Câu chuyện về khí than và khí hoá lỏng?
Ngày nay ở các thành phố, việc sử dụng khí đốt và khí hoá lỏng ngày càng phổ biến. Đặc điểm chung khi sử dụng loại chất đốt này là tiện lợi, sạch sẽ, không có bụi. Nhiều người cho rằng, khí than và khí hoá lỏng chỉ khác ở chỗ, khí hoá lỏng được đựng trong các bình bằng thép. Sự thực thì khí than và khí hoá lỏng không chỉ khác nhau về thành phần mà phương pháp sử dụng cũng không giống nhau.
Khí than được chế tạo từ nguyên liệu là than đá. Khí than được sản xuất từ các lò sản xuất khí, sau đó được chứa vào các bồn khí lớn, rồi dẫn đến các hộ dùng khí bằng các đường ống. Khí than có ba thành phần chính: Hyđro, monoxit cacbon và metan. Hyđro phát tán rộng và cháy ổn định. Khí hyđro chiếm khoảng 50% thành phần khí than. Monoxit cacbon sản xuất dễ dàng, giá rẻ nhưng có độc tính. Monoxit cacbon chiếm khoảng 15% trong thành phần khí than. Sự cháy và nhiệt lượng của khí than là điểm mà người ta quan tâm chủ yếu. Theo quy chuẩn ở Trung Quốc, 1m3 khí than khi cháy phải cung cấp nhiệt lượng không ít hơn 15900kCal. Khí than sản xuất ra thường phải kiểm tra để có thể tăng thêm metan hoặc hyđro để điều chỉnh nhiệt lượng. Vì trong khí than có monoxit cacbon là khí độc nên thường người ta phải tìm cách giảm hàm lượng monoxit cacbon trong khí xuất xưởng, đó là phương hướng nỗ lực trong việc sản xuất khí than ở các thành thị.
Khí hoá lỏng thường gọi là “khí dầu mỏ hoá lỏng”, vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ. Một loại thuộc khí thu hồi từ các mỏ dầu, một loại thu được từ các nhà máy hoá dầu. Thành phần chủ yếu của khí hoá lỏng là butan, butylen, propan, propylen. Các chất khí này trong điều kiện thường là các hợp chất ở thể khí, qua quá trình nén ép sẽ biến thành trạng thái lỏng. Khí hoá lỏng được chứa trong các bình thép vì vậy rất tiện lợi khi chuyên chở và lưu trữ. Khi sử dụng chỉ cần mở van ở miệng bình, qua van giảm áp khí hoá lỏng sẽ biến thành hơi và thoát ra ở vòi khí giống như khi sử dụng khí than từ đường ống. Dùng khí hoá lỏng sẽ tiết kiệm được đường ống dẫn, sử dụng thuận lợi cho cả ở thành phố, thị trấn và nông thôn.
So với khí than, khí hoá lỏng có hai ưu điểm chính: Một là không độc, hai là có nhiệt lượng lớn. Nhiệt lượng khi dốt cháy khí hoá lỏng lớn hơn khí than nhiều, khi đốt với cùng thể tích khí. Trong đời sống hằng ngày, dùng khí hoá lỏng đun nước, nấu cơm nhanh hơn dùng khí than là do khí hoá lỏng có hàm nhiệt cao hơn khí than.
Ngoài ra bếp đốt khí than và khí hoá lỏng không thể dùng lẫn cho nhau. Bếp khí than không cần cửa gió. Khi khí than cháy chỉ cần không khí ở quanh ngọn lửa là đủ. Khí hoá lỏng khi cháy cho lượng nhiệt lớn nên khi cháy cần lượng không khí nhiều hơn, vì vậy bếp dùng khí hoá lỏng phải có cửa gió để không khí và khí hoá lỏng tạo thành hỗn hợp khi cháy. Khi dùng khí hoá lỏng phải đặc biệt chú ý đến an toàn của bình thép. Bình chứa đầy khí hoá lỏng không được để Mặt Trời chiếu trực tiếp, không để gần nước nóng, phải đặt ở xa các nguồn nhiệt. Vì khi bình thép bị đốt nóng, khí hoá lỏng sẽ biến thành khí, áp suất bên trong bình sẽ rất lớn dễ gây nổ vỡ bình rất nguy hiểm.
Ngoài việc sử dụng khí hoá lỏng trong đời sống hằng ngày, vì khí hoá lỏng khi cháy phát ra nhiệt lượng lớn, nên ở nhiều nhà máy người ta dùng oxy thuần khiết kết hợp với khí hoá lỏng sẽ có nhiệt độ rất cao để cắt thép tấm. Đó là phương hướng mở rộng ứng dụng của khí hoá lỏng.
Từ khoá: Khí than; Khí hoá lỏng.