CHƯƠNG II: Ôi những lời dối trá. Những lời nói dối khốn kiếp. Và chuyện ngoại tình

Những nhà nghiên cứu luôn làm mọi cách để thuyết phục đối tượng của mình khai ra sự thật. Họ sẽ hỏi cùng một câu hỏi bằng nhiều cách hoặc trong những thời điểm khác nhau trong cuộc phỏng vấn để xem những câu trả lời có nhất quán hay không. Một số người viết những câu hỏi nhạy cảm vào máy tính cá nhân và để cho đối tượng phỏng vấn tự điền vào câu trả lời, bằng cách này họ sẽ không phải “trực tiếp thú nhận” với người phỏng vấn. Trong một nghiên cứu vào giữa những năm 90, những người phỏng vấn thường yêu cầu bạn đời của đối tượng phỏng vấn lấy giúp mình cốc nước nhằm đẩy họ ra khỏi tầm nghe ngóng rồi lợi dụng thời cơ đó để hỏi hàng loạt các câu hỏi về tình dục.

Trong một cuộc khảo sát ở Trung Quốc vào năm 2000, các nhà nghiên cứu đã mời đối tượng phỏng vấn ra khỏi nhà, nhưng cách sắp xếp của họ lại gợi lên sự tò mò như đang dụ dỗ vậy: “Theo một quy luật nhất định, chúng tôi mời đối tượng phỏng vấn đến khách sạn được sắp đặt trước, và gặp người phỏng vấn cùng phái trong phòng kín để trao đổi trực tiếp; trong quá trình này, người phỏng vấn sẽ dùng mọi cách để làm đối tượng của mình cung cấp những câu trả lời trung thực nhất.” Vào những năm 90 ở Mỹ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Chicago tìm hiểu các đối tượng trước khi phỏng vấn và rút ra kết luận là người Mỹ thuộc mọi lứa tuổi và chủng tộc sẽ cảm thấy thoải mái nhất khi trao đổi về vấn đề tình dục với những phụ nữ da trắng trung niên. Vì vậy họ bèn thuê một trung đội các phụ nữ theo tiêu chuẩn đó và huấn luyện để họ không nao núng khi các đối tượng phỏng vấn dùng “tiếng lóng” hoặc miêu tả chi tiết về những trải nghiệm tình dục của mình.

Dĩ nhiên, ngay cả những cuộc điều tra dư luận hoàn hảo nhất cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu như người đi thăm dò ý kiến không nhắm đến những đối tượng phỏng vấn phù hợp. Theo Thống kê 101: Mọi người trong nhóm đối tượng nghiên cứu phải được hoặc ít nhất là có cơ hội được chọn lựa. Theo cách này, thường được gọi là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, chúng ta sẽ phải lập nên một danh sách các đối tượng phù hợp sau đó chọn lựa ngẫu nhiên vô điều kiện hoặc tùy theo độ tuổi, giới tính để phỏng vấn. Nếu như bạn làm vậy với những người bộ hành ngẫu nhiên trên đường phố Paris thì kết quả sẽ không chắc chắn phản ánh điều gì về người dân ở đấy cả. Những người thường đi trên con đường đó sẽ có nhiều khả năng được mời phỏng vấn hơn số dân còn lại trong thành phố, và họ có thể có những cách cảm nhận và thói quen khác với người dân xung quanh mình. Một mẫu được chọn lựa ngẫu nhiên trong trường hợp này là một người dân Paris bất kì, người này sẽ là đại diện cho toàn thể nhân dân Paris vì mọi người dân ở đây đều có khả năng được mời phỏng vấn.

Cũng tương tự như trên nếu những đối tượng nghiên cứu tự nguyện chấp nhận phỏng vấn. Một ví dụ điển hình có thể kể đến là Cuộc Khảo sát Tình dục Toàn cầu vào năm 2005 thực hiện bởi công ty Durex ở Anh chuyên sản xuất bao cao su. Durex dùng khảo sát này để cho ra một danh sách tổng hợp về ngoại tình mà tôi luôn mơ ước. Công ty này đã xếp hạng được tỉ lệ lăng nhăng của 41 quốc gia, cao nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (58% người dân thú nhận mình đã vụng trộm) đến thấp nhất là Israel (7%).

Durex cho biết kết quả này dựa trên sự khảo sát của 317.000 người. Nhưng tất cả bọn họ đều tự nguyện vào trang web của Durex rồi điền thông tin vào bảng khảo sát trực tuyến. Một số người dân Thổ Nhĩ Kỳ nhiệt tình có thể tự vào lại hàng trăm lần. Vì vậy, khảo sát này chỉ đem lại một thông tin chính xác nhất là những người tham gia đa phần là thanh thiếu niên; lý do là trong một câu hỏi thì một phần ba trong số họ đã trả lời rằng rất thích lén vào phòng ngủ của bố mẹ để làm tình.

Những nghiên cứu hàn lâm về chuyện ngoại tình cũng gặp trở ngại tương tự vì những người nghiên cứu không được tài trợ để thực hiện những khảo sát có quy mô lớn. Vào năm 1992, Shirley Glass (mẹ của Ira Glass – Phát thanh viên đảm nhiệm chương trình ra-đi-ô công cộng) – một nhà tâm lý học uy tín – đã phải dùng đến phương thức đưa thư tay các mẫu khảo sát cho những người da trắng tại Sân bay Quốc tế Baltimore ở Washington và trong giờ ăn trưa vội vã ở bãi đậu xe văn phòng của Baltimore để thực hiện cuộc điều tra vì sao người ta lại vụng trộm. Kết quả thu được này có thể phản ánh vài điều về những con người đó, bất kể họ là ai, nhưng chúng không thể dùng để đưa ra lời nhận xét khái quát cho tất cả những người khác được. (Những phụ nữ tiêu biểu được phỏng vấn cố hết sức biện minh cho việc ngoại tình là do họ đã đem lòng yêu tình nhân của mình, trong khi hầu hết các đấng ông chồng đơn giản thanh minh rằng “hứng thú tình dục” là nguyên nhân vụng trộm. Ngoài ra chẳng còn minh chứng nào chỉ ra rạch ròi lý do ngoại tình của họ cả.)

Đến khi được biết đến Dự án Miêu tả Tình dục Toàn cầu, trong đó họ phỏng vấn người dân của 65 quốc gia, tôi thật sự cảm thấy hào hứng. Tạp chí Psychology Today trích dẫn lại những khám phá về xu hướng “cuỗm người tình” trên toàn cầu. Nhưng theo thực tế những người quản lý nghiên cứu này xác nhận lại thì đa số đối tượng phỏng vấn lại được chọn lọc ra từ những sinh viên đại học. Nhiều nơi có quá ít người chịu làm khảo sát đến nỗi các nhà nghiên cứu phải nhóm các nước Châu Phi lại thành một, và sau đó là phải nhóm đến cả các nước Nam Mỹ lại với nhau.

Khi các học giả muốn chứng minh tầm quan trọng của việc nghiên cứu về vấn đề ngoại tình, họ thường trích dẫn từ bài báo tên “Những nguyên nhân gây tan vỡ hôn nhân: Nghiên cứu giao thoa văn hóa,” trong đó nhà nhân loại học Laura Betzig đã chỉ ra rằng ngoại tình là nguyên do chủ yếu dẫn đến việc ly dị ở 186 nền văn hóa khác nhau. Rốt cuộc khi tôi đọc qua bài báo này thì thật sự nó không đủ cơ sở để phản ánh lối sinh hoạt của người dân sống trong các nước công nghiệp ngày nay. Những nền văn hóa mà Betzig miêu tả hầu hết thuộc các nhóm bản địa như Bella Coola, Yurok, và Posmo sống ở Bắc Mỹ; hơn nữa, bà chỉ dựa vào những thống kê hẹn hò ở thế kỷ 19 thôi.

***

ĐIỀU AN ỦI cho tôi trên hành trình tìm các số liệu thống kê là tôi đã biết được các con số của nước Mỹ: Một nửa đàn ông và một phần tư phụ nữ đã từng lừa dối bạn đời của mình. Khi bắt đầu tìm hiểu, tôi cũng không rõ những con số này ở đâu ra nhưng tôi nghe thiên hạ bàn tán quá nhiều nên có vẻ như nó là sự thật.

Đến khi bắt đầu đào xới các số liệu khoa học về vấn đề quan hệ ngoài hôn nhân, thì các con số này cũng xuất hiện rất nhiều. Nguồn này tôi lấy từ Alfred Kinsey ở Đại học Indiana, ông từng là nhà động vật học chuyển sang thành nhà tình dục học và đã cho xuất bản nghiên cứu nổi tiếng về tình dục ở Mỹ vào năm 1948 và 1953. Những kết quả thực tế của Kinsey lại còn chính xác hơn những gì thường được trích dẫn: 50% đàn ông và 26% phụ nữ đã từng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân ở độ tuổi 40.

Cả nước Mỹ thực sự bị sốc khi Kinsey công bố những con số này. Mặc dù thật khó tưởng tượng được có nhiều người lăng nhăng quanh mình đến mức như vậy, nhưng đây là những thống kê đầu tiên về vấn đề này nên cũng chẳng có cái gì khác để đối chiếu. Bởi thế, những số liệu này bám chặt vào trí tưởng tượng chung của dân Mỹ và hình thành một ý niệm bất di bất dịch rằng ngoại tình là thảm họa quốc gia. Nhìn lại phần nghiên cứu của mình tôi thấy nhiều chuyên gia vẫn trích dẫn lại số liệu này.

Vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra những số liệu của Kinsey rất có vấn đề. Mặc dù phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên là tiêu chuẩn hàng đầu vào những năm 30 nhưng nghiên cứu về tình dục vẫn còn quá mới mẻ nên lúc đó Kinsey cho rằng những đối tượng Mỹ được lựa chọn ngẫu nhiên sẽ không sẵn lòng thảo luận về đời sống tình dục của họ. Thay vào đó, ông cùng đội ngũ của mình đi vòng quanh nước Mỹ và thuyết phục những người họ gặp mặt chấp nhận ngồi xuống để kể lại những trường hợp trong quá khứ họ đã trải qua. Hầu hết dữ liệu Kinsey thu thập được đều lấy từ khoảng 18.000 người, đa số họ đều là người da trắng và trẻ tuổi. Nhằm bù đắp cho “sự thiên vị của tình nguyện viên” của mình, Kinsey đã phỏng vấn tất cả những người thuộc các nhóm phân loại. Nhưng xét cho cùng, các phân loại đó cũng do tự Kinsey đặt ra thôi. Vì thế, chẳng có lý do nào để tin tưởng rằng các đối tượng phỏng vấn của Kinsey có thể đại diện cho toàn thể dân Mỹ mà chỉ có thể cho chính họ thôi. Vào đầu những năm 50, một thành viên trong nhóm phê bình của Hiệp hội Thống kê Hoa Kỳ từng bảo Kinsey rằng: “Tôi sẽ trao đổi 18.000 bệnh sử đó bằng 400 mẫu xác suất thống kê.”

Vào những thập kỉ sau đó, nhiều khảo sát không rõ ràng vẫn củng cố thêm cho những số liệu của Kinsey hoặc còn “tìm ra” thêm tỉ lệ ngoại tình cao hơn thế nữa. Các cuốn tạp chí khảo sát độc giả của họ và cho ra những con số thái quá (Tạp chí Cosmopolitan xác nhận rằng có 69% phụ nữ có gia đình tuổi ngoài 35 đã vụng trộm). Vào những năm 70, các nhà tình dục học tự xưng như Shere Hite đưa ra cả đống khảo sát cho phụ nữ trong các nhóm chính trị và đăng quảng cáo trên các tạp chí phụ nữ. Những kết quả của họ rất buồn cười và được đăng tải trên nhiều báo, nhưng cũng rất mơ hồ. Hite cho rằng có 72% đàn ông ngoại tình, rồi trong cuộc khảo sát sau đó bà lại tuyên bố có 70% phụ nữ kết hôn sau 5 năm trở lên đã vụng trộm.