Cái gì đã gây ra các dòng bọt khí nhỏ bốc lên trong một ly sâm-panh?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 12 – Arkady Leokum
Đây là một trong số những câu hỏi tầm thường mà lại dẫn đến giải Nobel. Các bọt khí trong sâm-panh và nước uống có ga là carbon dioxide. Khí này được nén ép vào nước dưới áp suất cao, khi mở chai, áp suất giảm, khí đã thoát ra khỏi chất lỏng. Khi các phân tử carbon dioxide thoát ra, một số va chạm vào thành ly và bị mắc vào trong các khe hở nhỏ hay bám vào các hạt bụi. Nếu có đủ khí được tích tụ ở “điểm tạo nhân” này, nó sẽ tạo thành một bọt khí lớn dần lên cho tới khi nó vỡ ra và nổi lên bề mặt. Kết quả: một dòng liên tục các bọt khí nổi lên dường như chẳng từ nơi nào cả.
Năm 1952, khi nhà vật lý Donald Glaser đang suy nghĩ về các bọt khí nổi lên trong ly bia của mình, ông nhận ra rằng một quá trình tương tự có thể tiết lộ sự hiện diện của các hạt hạ nguyên tử, thứ có thể tạo ra một vệt bong bóng khi bị phóng qua hydrogen lỏng. Điều này đã dẫn ông tới sự phát minh “buồng bong bóng” (bubble chamber) và đạt được giải Nobel vật lý năm 1960.