Bức thư thứ ba: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CAO LỚN
Từ khóa tìm kiếm: 80 lời bố gửi con trai – Hán Trúc
Con trai của bố:
Ha ha, quả nhiên không ngoài sự dự đoán của bố! Mặc dù con đã hiểu được quy luật sự phát dục của tuổi dậy thì, nhưng con vẫn còn rất nhiều lăn tăn, suy nghĩ về chuyện làm sao có được chiều cao lý tưởng, mong muốn có cơ hội “báo thù rửa nhục”. Hơn nữa, bên cạnh con còn có một đội quân đồng minh cũng đang tăng tốc chuẩn bị.
Chiều cao của con người ta phụ thuộc chủ yếu vào bộ xương của cơ thể. Giữa hai đầu của ống xương và phần giữa của xương trong cơ thể người có một phần gọi là xương sụn, các tế bào của xương sụn không ngừng tăng trưởng và hấp thụ chất canxi, khiến cho các tế bào mới trở nên cứng chắc, các ống xương vì thế mà dài ra từng chút, từng chút một, và như thế, con cũng dần dần cao lớn thêm.
Trong cuộc đời của một con người, có hai thời kỳ có tốc độ sinh trưởng thần tốc, giai đoạn đầu tiên chính là thời kỳ trẻ sơ sinh (tầm 1 đến 2 tuổi) và thời kỳ thứ hai chính là thời kỳ dậy thì.
Chúng ta gọi sự đột biến tốc độ sinh trưởng là “Phát triển mạnh mẽ” hay “Giai đoạn nhảy vọt”. Các cậu con trai thông thường từ 11 đến 13 tuổi bắt đầu bước vào thời kỳ “phát triển mạnh mẽ” thứ 2, chiều cao hàng năm có thể tăng từ 6 – 8 cm, một số ít những cậu phát triển nhảy vọt có thể đạt đến 10 – 12cm. Sự “phát triển mạnh mẽ” này thông thường kéo dài trong vòng 1 năm, sau đó tốc độ phát triển bắt đầu giảm dần, đến khi chiều cao đủ so với người thành niên thì dừng lại.
Những nhân tố ảnh hưởng đến chiều cao của cơ thể có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do hai nhân tố chính: Di truyền và hoàn cảnh sống. Xét từ góc độ di truyền mà nói, bố mẹ có vóc dáng cao lớn thì con cái cũng sẽ tương đối cao. Đó chính là nhân tố bẩm sinh, không thể tự mình lựa chọn hay thay đổi được, ai bảo con là con của bố mẹ kia chứ. Còn cái gọi là nhân tố môi trường chính là nhân tố thay đổi được, thông qua nhiều phương pháp và biện pháp có hiệu quả để cải thiện. Nhân tố môi trường bao gồm những phương diện sau:
Dinh dưỡng: Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, toàn diện, cân bằng vô cùng quan trọng với quá trình phát dục của cơ thể, qua thức ăn cung cấp hợp lý canxi và phốt pho sẽ rất có lợi cho sự tăng trưởng chiều cao.
Bệnh tật: Bệnh tật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát dục của bộ xương, tuyến yên có vấn đề sẽ khiến cho hormone tăng trưởng quá nhiều hoặc quá ít đều ảnh hưởng tới chiều cao. Hormone giới tính thúc đẩy sự phát dục của bộ xương, nếu như hormone giới tính được sản sinh quá sớm, quá nhiều (gọi là dậy thì sớm) thì thời thiếu niên sẽ phát triển chiều cao rất nhanh, nhưng sau khi sự phát dục hoàn thành lại thấp bé hơn bạn cùng trang lứa.
Tình cảm: Tâm trạng thay đổi, ngủ không ngon hoặc không đủ, sinh hoạt không tuân theo đồng hồ sinh học thông thường… tất cả đều gây ảnh hưởng đến công năng của các cơ quan trong cơ thể, và điều đó cũng dẫn đến sự bất thường trong quá trình phát dục.
Tập thể dục: tập thể dục không những có thể nâng cao thể chất mà còn rất có lợi cho việc tăng trưởng chiều cao, thanh niên tập thể thao thường cao hơn những thanh thiếu niên không chơi thể thao khoảng 4cm.
Vì thế, nếu các con muốn nắm bắt cơ hội vàng để tăng trưởng chiều cao tối ưu, thì việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hình thành thói quen sinh hoạt tốt và tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao để tăng cường thể lực là những điều kiện không thể thiếu. Trường hợp của con thói kén ăn cần phải sửa đổi ngay!
Chào con, hẹn gặp con trong lá thư sau.
Bố của con.