(Cái gì khiến ta nằm mơ)?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum
Ta hãy bắt đầu bằng câu hỏi ngược trở lại: cái gì khiến ta không nằm mơ? Giấc mơ của ta dứt khoát là không phải từ thế giới khác mà đến. Nó không có một tín hiệu nào có nguồn gốc từ bên ngoài. Và nó cũng chẳng hướng tới một tương lai nào, cũng chẳng tiên báo quá khứ vị lai nào.
Tất cả mọi giấc mơ đều gây cho ta một cảm giác nào đó: sướng khoái, kinh hoàng, cảm động, mong mỏi, sợ hãi, hồi tưởng… nghĩa là đủ thứ. đôi khi có thể có “yếu tố bên ngoài” ảnh hưởng đến giấc mơ của ta. Chẳng hạn, một người đang ngủ trong lúc trời sấm chớp đùng đùng, giấc mơ của người ấy có thể gợi lại một cảnh chinh chiến. Một người đi ngủ lúc bụng đói, hoặc khát, hoặc mệt… giấc mơ của anh ta có thể có những cảm giác ấy. Một người ngủ đắp mềm, nửa đêm cái mền tuột ra, bị lạnh, người ấy có thể nằm mơ thấy mình lên miền Bắc cực giá lạnh hoang vu. “Chất liệu”, nội dung của giấc mơ đêm nay của bạn dường như do những gì bạn đã kinh qua trong ngày hôm đó.
Vậy, “nội dung” giấc mơ của bạn đến từ cái gì tác động vào bạn trong lúc đang ngủ (thời tiết lạnh, ánh sáng đèn, tiếng động ồn ào…) và nội dung đó cũng có thể dùng những kinh nghiệm đã qua, những thèm khát ham muốn đã thúc đẩy, những hứng thú bạn đã cảm thấy trong quá khứ. đó là lý do tại sao con nít hay nằm mơ thấy phù thủy và bà tiên, trẻ lớn hơn thì mơ thấy các kỳ thi cử, người đói nằm mơ thức ăn, người lính ngoài biên cương mơ thấy gia đình, người tù mơ thấy tự do. để chứng tỏ cho bạn thấy những cái xảy ra trong lúc bạn ngủ đã kết hợp với cái bạn cần, cái bạn thèm muốn… như thế nào trong giấc mơ của bạn thì đây là một câu chuyện có thật. Một người nằm ngủ, mu bàn tay của anh ta đè lên một miếng bôn gòn bị thấm đẫm nước. Anh ta nằm mơ thấy mình đang nằm ở bệnh viện, bạn gái đến thăm, cô cảm thương vì tình trạng bệnh hoạn của anh quá nên khóc rấm rức, hai tay nàng ve vuốt anh… Có nhiều người đã đến các nhà phân tâm học để hỏi tại sao họ nằm mơ, họ nằm mơ cái gì và ý nghĩa các giấc mơ của họ ra sao? Cách diễn giải của các nhà phân tâm không được mọi người chấp nhận, nhưng nó cũng cung cấp một cách thức để tiếp cận vấn đề. Các nhà phân tâm giải thích rằng nằm mơ là biểu hiện ước muốn có một điều đã không đạt được, một ao ước bị ức chế. Nói cách khác, nằm mơ là cách để thành đạt cái mà mình muốn có.
Trên lý thuyết, trong lúc ngủ, khả năng “ức chế” cũng ngủ luôn. Những gì bị ức chế bây giờ trỗi dậy. Nghĩa là, ta có thể biểu hiện, cảm cái mà ta thật sự thèm muốn và tất nhiên chỉ biểu hiện trong mơ. Giấc mơ đã tháo cũi cho ước muốn bị ức chế được “sổ lồng”, có thể là những ước muốn thầm kín chìm sâu trong cõi vô thức mà chính ta – người nằm mơ – cũng không hề biết trước đó.