào. Các con tự thử một chút mà xem, dùng tay véo vào phần da và cơ ở đùi, ở mặt thường không cảm thấy quá đau, nhưng nếu các con véo như thế hoặc nhẹ hơn thế ở bìu dái, con có thể thấy đau chết điếng. Các con hẳn cũng từng thấy ở trên tivi, sách báo… đặc biệt là trên mạng Internet khi dàn dựng những cảnh đánh nhau, đòn hiểm muốn lấy mạng đối phương đều là nhằm vào hạ bộ đàn ông, tiếp theo đó là cảnh người bị đánh trúng đau đến độ không thể nào chịu đựng nổi nữa, hoặc là ôm phần hạ bộ đau đớn, hoặc là quỳ thụp xuống thậm chí có khi còn ngất hoặc mất mạng. Trên sân cỏ, một khi bộ phận sinh dục của vận động viên (bao gồm cả bìu dái, tinh hoàn và dương vật) bị quả bóng lao thẳng vào nhất định sẽ đau đến lăn lộn, thậm chí còn hôn mê – cái đấy gọi là sốc hôn mê.
Bộ phận sinh dục nam bị tổn thương trong lúc vận động, thông thường đều là bị tổn thương phần bìu dái, sau đó mới đến dương vật. Bởi vì, dương vật cương cứng mới dễ bị tổn thương, trong khi đang vận động, dương vật rất ít cương cứng, cho nên so với tinh hoàn, bìu dái thì tỉ lệ bị tổn thương của dương vật ít hơn một chút.
Tuy nhiên dương vật vẫn có thể bị tổn thương khi vận động, nếu lực tác động nhẹ thì có thể có những vết bầm tím, nặng hơn có thể sẽ bị tụ máu ở quy đầu, các thể nang xốp hay dưới da, và tất nhiên sẽ đau đến không thể chịu nổi. Chính vì thế, khi dương vật bị tổn thương mạnh trong khi vận động, nếu phát hiện thấy dưới da của dương vật có vết máu bầm, dương vật bị lệch về một phía khác với bình thường hoặc những ngày sau đó khi cương cứng lên dương vật cong vẹo khác thường thì chắc chắn các thể nang xốp ở thân dương vật đã bị tổn thương. Lúc này phải lập tức đến bác sĩ khám, để bác sĩ chuyên khoa có thể kịp thời kiểm tra, chẩn trị, nếu không dương vật cong vẹo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng sinh lý, tính năng tình dục sau này đấy. Nhất định không được vì xấu hổ, ngại ngần mà bỏ lỡ cơ hội điều trị nhé!
Tóm lại, trong mọi hoạt động thường ngày trong cuộc sống như nhảy nhót, chơi đùa, đá bóng, đá cầu… các con tuyệt đối tránh những động tác nguy hiểm có thể gây ra những thương tổn không đáng có cho dương vật, các con cần học cách bảo vệ chính mình và bảo vệ sự an toàn cho các bạn cùng trang lứa.
Bố nói thế thôi, có điều gì không hiểu con cứ hỏi nhé!
Bố của con.
Bức thứ thứ 36: PHẢI BẢO VỆ TINH HOÀN KHỎI BỊ TỔN THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO
Con trai của bố:
Trong những bức thư trước bố đã từng nói, khi vận động nếu bộ phận sinh dục bị tổn thương, đa phần là phần bìu dái sẽ bị tổn thương. Con cũng biết rồi đó, trong bìu dái có tinh hoàn, mà tinh hoàn sản sinh ra tinh trùng và bài tiết nội tiết tố Androgen. Trong đó, tinh trùng là tế bào mầm của con trai, còn nội tiết tố có khả năng thúc đẩy các cơ quan, bộ phận sinh dục của nam giới phát dục một cách bình thường, duy trì những đặc điểm sinh dục thứ phát và kích thích các chức năng tình dục – chính vì thế mà tinh hoàn là bộ phận vô cùng quan trọng của nam giới. Một khi tinh hoàn bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến các tính năng tình dục của nam giới và ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể, thậm chí nó còn ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này nữa đấy.
Nói như vậy, có thể con sẽ nghĩ rằng, nếu tinh hoàn quan trọng đến thế, thì tại sao nó lại được sinh ra ở phần dưới của cơ thể, đúng không? Nó “đóng đô” ở đó rất dễ bị tổn thương, còn chúng ta lúc nào cũng phải để ý đến nó, thật là phiền phức… Thế này nhé, con trai: kết cấu cơ thể con người giống như một bộ máy tinh xảo và bí mật đến không ai có thể hiểu nổi, mỗi một bộ phận đều có những tác dụng và ý nghĩa riêng của nó, tinh hoàn nằm ở hạ thân chính là vì để thỏa mãn yêu cầu nhiệt độ luôn ở mức ấm của tinh hoàn để duy trì chức năng sinh lý thông thường của cơ thể.
Nhiệt độ lý tưởng để tinh hoàn duy trì chức năng sinh lý thông thường là khoảng 350C, mà nhiệt độ của cơ thể luôn được duy trì ở mức 370C, với nhiệt độ như vậy sẽ không tốt cho chức năng của nó. Do đó tinh hoàn không thể được bố trí ở bên trong cơ thể. Hơn nữa, vì yêu cầu của tinh hoàn đối với nhiệt độ hơi cao nên trọng trách điều tiết nhiệt độ đó được đặt lên vai của bìu dái. Không biết các con có để ý không, mỗi khi nhiệt độ xuống quá thấp, thì phần da của bìu dái sẽ tự động săn lại, co lại, sở dĩ nó làm như vậy là để cho nhiệt lượng không bị mất đi. Còn khi nhiệt độ quá cao, phần da của bìu dái sẽ tự động dãn ra, lỏng ra, làm như vậy có lợi cho việc tản nhiệt của tinh hoàn.
Với những người phải thường xuyên vận động tỉ lệ tổn thương tinh hoàn khá cao. Cho nên khi tham gia những hoạt động này, cần phải hết sức chú ý bảo vệ “của quý”. Ngoài ra, mặc dù tinh hoàn ở vị trí tương đối kín đáo, trong cuộc sống hàng ngày, khi vui chơi, đùa nghịch đôi khi cũng khó tránh khỏi chuyện tinh hoàn bị tổn thương trực tiếp. Chẳng hạn, trong lúc đi xe đạp chỉ cần không để ý khi nhảy từ trên xe xuống cũng rất dễ khiến tinh hoàn bị va đập… Vì vậy vận động gì cũng cần phải đặc biệt chú ý.
Con nhớ bảo vệ “của quý” của mình đấy!
Bố của con.