CHƯƠNG II: Ôi những lời dối trá. Những lời nói dối khốn kiếp. Và chuyện ngoại tình

Nhưng các khảo sát này là tất cả những gì mọi người biết đến. Khi các nhà khoa học phát hiện ra vi-rút HIV vào năm 1984, họ phải dùng thống kê của Kinsey để ước định các đường lây nhiễm của vi-rút qua con người, trong đó nguy cơ cao nhất là ngoại tình và quan hệ tình dục qua hậu môn; những điều này được Julia Ericksen viết trong cuốn Hôn rồi nói (Kiss and Tell) của bà.

Các nhà nghiên cứu cần thêm những dữ liệu mới, nhưng chính phủ Hoa Kỳ cũng có vẻ lưỡng lự khi bàn luận về tình dục giống như chính phủ Xô-viết. Khi nghị viện chính phủ Hoa Kì yêu cầu các đề án thiết kế một khảo sát tình dục vào năm 1987, họ đã đặt cho dự án này một cái tên rất hoa mỹ là Những khía cạnh mang tính xã hội và hành vi của Khả năng sinh sản Liên quan tới các Tư cách đạo đức. Không có từ “tình dục” nào được nhắc đến trong các đề án. Sau đó, một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học ở Trung Tâm Nghiên cứu Quan điểm Quốc gia tại Chicago đã giành được đề án này. Nhưng mặc dù đã duyệt chi phí cho nghiên cứu, những quan chức bảo thủ thuộc đảng Cộng Hòa trong Quốc hội lại cố gắng ngăn cản. Thượng nghị sĩ Jesse Helms của Bắc Carolina và những người khác miêu tả cuộc khảo sát như một âm mưu hợp thức hóa những mối quan hệ đồng tính, họ bắt các nhà nghiên cứu loại bỏ các câu hỏi về chuyện thủ dâm và không chất vấn những người tự nhận mình chung thủy một vợ một chồng. Nhưng những sự nhượng bộ này cũng không thấm vào đâu. Đến năm 1992 thì nguồn tài trợ cho khảo sát chính thức bị đình chỉ.

***

NGAY VÀO LÚC tôi bắt đầu cảm thấy chán nản trong việc tự lập cho mình bảng xếp hạng tỉ lệ về ngoại tình thì lại được biết về Phần Lan. Phần Lan được xếp hạng đầu trong các nghiên cứu tình dục ở Châu Âu. Người Thụy Điển đi đầu trong việc làm khảo sát tình dục quốc gia bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên vào năm 1967 nhưng người Phần Lan làm theo vào năm 1970 và luôn theo dõi về khả năng xuất tinh, rối loạn cương dương và quan hệ ngoài hôn nhân của dân chúng cho đến ngày nay.

Họ là những nhà cải cách trong lĩnh vực này. Để thực hiện khảo sát vào năm 1970, các nhà nghiên cứu Phần Lan phái những cô y tá mặc đồng phục đến gõ cửa từng nhà để phỏng vấn và 91% trong số đó chấp nhận trả lời. Osmo Kontula, người lãnh đạo công cuộc khảo sát quốc tế của Phần Lan vào năm 1992 và 1999 cho biết, “Một khi thấy y tá đến bấm chuông thì người ta khó có thể đuổi đi.”

Có rất nhiều vấn đề về tình dục có thể nghiên cứu. Một cuộc trưng cầu ý kiến vào năm 1999 cho thấy 41% đàn ông Phần Lan và 1/3 phụ nữ cho biết họ có “mối quan hệ song song” trong đời mình. Vào năm 1992, tỉ lệ này của đàn ông là 52, còn của phụ nữ là 29. Mặc dù tôi không ý thức về bối cảnh toàn cầu lắm, nhưng những con số này làm tôi hơi choáng vì con người ngoại tình quá nhiều.

Kontula cho biết, người Phần Lan không nói nước đôi về tình dục vì học cách nhìn nhận nó như một kinh nghiệm tích cực. Không giống như các nơi còn lại ở vùng Scandinavia, truyền thông của Phần Lan không chú trọng đến những hiểm họa phát sinh từ tình dục như bệnh tật hay mang thai ngoài ý muốn. Hơn nữa, người Phần Lan đi du lịch rất nhiều, điều này cũng góp phần tạo cơ hội cho họ ngoại tình. Tôi thật sự choáng khi đọc được những hồi ký tình dục mà Kontula và các đồng sự thu thập được. Trong đó, không như người Mỹ, người Phần Lan lại không cho rằng khi con người ở với nhau càng lâu thì tình dục chắc hẳn sẽ dần trở nên nhàm chán, ngược lại, hầu hết đều nghĩ rằng nó sẽ càng mặn nồng hơn.

Hiện nay, Kontula đang công tác trong Học viện Nghiên cứu Dân số ở Helsinki, ông cho biết, “Dĩ nhiên con người lúc nào cũng thiên về chiều hướng chung thủy với bạn đời của mình. Nhưng khi có cơ hội và cảm thấy rằng sẽ không có ai phát hiện ra thì họ khó có thể cưỡng lại được sự cám dỗ này. Những trải nghiệm này luôn được đánh giá theo chiều hướng tích cực và mang giá trị nhất định.”

Trong hồi ký ghi lại một đêm đi giải khuây cùng đồng nghiệp của một viên cảnh sát đã lập gia đình cùng 3 con nhỏ: “Sau khi xông hơi và ngồi tán gẫu, chúng tôi cùng nhau vào chơi ở một quán bar địa phương, hòa mình vào tiếng nhạc và hơi men… Ở đó tôi để ý đến một cô y tá ngồi cạnh mình. Rõ ràng cô lớn tuổi hơn tôi và tôi biết cô ấy vừa ly dị. Tôi mời cô ấy nhảy một bản rồi ghì chặt cô ấy vào mình đầy thèm muốn. Thật ra cô ấy không đẹp lắm, không bằng vợ tôi nữa, nhưng có gì đó ở cô ấy làm dục vọng trong tôi chợt dâng trào. Sau đó tôi cứ lải nhải yêu cầu cô ấy pha cho mình một ấm cà phê…”

Chắc chắn phải có gì đó ẩn chứa trong phần lạnh lẽo này của thế giới. Tôi đã lần mò tìm ra một nghiên cứu vào năm 1996 ở St. Petersburg, phải mất 5 tiếng đồng hồ đi tàu hỏa từ Helsinki để đến được đó. St. Petersburg không thể đại diện hết cho toàn nước Nga, nhưng kết quả nghiên cứu ở đây lại cho thấy rằng những thống kê toàn quốc của Nga có thể rất ghê gớm. Khoảng 55% đàn ông và 26% phụ nữ thừa nhận rằng họ có “quan hệ tình dục ngoài hôn nhân” song song với cuộc sống gia đình của mình.

Rốt cuộc cũng đến lượt nước Mỹ thực hiện một cuộc khảo sát toàn quốc thật sự. Vào năm 1998, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Quan điểm Quốc gia đã thêm vào câu hỏi về số lượng nhân tình trong năm qua vào Khảo sát Toàn diện Xã hội, đây là một cuộc khảo sát có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể các hộ dân ở Mỹ mà họ vẫn tổ chức một hay hai năm một lần từ 1972 đến nay. Đến năm 1991 thì họ bắt đầu đưa vào câu hỏi về chuyện người dân có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hay không.

Những kết quả thu được nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì Kinsey hay những nhà nghiên cứu tiếp bước ông từng tưởng tượng ra. Vào năm 1991, chỉ có 21% đàn ông và 10% phụ nữ Mỹ cho biết có quan hệ tình dục với người không phải bạn đời của mình. Con số có tăng lên trong một vài cuộc trưng cầu ý kiến sau đó nhưng không đến nỗi cao như số liệu của Kinsey. Đến năm 2004, 21% đàn ông và 12% phụ nữ – tổng cộng lại chỉ chiếm 16% số người trưởng thành Mỹ – thừa nhận rằng mình có sa ngã ít nhất một lần. Trung bình tính ra, trong một cuộc hôn nhân kéo dài 40 năm người ta sẽ lỡ lầm một lần.

Khi hỏi rằng người ta có nhân tình hay không trong một năm trở về đây cũng có thể tính luôn khoảng thời gian trước khi họ kết hôn. Nhưng tôi muốn biết về thống kê tỉ lệ ngoại tình “trong cả cuộc đời” hơn vì trong chuyện chăn gối, kí ức sẽ phai mờ, còn hôn nhân thì đến rồi lại đi. Theo tôi nghĩ, dĩ nhiên nhắc về chuyện lăng nhăng hai mươi năm trước thì ai mà nhớ nổi, còn người bồ mới quen năm ngoái thì chắc chắn phải còn nằm trong tâm trí rồi.

Nếu tính theo chu kì một năm như vậy thì dân Mỹ có vẻ thật tiết hạnh. Vào năm 1991, chỉ có 5,4% đàn ông và 3,4% phụ nữ có gia đình cho biết trong một năm vừa qua họ có nhân tình. Đến năm 2004, tỉ lệ này chỉ còn 4% đàn ông và 3% phụ nữ. Điều này rõ ràng cho thấy người Mỹ không phải là thứ dân ham ngoại tình với những mối quan hệ tình dục bí ẩn. Thực tế, chúng tôi chỉ là loại người chung thủy theo chế độ một vợ chồng.

Tuy vậy cũng chẳng có cách nào chứng minh được những con số này phản ánh thực tế cách sống của dân Mỹ. Nhưng các nhà khảo sát cũng được khích lệ khi thấy số liệu về tỉ lệ ngoại tình trong Khảo sát Toàn diện Xã hội phù hợp với hầu hết với các thống kê trong Khảo sát Sức khỏe và Cuộc sống Xã hội trên toàn quốc, cuộc khảo sát về tình dục trên toàn quốc này được thực hiện vào năm 1994 bởi một nhóm nghiên cứu của Đại học Chicago với nguồn tài trợ tự huy động.

Ngay sau đó, các nhà xã hội học khác bắt tay vào phân tích ngay dữ liệu thô lấy từ những cuộc khảo sát toàn quốc này. Đây là lần đầu tiên họ khảo sát dựa trên số liệu thực tế về những đối tượng và thời điểm ngoại tình. Một nhóm nghiên cứu khẳng định rằng phụ nữ thường có xu hướng lạc lối trong độ tuổi hai mươi, còn đàn ông thì trong độ tuổi 30. Đến tuổi trung niên thì có sự khác biệt rõ ràng. Một phụ nữ vào thời điểm năm ngoái có thể còn có khả năng ngoại tình, nhưng qua năm nay, khi bà ta 50 tuổi thì điều này chắc chắn không còn xảy ra nữa.

Năm trước, tỉ lệ ngoại tình của đàn ông ổn định ở mức hơn 3% trong độ tuổi 40 và 50, nhưng bắt đầu giảm khi bước vào độ tuổi 60. Tuy nhiên, ngay khi bạn nghĩ những lão già ấy chịu neo mình lại thì họ lại bắt đầu trỗi dậy. Khoảng 3% đàn ông có gia đình ở độ tuổi 70 cho biết họ có nhân tình trong năm rồi. Điều này có vẻ giống như một trường hợp kinh điển: Sau độ tuổi 65, cứ 3 người đàn ông sẽ có 4 người phụ nữ, và khoảng cách giữa hai giới ngày càng xa hơn khi người ta già đi.

Nhưng tất cả những người lớn sung sức của mọi sắc tộc cộng lại cũng không thể bằng với những người Mỹ gốc Phi. Vào khoảng thời gian từ 1988 đến 2004, 7,4% người da đen và 3,1% người da trắng đã kết hôn cho biết họ đã từng quan hệ ngoài giá thú với ít nhất với một người trong năm qua. Còn trong một cuộc khảo sát vào năm 1994, 12% đàn ông da đen bảo họ đã ngoại tình trong một năm qua, trong khi tỉ lệ ở đàn ông da trắng là 3%. Về phụ nữ, tỉ lệ phụ nữ da đen là 7%, còn da trắng chỉ hơn 1%.