Cá thờn bơn là cá gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum
Tiếng Anh có từ “fillet” là một lát thịt nạc hoặc lát cá đã lạng hết xương. Vào một tiệm bán thực phẩm tươi, hỏi mua một “fillet” của thứ cá có tên là “sole” ta nghĩ họ sẽ đưa cho ta một lát cá đã lạng xương rồi. Nhưng nếu họ đưa cho ta một con cá – tuy nom có hơi lạ – thì ta cũng đừng cho là người bán hàng nghe lầm, mà phải nói là chính xác ta lầm. Bởi vì quả thật có một thứ cá tên là “sole” – và là thứ cá ngon nhất trên thế giới – chẳng cần phải lạng xương mà nom nó như đã lạng hết xương rồi. Không phải chỉ có một vài mà rất nhiều dân tộc coi thứ cá này là cá loại ngon. Tuy nhiên thứ cá “sole” mà ta đang nói phải là cá “sole” Châu Âu, chứ cá “sole” châu Mỹ thì lại chẳng ra gì. Bởi vậy, nếu có sang Mỹ thì bạn chẳng nên hỏi mua “fillet of sole”, vì bạn chỉ mua được một thứ cá “mình dẹp” chứ không phải là cá “sole” châu Âu ngon lành đâu.
Cá “sole” (cá thờn bơn hay nói gọn là cá bơn) là loại cá mình dẹp lép. Có tới 500 loại cá mình dẹp. Chẳng hạn cá bơn (sole), cá flounder, cá fluke, cá halibut, cá turbot… Mình các loại cá này dẹp lép. Chúng nằm nghỉ và bơi chỉ có một phía với cả hai con mắt nằm quay lên phía mặt nước. Nhưng, trước đây – tất nhiên là cách nay rất lâu lắm rồi – loại cá dẹp này không nằm nghỉ hoặc bơi theo theo kiểu lạ đời như vừa nói. Chúng nghỉ ngơi và bơi lội cũng như mọi loại cá khác nghĩa là quay cái lưng lên phía trên, cái bụng phía dưới chứ không nằm ngang như vậy. Tuy nhiên, cũng quái lạ không kém là khi nằm và bơi như vậy thì chúng lại bị kẻ thù tiêu diệt. Do đó, để có thể sống sót, có lẽ một vài giống cá dẹp này đã thay đổi tư thế nằm nghỉ và di chuyển như hiện nay. Sau hàng ngàn năm, tư thế “lạ đời” ấy đã trở thành tư thế độc đáo của loại cá này.
Tuy nhiên còn vấn đề khác nữa về cá bơn. đó là tại sao con mắt nhìn về phía đáy (biển) lại biến mất và phía bên kia (nhìn về phía mặt nước) lại có hai con mắt, đồng thời, cái miệng cá bơn lại “méo” khiến cho cá khó đớp, nhai mồi như vậy? Lý do là trong hàng ngàn năm, loài cá bơn cứ phải “vặn vẹo” con mắt phía đáy để nó quay về phía có ánh sáng thì mới nhìn được. Lâu ngày – theo thuyết tiến hóa thích nghi – con mắt phía đáy (biển) trồi lên bên kia. Kết quả là một phía cá bơn có hai con mắt trong khi phía kia không có con nào. Một điều kỳ dị khác nữa là cả lịch trình tiến hóa lâu dài của nòi giống cá bơn đều được lặp lại ở bản thân mỗi con cá bơn. Nghĩa là khi mới nở thì hai con mắt cá bơn vẫn nằm ở hai phía. Nhưng càng lớn thì hai con mắt phía dưới cũng chuyển dần dần lên phía trên đầu để rồi cả hai con mắt cùng nằm về một phía như ta thấy nơi con cá bơn trưởng thành.