CHƯƠNG II: Ôi những lời dối trá. Những lời nói dối khốn kiếp. Và chuyện ngoại tình

Từ khóa tìm kiếm: Giải mã dục vọng – Pamela Druckerman

Từ khi bắt đầu thu thập tài liệu để viết cuốn sách này, tôi thấy rằng mình phải cho thêm vào một bảng xếp hạng tổng thể về tỉ lệ ngoại tình từ thấp đến cao của các quốc gia. Tôi cũng chẳng biết bảng xếp hạng này đã tồn tại hay tôi phải tự vẽ lên đây nhỉ. Nhưng cũng khó mà tưởng tượng ra nó sẽ như thế nào và nước Mỹ sẽ xếp hạng mấy đây nữa? Quốc gia nào sẽ có sự khác biệt để nằm đầu bảng? Tỉ lệ giữa các quốc gia có chênh lệch lớn lắm không? Thứ tự xếp hạng có liên quan đến một yếu tố lạ lùng nào không, như thời tiết chẳng hạn?

Ý niệm mơ hồ đầu tiên đến với tôi khi gặp một người đàn ông Nga tự xưng là bố của một chuyên gia tình dục học, là ở Moscow, nơi người ta không dễ dàng gì thổ lộ những bí mật tình dục của mình cho người khác. Ông tên là Igor Kon, 76 tuổi, và nhìn có vẻ giống như ông nội hay một người ban phước lành cho vị chuyên gia kia thì hợp lý hơn. Ông chỉ cao hơn 1,5m một chút, đầu tóc bạc phơ, nụ cười trìu mến, và có một thói quen rất thú vị là hay kết hợp biệt ngữ khoa học như “thủ dâm” hay “cương cứng” trong câu nói của mình. Ông viết lách nhiều đến nỗi không nhớ mình đã cho ra đời bao nhiêu quyển sách mà chỉ áng chừng vào “khoảng 50 cuốn”. Những đồng nghiệp trong Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Thế giới gần đây tôn vinh những thành quả mà ông đạt được bằng chiếc huy chương vàng.

Bốn bề xung quanh căn phòng làm việc ở nhà Kon đều phủ kín sách, giấy viết, và những tập san viết bằng 6 ngôn ngữ. Trong những chồng sách đồ sộ đó tôi tìm thấy kết quả điều tra và con số thống kê về tỉ lệ ngoại tình ở Nga và hình như còn ở một số quốc gia khác. Tôi mường tượng ra viễn cảnh ngài Kon, lúc này trông giống như thầy Yoda, cầm danh sách tổng thể mà tôi hằng mơ tưởng đó ra và phì phò nói, “Bây giờ cô hãy đi tới Slovenia và sau đó là Niger.” Nhưng có lẽ ông ta sẽ khẽ ném cho tôi một ánh nhìn trêu ngươi rồi cất nó đi mất.

Ông ta rất vui vẻ cho đến khi tôi đề cập tới số liệu thống kê về tình dục của Nga thì trở nên cau có và bảo “Chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ có sự khảo sát toàn quốc nào được tiến hành cả.” Kon cho biết chính phủ luôn là nguồn tài trợ tất yếu cho những cuộc khảo sát tốn kém của quốc gia, bao gồm một vài thắc mắc về vấn đề quan hệ ngoài hôn nhân. Nhưng chính phủ Xô-Viết hầu như nghiêm cấm các nhà xuất bản phát hành bất kì thảo luận nào liên quan đến tình dục, huống hồ gì chuyện thực hiện một cuộc khảo sát có thể làm xấu mặt cả nước Nga khi vạch trần rằng chính họ cũng bị dính líu vào bê bối ngoại tình.

Mặc dù chính quyền Xô-Viết tan rã vào năm 1991 nhưng Giáo hội Cơ Đốc vẫn không cho phép chính phủ lâm thời tài trợ cho bất cứ hoạt động nào liên quan đến tình dục. Vì vậy, một kết quả khảo sát về tình dục toàn quốc chẳng khác nào báu vật đối với Kon và đồng nghiệp của ông. Thay vào đó, họ phải mày mò trên những tài liệu hạn hẹp thu thập được, trong đó hữu hiệu nhất có lẽ là khảo sát vào năm 1996 ở St. Petersburg.

Nghiên cứu về tình dục ở Nga chẳng được lợi lộc gì. Kon chỉ kiếm được khoảng 123 USD mỗi tháng từ chức vụ nghiên cứu trưởng tại Viện Khoa học Hàn lâm Nga. Số tiền ấy chỉ vừa đủ để mua thức ăn ở Moscow. Kon và các đồng nghiệp phải làm nhiều công việc khác nhau để sống qua ngày. Ngoài ra, công việc nghiên cứu về tình dục này cũng tiềm tàng nhiều hiểm nguy. Những người chống đối từng phá hoại cửa nhà của Kon. Ông còn cho tôi xem một cuốn sách bìa mềm dày 74 trang được thực hiện bởi một nhóm giảng sư Nga, trong đó họ lên án ông là “hiểm họa của xã hội và liên bang Nga”, đồng thời buộc tội ông ủng hộ cho chuyện quan hệ tình dục với trẻ con (đương nhiên là ông không hề làm thế bao giờ). Vào năm 2001, khi ông đang giảng bài ở Đại học Moscow, một nhóm lưu manh khoảng 20 tên đứng bên ngoài căng băng-rôn “cáo buộc” ông là dân đồng tính và ném cả bánh kem vào mặt ông nữa. Cũng may là Kon chưa bị đe dọa đặt bom trong nhà mình. Nếu như họ thật sự muốn làm thì đã không cần cảnh báo vậy rồi. Kon bảo “Giết người khi ấy không phải là một vấn đề lớn. Họ mà muốn giết tôi thì dễ như trở bàn tay.”

***

VIỆC NGHIÊN CỨU VỀ TÌNH DỤC Ở BẤT KỲ NƠI NÀO hẳn nhiên không dành cho những kẻ nhút nhát. Nhớ lại lúc tôi phỏng vấn Alain Giami, giám đốc nghiên cứu của Học viện Sức khỏe và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp, ông đã cắt ngang lời tôi và trở nên cực kì kích động đến mức làm tôi có cảm giác rằng ông ta sắp sửa chồm khỏi ghế vậy.

Vấn đề đụng chạm ông ta ở đây chỉ vì tôi dùng cụm từ “ngoại tình”.

“Ý cô nói ‘ngoại tình’ là sao? Tôi chẳng biết ‘ngoại tình’ là gì cả,” ông ta hét toáng lên. “Tôi không quan tâm đến vấn đề này nên sẽ không dùng cụm từ đó. Nó ảnh hưởng đến giá trị tôn giáo. Dùng từ ‘ngoại tình’ là đã tạo nên một giá trị tiêu cực. Điều đó hàm ý cô không chung thủy và là một kẻ dối trá.”

Tôi đã lâm vào cuộc chiến ngôn từ để xem những nhà khoa học xã hội nên gọi vấn đề vụng trộm này là gì. Khi viết về vấn đề này trong những tập san chuyên đề và các ấn phẩm giáo dục, họ thường cố gắng tỏ thái độ trung lập về phương diện đạo đức. Nhưng Giami thậm chí không thoải mái với những ngôn từ hàm ý việc người được phỏng vấn đã kết hôn chưa, hay có thích quan hệ tình dục với nhiều người không hay mối quan hệ vụng trộm có quan trọng hơn hôn nhân chính thức hay không. Ông ta yêu cầu dùng một cụm từ mà theo tôi nó nghe giống như tính toán hơn là chuyện tình dục: “Chúng tôi gọi đó là nhiều mối quan hệ song song cùng lúc”.

Các học giả có vẻ rất hứng thú trong việc đặt ra các tên gọi hấp dẫn mới mẻ. Nếu tôi có lăng nhăng thì sẽ nói với chồng mình là tôi chỉ tham gia vào “mạng lưới tình dục”, cụm từ này được các nhà nghiên cứu ở Nigeria sử dụng (trong đó các nữ nhân tình gọi tắt là SGFs, “steady girlfriends”, hay “bạn gái lâu dài”). Vào những năm 80, các học giả Mỹ thử tạo ra từ viết tắt EMC cho cụm từ “extramarital coitis” hay “giao cấu ngoài hôn nhân” nhưng không tồn tại lâu lắm vì nghe giống như một chứng bệnh y học. Không có học giả nào dùng từ “thông dâm” vì nghe có vẻ giống như một giọng nói tưởng tượng vang vọng xuống từ trên không trung “Mi đừng bao giờ thừa nhận.”

Nhưng những gì mà tất cả các cách biểu hiện này đề cập đến lại là một vấn đề khác. Một số khảo sát chỉ hỏi về chuyện “quan hệ tình dục” với người khác ngoài bạn đời của người được hỏi và mặc cho người trả lời quyết địnhý nghĩa của câu hỏi này. Một số khác cố gắng biểu đạt nó ở dạng một câu hỏi lạc quan như “Năm ngoái bạn có chung thủy một vợ một chồng không?” Trong một số trường hợp, tôi ước gì các câu hỏi ấy có thể mơ hồ hơn một chút. Vì khi nghĩ đến cách khảo sát vào năm 1990 ở Mỹ làm tôi cũng thấy đỏ mặt, họ tiến hành “gọi số điện thoại bất kì” và hỏi người nghe máy rằng, “Suốt năm vừa rồi bạn đã quan hệ tình dục trực tiếp và qua đường miệng với bao nhiêu người?”

Một số câu hỏi khác lại tác động đến tâm trạng. Một khảo sát vào năm 1992 ở Mỹ định nghĩa tình dục là “hành động tự nguyện từ hai phía, trong đó có tiếp xúc sinh dục và tạo hứng thú hoặc sự kích thích gợi dục gây nên trạng thái hưng phấn tột độ, cho dù không xảy ra hành động giao cấu hay không đạt được khoái cảm.” Đọc đến đây cũng đã đủ làm ta mường tượng đến việc lăng nhăng rồi.

Một số khảo sát rõ ràng chỉ mang tính chất tiêu khiển và không màng che giấu tính thiên kiến của chúng. Trong một bài báo điều tra dư luận ở Nam Phi, họ chia ra hai loại: đàn ông ngoại tình và đàn ông ngoại tình “trong lúc say xỉn.” Một bài thăm dò ý kiến ở Pháp lại chỉ đề cập đến “Phụ nữ ngoại tình để tiêu khiển,” trong đó họ được chọn 1 trong 3 loại tình nhân (lựa chọn được đánh nhiều nhất là “đàn ông cực kì vui tính, không cần phải đẹp mã hay thông minh”). Hầu hết sau khi cân nhắc, có một ô thứ tư cho phụ nữ nói rằng “tôi không lăng nhăng”.

Cuộc khảo sát về Sức khỏe và Cuộc sống gia đình vào năm 2000 ở Trung Quốc thì có một câu hỏi rằng “Trong xã hội ngày nay, một số người đã kết hôn có quan hệ tình dục với người khác ngoài bạn đời của mình (quan hệ ngoài hôn nhân, quan hệ với kẻ thứ ba). Bạn nghĩ rằng nên xét xử từng trường hợp hay tất cả bọn họ đều phải bị trừng phạt?”

Tại một đất nước như Trung Quốc, nghiên cứu về tình dục chỉ bắt đầu được tiến hành từ những năm 80 vì nghĩ đến việc phải ngồi đối diện với một người lạ và hé lộ ra chi tiết về đời sống tình dục của mình thì ai cũng mất hết cả nhuệ khí rồi. Vào giữa những năm 90, một học giả Trung Quốc tìm ra một sự thật trong thập kỉ trước là những đối tượng khảo sát đều cho rằng những người phỏng vấn nữ là “đàn bà hư hỏng”, còn những người phỏng vấn khác hỏi về chuyện tình dục vì chính bản thân họ đang tưởng tượng về hành động ấy. Học giả này còn cho biết khi hỏi đến các vấn đề tình dục thì “hầu hết phụ nữ đều cảm thấy buồn nôn.”

Những vấn đề này không giúp ích được nhiều cho biểu đồ ngoại tình của tôi. Làm sao tôi có thể so sánh chuyện ngoại tình ở các quốc gia khác nhau nếu như họ không thống kê cùng một thứ cơ chứ? Một số khảo sát hỏi về chuyện người ta ngoại tình trong hôn nhân hay cả trong quá trình đang ăn ở như vợ chồng với một người khác. Số khác thì chỉ khảo sát chuyện xảy ra trong vòng một năm trước đó vì cho rằng người ta sẽ nhớ những việc ngắn hạn tốt hơn. Một số bài trưng cầu ý kiến chỉ tập trung vào việc người ta có quan hệ tình dục hay không mà lại không đề cập đến hàng ngàn người khác chỉ quan hệ bằng miệng, hay trao nhau những nụ hôn nồng cháy trong bãi gửi xe. Chẳng phải những trường hợp đó cũng được tính là ngoại tình sao?