Bức thư thứ 49 CÓ TÂM SỰ NÊN KỂ VỚI AI?

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời mẹ gửi con gái – Từ Ninh

Minh Anh thân yêu:

Trong cuộc họp phụ huynh lần này, mẹ đã nói chuyện với các phụ huynh khác, ai cũng phàn nàn việc con cái mình càng ngày càng ngang bướng, càng ngày càng không chịu tâm sự với bố mẹ, có rất nhiều chuyện các con còn chưa hiểu, cũng chưa thể tự giải quyết nhưng lại không chịu thừa nhận, không chịu nghe ý kiến của người lớn. Nghe những lời này, mẹ thấy mừng thầm, bởi vì Minh Anh nhà ta có chuyện gì cũng đều kể với bố mẹ. Chỉ có điều, cho dù có gặp phải tình huống như vậy, mẹ cũng thấy không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì đến tuổi các con hiện giờ, việc có tâm sự, có suy nghĩ riêng cũng là cột mốc trong quá trình trưởng thành của các con: cột mốc phát triển tâm lí tuổi dậy thì.

Sự phát triển ý thức bản ngã của con người có hai giai đoạn tương đối rõ rệt. Thứ nhất là giai đoạn từ 2–3 tuổi, trẻ con bắt đầu học cách sử dụng từ “tôi”, lí giải được mối quan hệ giữa từ “tôi” và cái tôi, bắt đầu có nhận thức cá nhân. Tiếp đó là giai đoạn dậy thì, ý thức cái tôi của con người lại sẽ có sự phát triển cao độ. Cùng với sự thay đổi của cơ thể, các con có thể cảm nhận rõ rệt sự trưởng thành của mình, đồng thời hi vọng người khác coi mình là người lớn, không muốn bố mẹ và thầy cô chỉ bảo và quản lí mọi thứ như trước đây nữa, đồng thời bắt đầu vì chuyện này mà chống đối, cảm thấy chỉ có những người cùng trang lứa mới có chung “ngôn ngữ” với mình. Nhưng mặt khác, các con còn rất nhiều vấn đề chưa biết, chưa hiểu (về điểm này các con buộc phải thừa nhận đấy), sự thay đổi về cơ thể, về tâm lí khiến cho các con thường xuyên rơi vào trạng thái mông lung, không biết phải làm sao, muốn hỏi nhưng lại sợ vì “cái tiếng” bám váy mẹ mà bị người khác coi thường hoặc bị chê bai là “con nít”. Thế nên, các con đều cảm thấy tâm trạng đầy mâu thuẫn. Thực ra, mỗi người lớn đều đã từng trải qua những giai đoạn như vậy nên mẹ rất hiểu cảm giác của các con.

Nhưng con cũng nên biết bố mẹ là người yêu thương các con nhất, thầy cô cũng hi vọng các con trưởng thành khỏe mạnh và vui vẻ. Mẹ cũng thừa nhận bởi vì tuổi tác cách biệt, thời đại và môi trường cũng khác biệt, suy nghĩ và nhận thức đương nhiên cũng tồn tại những khác biệt, là bậc phụ huynh, là giáo viên, mẹ cũng phải thừa nhận phương pháp của người lớn nhiều khi đúng là cần phải xem xét lại, thái độ có thể cũng hơi cứng nhắc, nóng nảy. Điều này có thể khiến các con không vui, khó tiếp nhận. Cho nên hàng ngày có tâm sự hay gặp phải rắc rối gì, con các thường chỉ muốn tâm sự với bạn học, bạn bè, chuyện này mẹ không phản đối. Nhưng trước tiên mẹ phải nhấn mạnh rằng, nếu cơ thể có những thay đổi như chúng ta đã nói trước đây, nhất là cảm thấy có gì đó bất thường, khó chịu, con nên nói sớm với mẹ nếu đang ở nhà hoặc báo cho thầy cô biết khi đang ở trường, khi cần thiết sẽ phải đi khám bệnh, xin tư vấn của chuyên gia. Đừng vì “thi gan” với bố mẹ hay thầy cô, hay vì ngại ngùng, sợ người khác chê mình là trẻ con mà giấu giếm.

Ngoài ra, mẹ cảm thấy chính bởi vì chúng ta có những suy nghĩ, nhận thức khác nhau nên càng cần giao lưu nhiều để hiểu nhau hơn, mới có thể “trải thảm” cho con đường giúp chúng ta tiến gần đến nhau hơn, mới có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề đúng đắn nhất.

Con có đồng ý không?

Mẹ