Bức thư thứ 69 EM BÉ TRONG BỤNG MẸ LỚN LÊN NHƯ THẾ NÀO?

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời mẹ gửi con gái – Từ Ninh

Minh Anh thân yêu:

Còn nhớ lúc trước khi dì Hoa mang bầu, con thường lo lắng hỏi: “Em bé trong bụng tại sao còn chưa chịu ra?”, dường như con còn nôn nóng muốn nhìn thấy em bé hơn cả dì. Đây chính là vấn đề thứ tư mẹ muốn nói tới: Em bé sẽ ở trong bụng mẹ bao lâu?

Thời gian người mẹ mang thai gọi là thời kì thai nghén. Thời gian thai nghén được tính từ ngày đầu tiên của kì kinh cuối cùng đến tuần thứ 40, tức là 280 ngày. Từ lúc trứng được thụ tinh, trở thành phôi thai, em bé bắt đầu “chui vào” bụng mẹ, nói một cách chính xác hơn là vào trong tử cung của mẹ, sau khi trải qua thời gian chín tháng mười ngày sẽ trở thành một em bé sơ sinh.

Thai nhi ở trong bụng sẽ lấy chất dinh dưỡng từ mẹ thông qua nhau thai và dây rốn, sau đó sẽ đào thải ra chất cặn bã của cơ thể. Khi em bé được sinh ra khỏi bụng mẹ, bác sĩ sẽ cắt dây rốn và băng lại, đoạn cuống rốn ấy sẽ rụng đi và hình thành cái rốn của con.

Trong chín tháng ở trong tử cung của mẹ, em bé từ một phôi thai bé xíu dần dần hình thành nên tay chân, các cơ quan cho đến khi cơ thể hoàn thiện.

Tháng thứ nhất, phôi thai bắt đầu phát triển gan và hệ tiêu hóa.

Tháng thứ hai, hình thành cánh tay và chân, phần lớn các cơ quan nội tạng đều đã phát triển, tim bắt đầu hoạt động, khuôn mặt đã rõ nét, não bắt đầu phát triển nhanh chóng.

Tháng thứ ba: thai nhi phát triển nhanh chóng, ngón tay, ngón chân và tai đã hình thành.

Tháng thứ tư: Tất cả các cơ quan đều đã hình thành, thai nhi có thể di chuyển trong tử cung, giơ tay và vươn chân….

Tháng thư năm: có thể nghe thấy tim thai, cảm nhận thai nhi đang cử động.

Tháng thứ sáu: khả năng hoạt động của thai nhi càng mạnh hơn, làn da đã có màu hồng và nhăn nheo.

Tháng thứ bảy: thai nhi thỉnh thoảng sẽ mở mắt ra.

Tháng thứ tám: thai nhi dường như đã trưởng thành.

Tháng thứ chín: thai nhi đã phát triển hoàn thiện, sẽ tụt xuống vùng bụng dưới của mẹ và chuẩn bị ra đời.

Trải qua 280 ngày thai kì như thế, thai nhi đã phát triển hoàn thiện, em bé sẽ háo hức muốn ra ngoài ngắm nhìn thế giới này và gặp mặt cha mẹ. Em bé sẽ phát tín hiệu cho mẹ: những cơn co, tức là tử cung liên tục co thắt, hơn nữa khoảng thời gian gián đoạn giữa các cơn co sẽ ngày một rút ngắn lại, cổ tử cung của mẹ sẽ dần dần mở ra để chuẩn bị “lối ra” cho em bé. Lúc này, mẹ sẽ cảm thấy vô cùng đau đớn, cơn đau kéo dài vài tiếng, thậm chí hơn chục tiếng đồng hồ, nhưng mẹ hiểu được rằng lúc này em bé đang nôn nóng được ra ngoài nên rất cố gắng phối hợp với các y bác sĩ. Còn em bé cũng không hề “làm biếng” nhé, cũng rất cố gắng để cho phần đầu, phần vai áp sát vào xương chậu của mẹ, men theo “lối ra” để tụt xuống, gập người, xoay người… khi cổ tử cung mở ra đến mức đầu bé có thể lọt ra ngoài, mẹ và em bé cùng cố gắng, em bé sẽ được sự co thắt dữ dội của tử cung đẩy ra ngoài âm đạo, đây chính là quá trình “sinh nở”, em bé đã ra đời rồi đấy!

Người mẹ từ lúc mang bầu cho đến khi sinh nở phải trải qua vô vàn vất vả và đau đớn, lại ngày ngày bỏ bao tâm sức để chăm chút cho các con lớn khôn thành người, chỉ khi nào chính con trở thành một người mẹ, con mới hiểu được điều này. Người mẹ nào cũng rất yêu thương con mình, cho nên cho dù có phải đau đớn và vất vả đến đâu mẹ cũng không quản ngại.

Mẹ