Bức thư thứ 79: KHOAN DUNG ĐỘ LƯỢNG

Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc

Con trai của bố:

Còn nhớ có lần con và bạn Bằng cãi nhau, sau chuyện đó con đã đi giảng hòa cùng cậu ấy, nhưng Bằng vẫn vùng vằng không chịu chấp nhận. Con đã giận dữ nói: “Chán phèo, đúng là đồ nhỏ mọn, chẳng độ lượng một chút nào cả!”

Quả thật, khoan dung độ lượng chính là một phẩm chất mọi người yêu cầu ở con trai. Một người đàn ông nếu bụng dạ hẹp hòi, không khoan dung độ lượng, việc gì cũng tính tính toán toán, keo kiệt bủn xỉn thì thật không được đánh giá cao.

Kỳ thực, mỗi một người đều có thể phạm sai lầm, có những lúc hồ đồ cần đến sự lượng thứ của người khác. Chính vì thế, khoan dung với người khác cũng chính là đang đối xử khoan dung với chính mình. Hiểu được việc phải độ lượng với người khác chính là đã giữ cho mình một không gian để trưởng thành và một mảnh đất để phát triển. Đồng thời, khoan dung cũng là phương pháp tốt nhất để hóa giải mâu thuẫn.

Nói đến khoan dung độ lượng, mọi người thường nhắc đến câu chuyện này:

Có một hôm, Goethe đi dạo trong công viên gặp một người từng chỉ trích tác phẩm của ông. Lần này người ấy đứng trước mặt của Goethe nói rất to: “Từ trước đến nay tôi không bao giờ nhường bước cho kẻ ngốc!”

Goethe liền đáp: “Cũng may là tôi lại ngược lại”. Rồi vừa nói vừa mỉm cười bước sang một bên.

Goethe đã dùng một phương thức vừa hài hước vừa khoan dung để tránh một cuộc tranh cãi vô vị, và cũng thể hiện nên sự nhẫn nhịn và độ lượng của mình.

Tục ngữ có rất nhiều câu, chẳng hạn: “Một điều nhịn bằng chín điều lành”, “Dĩ hòa vi quý”… Nhiều người sẽ cảm thấy đó như là mình bị chịu thiệt thòi, là nhượng bộ, nhưng thật ra nó là một dạng khoan dung độ lượng. Khoan dung độ lượng thể hiện sự tu dưỡng và khí chất của con người. Muốn khoan dung độ lượng cần chú ý một vài điểm sau:

Thứ nhất: phải học cách biết hoán đổi vị trí. Phải đứng trên lập trường của người khác để suy xét vấn đề, thử trải nghiệm cảm giác của đối phương, không nên quá để ý đến mình phải chịu thiệt như thế nào, nhận được về bao nhiêu, với một thái độ hòa bình như thế sẽ giúp cho tim con có thể có một không gian rộng mở để bao dung đối phương.

Thứ hai: học cách quên. Con người ta ai cũng có thể phạm sai lầm, ai cũng phải trải qua những đau khổ và thất bại, và cũng đều có những mâu thuẫn, xung đột với người khác, hãy thử quên đi những thị phi, đúng sai đó, hãy để thời gian làm thuốc giảm đau, cuộc sống như vậy sẽ có được thêm nhiều ánh sáng, nhiều niềm vui.

Thứ ba: Không nên tính toán. Không nên cố chấp mọi sai lầm, thiếu sót của đối phương trong quá khứ, canh cánh trong lòng sự mất niềm tin, không hợp tác. Nếu không sẽ tự gánh thêm một gánh nặng trên lưng, hạn chế tư duy của mình.

Thứ tư: Khoan dung cũng cần nhẫn nại. Sự phê bình của bạn bè, sự hiểu lầm của những người xung quanh thường khiến cho con đau lòng, nhưng nếu như cố gắng tranh luận, biện luận hoặc “phản pháo” lại sẽ càng khắc sâu thêm sự hiểu lầm, mâu thuẫn đó. Hãy thử tạm thời nhẫn nại một chút, bình tĩnh lại một chút, tìm ra phương thức khác để giao lưu, quyền chủ động có lẽ sẽ nằm trong tay của con, và vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Và con nên nhớ, muốn được hòa hợp với các bạn học và những người bạn ở xung quanh mình và nhận được sự chấp nhận và sự ủng hộ, khích lệ của mọi người thì lúc nào cũng cần phải giữ một trái tim khoan dung độ lượng và đó cũng là một trong những điều kiện tất yếu để cho con trai nâng cao chỉ số hấp dẫn của mình đấy con trai ạ.

Bố của con.