Chất cấu tạo nên móng chân móng tay là chất gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum
Lỡ đụng ngón chân vào một vật cứng một cái là ta thấy đau điếng. Chắc bạn chẳng bao giờ có ý định đụng thử xem sao. Không biết có phải vì móng chân, móng tay làm cho ta đau khiếp vậy mà có nhiều dân tộc không chịu cắt móng chân móng tay?
Tuy nhiên nếu cắt, đập, dũa chính cái móng sừng ấy thì chẳng sao hết. Bởi vì cái phần móng đó chỉ là những tế bào đã chết rồi. Móng tay là một cấu trúc lớn lên từ da. Hầu hết “móng” đều được cấu tạo bằng một chất liệu mà ta gọi là sừng (keratin). Thật ra đây là một chất liệu gần như sừng, một dạng của tế bào protein đã chết, có tính dai.
Mép và chân móng dính vào da. Lớp da phía dưới móng không khác gì da ở những chỗ khác trừ điều này: da ấy có những sợi có tính đàn hồi. Chính những sợi này đã dán móng vào da để giữ cho móng được chắc.
Hầu hết các móng đều dày nhưng ở rễ móng phía dưới da thì lại rất mỏng. Phần này có màu trắng và có dạng bán nguyệt. Ta gọi phần này là tiểu nguyệt. Mỗi năm móng tay ta mọc dài ra được trên 3cm.
Các bà các cô đã tô xanh tô đỏ bộ móng của mình để biến móng thành đồ trang sức đã đành. Nhưng, với nhiều người, bộ móng cũng có nhiều vấn đề lắm. Một trong những lý do khiến bộ móng bị rối loạn là chúng đã bị tổn thương. Bệnh cháy móng, bệnh chột móng sẽ làm cho móng không mọc lên được nữa.
Móng rất dòn, cứng, dẻo là do kết quả của nhiều nguyên nhân: nhiễm độc, rối loạn hệ thống dinh dưỡng, tuần hoàn máu quá yếu và rối loạn tuyến.
Phụ nữ thường phàn nàn vì móng tay bị lột, bị gãy, mà chờ cho móng mọc dài ra thì lâu quá. Thật ra, móng tay dài dễ bị đụng. Mà đụng móng tay móng chân thì nhiều cú đau thấu trời chứ không phải đau sơ sơ đâu.