CHƯƠNG II: Ôi những lời dối trá. Những lời nói dối khốn kiếp. Và chuyện ngoại tình
Mặc dù vậy, không có dữ liệu xác đáng nào cho thấy việc ngoại tình thường dẫn đến li dị nhưng cũng chẳng lạ lùng gì khi chúng ta nhận thấy được sự liên quan chặt chẽ giữa chúng. Cuộc Khảo sát Toàn diện Xã hội từ năm 1991 đến 2004 cho thấy 10,5% người dân đã từng kết hôn và 11% những người góa chồng/vợ bảo họ từng ngoại tình. Tuy nhiên, lại có 31% những người đã li dị và 22% những người đã tái hôn cho biết họ từng lừa dối bạn đời của mình. Còn những người bảo mình đang “ly thân” chính là thành phần lăng nhăng nhất: 40% trong số họ thừa nhận mình đã quan hệ ngoài giá thú.
Địa điểm cũng là một yếu tố cần quan tâm. Theo Khảo sát Toàn diện Xã hội, người dân ở 12 thành phố lớn nhất của Mỹ có tỉ lệ ngoại tình lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ 1988 đến 2004. Khoảng 6% người dân ở thành phố lớn từng vụng trộm trong năm qua, tỉ lệ dân ngoại thành là 3%, còn người dân nông thôn chỉ có 2,6%.
Nhưng giới thượng lưu ở thành thị không phải là đối tượng ngoại tình chủ yếu. Theo những thống kê mới nhất, những người Mỹ thuộc tầng lớp thấp lại chiếm tỉ lệ vụng trộm chênh lệch hơn nhiều. Những hộ dân có thu nhập hằng năm dưới 10.000 USD có tỉ lệ ngoại tình gấp đôi so với những hộ có thu nhập trên 60.000 USD. Tương tự như vậy, những người chưa từng tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm tỉ lệ ngoại tình cao nhất (5,2%), sau đó đến những người đã tốt nghiệp trung cấp (3,4%) và những người tốt nghiệp cao đẳng (3,6%). Những người có bằng cử nhân thì con số này là 2,5%, còn những người tốt nghiệp đại học chiếm 3%, đây là đối tượng chung thủy nhất trong năm qua. Mặc dù vậy, tỉ lệ ngoại tình trong cả cuộc đời thì đều như nhau, không phân biệt trình độ học vấn.
Những thống kê về phụ nữ trong phạm trù này luôn được quan tâm nhất. Những biên tập viên của tạp chí luôn thích thú chuyện vụng trộm của các bà. Tôi đã từng thấy các phiên bản của “phụ nữ ngày càng ngoại tình nhiều hơn” ở Nhật, Nga, Brazil và Pháp; dĩ nhiên nó cũng sẽ tồn tại ở các quốc gia khác. Một phiên bản ở Mỹ là câu chuyện trên trang bìa của tờ Newsweek vào ngày 12/7/2005 với cái tựa rất kêu “Thâm cung bí sử của các phu nhân.” Câu chuyện đề cập đến việc các bà ngày nay đang xâm chiếm những lĩnh vực mà trước đây thuộc về các đức ông chồng. Tờ Newsweek giải thích việc này rằng: thời nay, các bà có nhiều cơ hội để gặp gỡ những đối tượng có thể trở thành tình nhân của họ ở nơi làm việc, và hơn nữa, họ đủ can đảm lao vào một cuộc phiêu lưu tình ái vì có nguồn thu nhập riêng của bản thân để tự lo cho mình một khi hôn nhân đổ vỡ. Người viết còn đề cập đến những người phụ nữ thích chơi bời tiêu khiển, thường là với huấn luyện viên cá nhân và những người giúp việc khác; điều mà trước đây chỉ có đàn ông thích làm. Họ còn trích dẫn những thống kê từ các khảo sát tình dục mới, qua đó, chúng ta được biết từ năm 1991 đến 2002, tỉ lệ không chung thủy của các bà đã nâng từ 10% lên 15%. Trong cùng khoảng thời gian đó, cấp độ ngoại tình của các ông có mức độ tăng trưởng thấp hơn nhiều, từ 21% lên 22% và chỉ bắt đầu tăng từ năm 1996.
Khi quan sát kĩ lại những con số thông kê của Mỹ, tôi thấy rằng “xu hướng” này ở Mỹ có vẻ không khác biệt đến vậy. Từ bốn cuộc khảo sát toàn quốc được thực hiện từ 1991 đến 1996, dựa vào đàn ông và phụ nữ dưới 40 tuổi có tỉ lệ ngoại tình ngang nhau, dựa vào một nghiên cứu chính thức có tên “Hiểu về ngoại tình: dựa theo sự tương quan với Mẫu thử nghiệm Ngẫu nhiên Toàn quốc.” Vào cuộc khảo sát năm 1992 ở Mỹ, phụ nữ từ 18 đến 29 tuổi có tỉ lệ ngoại tình cao hơn đàn ông cùng độ tuổi.
Ngay sau khi câu chuyện trên Newsweek được đăng tải thì những số liệu thống kê về ngoại tình của năm 2004 cũng được công bố. Kết quả cho thấy tỉ lệ ngoại tình cả đời đã giảm vào năm 2004, chỉ còn 11,7% so với 12,8% vào năm 1993. Còn tỉ lệ ngoại tình một năm về trước của năm 2004 thì tương đương với năm 1988 (3,1% so với 2,8%). Nói cách khác, không có minh chứng nào cho thấy tỉ lệ ngoại tình của phụ nữ đã nhảy vọt từ những năm 90. Tom W. Smith, giám đốc của cuộc Khảo sát Toàn diện Xã hội phát biểu, “Những khác biệt giữa các con số thống kê không đủ để ta có thể nhận định rằng tỉ lệ này đã tăng lên.”
Cũng chẳng có những bằng chứng rõ ràng nào cho thấy rằng các bà đã ngoại tình nhiều hơn trước. Tôi chờ đợi những thay đổi lớn trong cách ứng xử của các bà khi nói về ngoại tình, chẳng hạn như chuyện họ biện minh cho sai phạm của mình. Nhưng từ năm 1991 đến 2001, khoảng thời gian các bà có xu hướng thoát khỏi sự kìm kẹp của hôn nhân một vợ một chồng, thì người dân Mỹ lại càng phản ứng mạnh mẽ hơn với chuyện ngoại tình.
Cũng khó biết được rằng liệu phụ nữ đi làm sẽ có nhiều điều kiện để ngoại tình hơn như tờ Newsweek khẳng định hay không. Tỉ lệ các bà ngoại tình tăng vọt vào những năm 70 và 80. Nhưng nên nhớ rằng, những thống kê về tình dục đáng tin cậy chỉ xuất hiện từ năm 1988, vì vậy chẳng có cách nào để biết rõ các bà ngày nay có lăng nhăng hơn thời những năm 70 hay không. Trong chương sau, các bạn sẽ thấy rằng một số phụ nữ ở độ tuổi 70 ngày nay diễn tả những năm 60 và 70 là thời hoàng kim của ngoại tình, và họ không thể tin nổi cái kiểu cách đoan trang của con cái mình ngày nay. Những người phụ nữ này có nhiều thời gian để vụng trộm hơn vì họ không phải làm báo cáo cho công ty mỗi ngày. Ngay khi đối chiếu với khảo sát tình dục vào năm 1991 ở Mỹ, ngoại tình thường xảy ra với những người quanh quẩn ở nhà hơn; khi bạn đời của họ đi làm, một mình ở nhà nhàn rỗi thì khả năng ngoại tình lại cao hơn.
***
SĂN TÌM CÁC SỐ LIỆU THỐNG KÊ về ngoại tình chẳng khác nào đuổi hình bắt bóng. Cứ mỗi lần tôi tìm thấy một nghiên cứu có vẻ đầy hứa hẹn thì những con số lại không chính xác; tuy nhiên, danh sách tham khảo của nó lại trích dẫn bốn hay năm bài nghiên cứu khác có hơi hướng triển vọng. Vì vậy tôi lại tiếp tục tìm đọc chúng, tôi đã phải tiêu cả gia tài để trả phí tải chúng về hay phải nài nỉ anh bạn David đang làm việc ở Thư viện Công cộng New York gửi chúng bằng email hay thư từ đến Paris cho tôi. Rốt cuộc, những bài viết mới này cũng không có những con số thống kê, nhưng tương tự, chúng lại có những danh sách tham khảo có vẻ hữu ích. Thế là tôi lại tiếp tục theo đuổi chúng.
Vòng bám đuổi này cứ luẩn quẩn suốt nhiều tháng trời đến khi tôi nhận được bì thư từ David. Bên trong có bài viết từ năm 1995 với tựa đề “Hành xử về tình dục ở các nước phát triển: Những liên quan đến vấn đề kiểm soát bệnh HIV.” Ở trang 2 có biểu đồ thể hiện số lượng những bạn tình “không thường xuyên” tại 18 thành phố mà các ông các bà đã qua lại 12 tháng trước khi cuộc khảo sát diễn ra. Hầu hết các thành phố này đều thuộc châu Phi, nhưng cũng có cả Hong Kong, Thái Lan, Sri Lanka và Rio de Janeiro. Họ đều dùng phương pháp lựa chọn mẫu ngẫu nhiên và đều dùng những câu hỏi giống nhau ở mọi thành phố, vì vậy việc đối chiếu kết quả trở nên dễ dàng hơn.
Biểu đồ này không thể hiện thứ hạng của việc ngoại tình ở các thành phố trên vì đối tượng phỏng vấn bao gồm cả những người độc thân. Nhưng đây là minh chứng cho thấy còn có nhiều nhà khoa học đang tìm kiếm những số liệu này giống như tôi và bảng xếp hạng ngoại tình toàn cầu của tôi có thể đã bao gồm trên 3 quốc gia. Tôi chợt cảm thấy hưng phấn đến tột độ, chân tay cuống cả lên. Lỡ tôi đánh mất mấy bài viết này và không nhớ nổi tựa đề thì sao? Lỡ như mưa tạt qua cửa sổ làm chúng ướt nhòa hết thì sao?
Tôi vội vàng gửi email cho một trong những tác giả của bài viết, ông ấy là một vị tai to mặt lớn ở Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới ở London danh tiếng. Hỏi rằng liệu ông ấy có đang sở hữu các số liệu về các cặp vợ chồng hoặc cặp đôi sống chung không? Ông trả lời và bảo tôi có thể liên lạc với Martine, một đồng nghiệp của ông đang chuẩn bị cho một bài viết với nhiều dữ liệu gần đây hơn. Vậy là có những số liệu mới sao? Tôi lại nín thở viết cho Martine, cô ấy hẳn đang rất bận cho bài nghiên cứu mới ấy, nhưng nếu tôi kiên trì liên lạc trong nhiều tuần chắc sẽ có được số liệu này mà thôi.
Ngày ấy, tôi cố gắng viết cho cô với giọng điệu thật bình thường:
“Xin chào Martine,
Mong rằng việc viết lách của cô vẫn diễn ra tốt đẹp – tôi rất đồng cảm với lượng thời gian cô đầu tư vào việc này. Có thể tôi đang làm phiền nhưng cô có thể chia sẻ cho tôi số người ĐÃ KẾT HÔN và có thêm nhân tình trong năm qua mà cô đã tính ra được không…”
Cô chuyển thư tôi cho đồng nghiệp Emma, và cô này trả lời cho tôi ngay ngày hôm sau:
“Xin chào Pamela,
Tôi có tính toán số lượng này cùng với 101 thứ khác nữa! Tôi gửi kèm cho cô một bảng biểu ghi lại tỉ lệ % những cặp vợ chồng hay cặp đôi chung sống cho biết họ có nhân tình trong năm qua nhé…”
Tôi thật sự nghe như có tiếng thiên thần khẽ hát trong khi tờ bảng biểu được mở ra. Trong đó bao gồm tỉ lệ ngoại tình của cả nam lẫn nữ ở 36 quốc gia, từ Armenia đến Zimbabwe. Đem bảng kết quả này ghép lại với những số liệu thống kê tôi đã thu thập rải rác ở các nơi khác có vẻ đã cho ra một bảng xếp hạng về ngoại tình toàn cầu. Nhưng bảng này chưa đầy đủ lắm vì không có Nhật, Ấn Độ và nhất là các nước châu Á và Trung Đông; hơn nữa, các dữ liệu cũng không hoàn toàn có thể so sánh được. Emma còn cảnh báo trước rằng tỉ lệ ở một số nơi có thể tăng cao vì chúng bao gồm cả những người theo chế độ đa thê, và trong các cuộc khảo sát về sau, những người phỏng vấn hay hối thúc người trả lời vì họ phải lặp lại cùng một số câu hỏi quá nhiều. Nhưng đối với những trở ngại lớn thường gặp phải trong việc nghiên cứu về tình dục thì bảng thống kê này cũng đã khá lắm rồi.