Bức thư thứ 59: ĐÓ CÓ PHẢI LÀ YÊU SỚM KHÔNG?

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc

Con trai của bố:

Con hỏi bố, trường hợp bạn Bằng có phải là “yêu sớm” không? Bỗng nhiên bố thấy trước tiên các con nên hiểu thế nào là “yêu sớm”.

Thế này các con nhé, trong quá trình phát dục tâm lý và sinh lý tình dục, bất luận là con trai hay con gái thì đều có những điều còn chưa hiểu về đối phương, vì thế nên mới nảy sinh sự hiếu kỳ, muốn biết và thử cảm giác yêu người khác giới vì thế mà dễ dàng ngộ nhận sự yêu mến của mình đối với bạn khác giới chính là tình yêu, và tự nhiên muốn được “yêu”. Nhưng cái “tình yêu” ấy mãi mãi không thể được coi là một “tình yêu chân chính” con trai nhé.

Cho dù xét từ góc độ nào thì chúng ta cũng không nên ủng hộ việc “yêu sớm”. Ngoại trừ lý do “yêu sớm” sẽ ảnh hưởng đến học tập thì lý do quan trọng nhất chính là các con càng lớn thì hình tượng “chàng bạch mã hoàng tử” và “nàng công chúa” trong lòng các con sẽ dần thay đổi. Có nhà tâm lý học đã thống kê, yêu sớm gần như không bao giờ có được kết cục như ý. Con thử nghĩ mà xem, từ nhỏ cho đến giờ, con đã từng rất thích một thứ đồ nào chưa? Con thích nó được bao lâu thì chán? Cô bạn gái mà hôm nay con vô cùng thích, vô cùng yêu mến thì có thể ngày mai thôi vì một hay nhiều nguyên nhân nào đó cô bạn ấy sẽ thành một thứ “rắc rối, phiền phức” trong mắt con. Mà con gái cũng không ngừng trưởng thành, cũng thay đổi tiêu chuẩn đối tượng yêu thích, cô ấy có thể sẽ bỗng nhiên thấy cái cậu con trai mà cô ấy từng thích vì chơi bóng rổ rất cừ ấy sao mà hay nói dối, có nhiều lúc thật vô trách nhiệm, đúng thật không đáng để mình thích. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi khả năng nhận thức của các con còn đang trong quá trình phát triển, phương thức phán đoán và tiêu chuẩn đánh giá của các con về mọi thứ sẽ thay đổi dẫn tới thái độ yêu ghét của các con cũng có thể bị thay đổi.

Tất nhiên cũng có trường hợp vốn dĩ con trai, con gái ở cạnh nhau chẳng qua cũng chỉ là vì nói chuyện hợp nhưng lại bị những người “nhìn đâu cũng thấy địch” như bố mẹ hay thầy cô hiểu nhầm, chụp mũ hay bị đám bạn học chỉ biết nửa vời thổi phồng, bàn tán khiến các con có ám thị “tôi đang yêu, chúng tôi đang yêu nhau!”. Hoặc đôi khi chính sự chỉ trích cấm đoán của người lớn, trêu chọc gán ghép của bạn bè đã kích động đôi bạn bị hiểu lầm phản kháng mà “làm giả thành thật”.

Vì thế cho nên người ngoài không nên vội vã chụp mũ “yêu sớm” lên bất kỳ ai. Các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh không nên vội vàng chỉ trích con em, các con cũng không nên cùng các bạn khác chơi trò gán ghép bạn học. Còn những người trong cuộc như bạn Bằng của con thì nên bình tĩnh nhìn nhận lại tình cảm của mình, xem có phải bạn ấy đã quá vội vàng hoặc ngộ nhận không.

Bố chỉ ra vài điểm thế thôi.

Bố của con.