Bức thư thứ 47 KHÁM PHỤ KHOA RẤT RẮC RỐI PHẢI KHÔNG?

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời mẹ gửi con gái – Từ Ninh

Minh Anh yêu quý:

Hôm qua, trong lúc nói đến tình trạng của bạn Yến, mẹ chợt nghĩ đến một vấn đề: Đến bệnh viện kiểm tra!

Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển quan trọng của cơ thể con người, mặc dù chúng ta có kiến thức sinh lí, vệ sinh nhưng sự biến đổi của cơ thể vô cùng đa dạng, nhiều vấn đề xảy ra có thể nằm ngoài dự liệu của các con, khiến cho các con phải bó tay không biết làm thế nào. Trong lâm sàng, các bạn gái trong độ tuổi dậy thì mắc phải các bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, phát triển bất thường, viêm nhiễm, tổn thương, có các khối u… là hiện tượng thường thấy, ví dụ: xuất huyết tử cung do mất cân bằng chức năng tuổi dậy thì, màng trinh quá dày, âm đạo có vách ngăn nằm ngang, hai tử cung, bẩm sinh không có tử cung, âm đạo… cùng các bệnh viêm nhiễm do đi bơi ở các bể bơi không sạch sẽ hoặc sử dụng đồ dùng và nhà vệ sinh bẩn gây ra… Nhưng vì ngại ngùng, không dám mở miệng mà khiến cho bệnh nhẹ trở nên nghiêm trọng, phức tạp, bỏ lỡ giai đoạn điều trị tốt nhất. Vì vậy, nếu cảm thấy cơ thể gặp phải những triệu chứng khó chịu như: đau bụng dưới, ngứa vùng kín, chảy máu hoặc chảy dịch âm đạo, hậu môn phù nề, kinh nguyệt thất thường, kinh nguyệt quá nhiều hoặc bế kinh… nhất định phải nói cho mẹ biết, để mẹ dẫn con đến bệnh viện kiểm tra. Mẹ nghĩ, nếu bạn Yến nói với mẹ bạn ấy sớm và đến bệnh viện kiểm tra kịp thời thì có lẽ đã không bị sốt, cũng dễ dàng trị khỏi bệnh rồi.

Nhắc đến phụ khoa, rất nhiều bạn nữ đều cảm thấy ngại ngùng; đặc biệt sợ hãi, có thành kiến đối với việc kiểm tra vùng kín. Thực ra việc này hoàn toàn không như các con tưởng tượng đâu.

Đi khám phụ khoa cũng giống như khám bệnh ở các khoa khác, trước tiên là “hỏi”. Bác sĩ sẽ hỏi con một cách tường tận các vấn đề như: tuổi tác, đã có kinh chưa, lần đầu tiên có kinh là khi nào, chu kì kinh nguyệt là bao nhiêu ngày, kinh nguyệt kéo dài mấy ngày, lượng máu kinh như thế nào, có đau bụng kinh hay không, lần kinh nguyệt trước là vào khi nào, âm đạo có ngứa không, có cảm thấy khó chịu ở đâu không… Nếu hỏi xong vẫn không thể chẩn đoán được bệnh gì, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình đã tìm hiểu được, yêu cầu con làm một số xét nghiệm sinh hóa cần thiết như: xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc siêu âm tử cung, buồng trứng để hỗ trợ cho việc chẩn đoán được chính xác.

Trừ phi nghi ngờ tử cung hoặc buồng trứng có bất thường, đối với các bạn nữ tuổi dậy thì, bác sĩ có thể sẽ tiến hành kiểm tra vùng bụng qua đường hậu môn, tức là một ngón tay đưa vào trong trực tràng hậu môn, một ngón tay khác kết hợp kiểm tra vùng bụng. Nếu huyết trắng bất thường, có thể bác sĩ sẽ lấy dịch âm đạo bằng cách dùng bông tăm nhẹ nhàng lấy một chút dịch tiết ở phần dưới âm đạo, không hề gây đau đớn. Không nhiều trường hợp phải kiểm tra như thế này, hơn nữa các con có thể yêu cầu một bác sĩ nữ tiến hành kiểm tra cho các con.

Vì vậy tuyệt đối không nên vì ngại ngùng hay sợ hãi mà trốn tránh việc đi khám bác sĩ nhé.

Mẹ