CHƯƠNG III: Các nền văn hóa tình dục
Nhưng dĩ nhiên, một khi chuyện lăng nhăng của cầu thủ bị truyền thông bắt gặp thì lại khác. Lúc đó, cầu thủ đó sẽ bắt buộc phải thừa nhận tội lỗi như mọi người dân bình thường để mong nhận được tha thứ từ dư luận. Theo tờ Sports Illustrated thì ngôi sao Kobe Bryant của đội Los Angeles Lakers đã phải “nuốt nước mắt vào trong” tại cuộc họp báo năm 2003 khi thừa nhận từng hẹn hò với một cô gái 19 tuổi trong khách sạn. Vào lúc người vợ “nắm lấy tay và nhìn thẳng vào mắt anh ta” thì Bryant đã nghẹn ngào cùng báo giới rằng, “Giờ đây trước mặt mọi người, tôi cảm thấy hận và kinh tởm bản thân mình vì đã làm nên chuyện ngoại tình lầm lạc này.” (Ortiz cũng từng du ngoạn cùng các cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp và cho biết họ cũng có những luật lệ ăn chơi trên đường giống như các cầu thủ bóng chày này vậy.)
Nhưng không phải cầu thủ nào cũng tuân thủ luật lệ giống nhau. Ortiz nhận thấy rằng những cầu thủ có địa vị thấp như mới vào nghề, lương ít, bị thương hay sa sút phong độ thường thực hiện quy luật rất chặt chẽ, có lẽ vì họ cảm thấy tự ti và dễ bị tổn thương. Những cầu thủ hạng nhất thì hay phá luật hơn. Một phụ nữ hồi tưởng lại lúc một ngôi sao của đội bóng phớt lờ sự từ chối của cô để cố gắng mời cô và một người vợ khác vào uống rượu trong quán bar khách sạn. Khi vào trong, mặc dù đang được ngồi chung với người nổi tiếng nhưng cô cho biết “chỉ nhìn thẳng vào quầy rượu và cảm thấy chẳng thoải mái chút nào cả.”
Vậy vì sao các bà vợ lại chấp nhận tuân theo những luật lệ này, khi chúng làm giảm đi phẩm giá của họ và tạo điều kiện cho các ông chồng mặc sức vụng trộm khi họ không có mặt? Sao họ không cùng đoàn kết và chống lại để các ông không thể thỏa sức lăng nhăng nữa?
Lý do thứ nhất chính là tiền bạc. Nếu họ gây rối hoặc làm trái luật thì sẽ có thể làm mất địa vị của chồng mình trong đội bóng. Tuổi nghề của vận động viên rất ngắn và những bà vợ nào mà có thể đi theo chồng mình, thường là không có việc làm. Bất cứ đe dọa nào xảy ra cho địa vị của người chồng cũng có thể ảnh hưởng nặng nề đến kế sinh nhai của cả hai. Ortiz không hề đưa ra dẫn chứng nào về việc cầu thủ bị giáng cấp hay sa thải vì vợ mình làm xằng làm bậy, nhưng những hậu quả có thể xảy ra khi làm chồng mình mất danh dự cũng đủ để các bà vợ không dám hó hé rồi.
Bà vợ nào hay ba hoa lắm mồm cũng rất dễ trở thành đối tượng không được chào đón. Các cầu thủ thường thân thiện với những những bà vợ nào “biết điều” và lảng tránh các bà “hay bép xép”, sau đó dĩ nhiên là sẽ làm áp lực với người chồng cho bà ta ở nhà cho rảnh nợ. Người vợ nào không được tháp tùng chồng mình đi du đấu sẽ mất cơ hội canh chừng anh ta trong khoảng thời gian đó và nhất là sẽ đánh mất sự hào nhoáng và danh vọng khi được cùng song hành với một đội bóng chuyên nghiệp. Danh tiếng của người vợ vẫn được gìn giữ khi chồng của bà ta thi đấu cho đội bóng khác. Olivia, vợ một cầu thủ, phân trần, “Càng nói nhiều thì người ta càng ít tin tưởng mình vì giống như ai cũng làm như vậy cả. Bà nào đi rêu rao những điều mình thấy được sẽ bị đối xử như người bị bệnh truyền nhiễm, chẳng ai muốn lại gần nữa.”
Vì vậy, thay vì hợp sức chống đối thì họ lại giúp nhau tuân thủ những luật lệ nhằm tạo điều kiện cho chồng mình lăng nhăng. Họ khuyên người khác không nên bàn tán những gì mình thấy trên đường đi, và cũng chẳng ngại ngần mấy bà nhiều chuyện khác nhục mạ họ là “đồ giả tạo.” Một số thậm chí còn không muốn biết chồng mình đã từng làm gì. Nếu như có bà nào dại dột tọc mạch, các bà vợ khác sẽ đồn thổi rằng bà ta chỉ nói vậy nhằm che đậy rắc rối trong hôn nhân của mình mà thôi.
Điểm đặc sắc của nền văn hóa tình dục này là các bà chuyển từ việc bắt buộc phải tuân thủ luật lệ thành việc tự nguyện vì bản thân họ muốn như vậy. Mặc dù họ luôn phản đối chuyện ngoại tình nhưng rốt cuộc họ lại tin rằng những luật lệ tạo khe hở cho việc vụng trộm về bản chất cũng có ý nghĩa. Ortiz bảo, “Hầu hết các bà vợ đều nhất mực tin rằng không kể lại những gì mình đã trông thấy cho các bà vợ bị lừa dối biết là điều quan trọng.”
***
MỘT LOẠI VĂN HÓA TÌNH DỤC khác không cần khoảng không gian thực tế và những người tham gia không hề biết về nhau. Loại này tồn tại trong vương quốc của “giới truyền thông.” Ở Mỹ có rất nhiều tờ báo khổ nhỏ hữu ích, nhưng không nơi nào mà báo chí lại đào bới về chuyện ngoại tình nhiều như ở Anh. Tờ báo bán chạy nhất vào Chủ nhật hàng tuần là News of the World và Mail on Sunday thường dành trọn trang nhất cho những câu chuyện về ngoại tình. Nó tạo cảm giác như chuyện vụng trộm này là tin tức nóng hổi nhất trên toàn quốc gia vậy.
Thật ra trong cuộc sống thường nhật, người Anh vẫn phản ứng về chuyện lăng nhăng giống như hầu hết người Mỹ thôi. Họ cũng cho rằng tội ngoại tình phải bị trừng phạt bằng chuyện ly hôn hay tình trạng sống dở chết dở. Về tỉ lệ ngoại tình của họ cũng gần ngang bằng với các nước hùng mạnh khác.
Nhưng ở Anh, có một nền văn hóa tình dục chỉ tồn tại trong giới truyền thông. Ở đây chuyện ngoại tình được xem như một môn thể thao. Trong cuộc chơi đó, nhiệm vụ của họ là phải bắt gặp được một nhân vật tiếng tăm nào đang ở trong tình huống bẽ mặt nhất. Các phóng viên thậm chí sẵn sàng lục lọi chứng cớ trong thùng rác nếu cần. Những tờ báo lá cải luôn thèm khát những câu chuyện nóng hổi về ngoại tình đến nỗi nếu không bắt gặp được nhân vật thực sự nổi tiếng nào họ sẽ chuyển sang những “ngôi sao hết thời” của các chương trình truyền hình thực tế, những diễn viên hạng C, và cả những người dân Anh bình thường bị vướng vào tam giác tình yêu quái ác.
Một câu chuyện tiêu biểu trên trang nhất của tờ The Sun bán chạy nhất vào thường nhật ở Anh miêu tả về những khó khăn của “Amy Nuttall vụng trộm”, một diễn viên nhạc kịch 22 tuổi, về lời thú nhận đã phá hoại căn hộ của Ben, bạn trai cũ và là diễn viên đóng chung cùng cô. Người viết dùng giọng điệu cảm thông diễn giải rằng “trời đất như sụp đổ trong Amy khi cô biết được Ben đã quan hệ trong xe hơi sau tiếng sét ái tình với nữ nhân viên ngân hàng 19 tuổi Jenny Woodcock, cô nàng đã tự chủ động tiếp cận Ben trong quán bar.” Tờ The Sun còn làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi đăng tải rằng “Amy đã phải chịu đựng khi Jenny lên báo kể rõ chi tiết về cuộc gặp gỡ với Ben, từ đó Amy chửi rủa Ben là một người tình tồi tệ.” Nhưng trong bức ảnh trên bìa báo đó, Amy lại khêu gợi trong bộ bikini mỏng manh màu nâu. Ngoài ra bài báo còn đề cập đến việc cô ấy muốn bắt đầu sự nghiệp ca hát.
Những tựa báo khác thì có đủ các kiểu, từ loại trào phúng như: “Con chuột cống khổng lồ vẫn cản đường” đến mức quái đản như: “Con thiết kế hư hỏng ấy phá hoại đời tôi” nhằm giải thích rằng “với niềm tin vừa lấy lại được sau những vấp ngã – Denize không thể giữ kín được những chuyện riêng tư… à, chỉ một sự riêng tư này”.
Một số câu chuyện cũng được nhà báo đan xen vào vài bài học đạo đức nhưng độc giả thừa hiểu chúng chỉ nhằm làm tăng thêm tính giải trí mà thôi. Những tin tức quan trọng thực thụ sẽ được phát trên truyền hình hay đăng trong vài tờ báo lá cải. Để đảm bảo sự chú ý của độc giả, các tờ báo thường đăng tin về chuyện ngoại tình một cách úp úp mở mở với những chi tiết lập lờ kiểu khẳng định sự việc nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Ngoài ra, họ sẽ đính kèm hình ảnh của kẻ bị hại hay kẻ gây ra tội lỗi trong trang phục áo tắm bất cứ khi nào có thể.
Một số “tin tức” từ các báo hoàn toàn bị chế biến lại. Max Clifford là nhà báo đầu tiên người ta nghĩ tới mỗi khi muốn kể một câu chuyện gì đó, hay hơn nữa là muốn làm to chuyện lên. Theo lời Clifford phân trần trên tờ Financial Times rằng “Ngày nay, các cô gái trẻ thường đi hộp đêm với mục đích nhất định chẳng hạn như đánh giá chàng cầu thủ này có giá trị X, chàng cầu thủ kia có giá trị Y. Khi ở văn phòng, tôi thường nhận được những cú điện thoại từ các cô hỏi thẳng rằng ‘Nếu như phải chọn giữa giá trị X và Y thì những cầu thủ nào đình đám nhất?’ Thời buổi bây giờ thực dụng đến vậy đấy.” Với địa vị như vậy, Clifford nghiễm nhiên được hưởng 20% lợi nhuận của doanh số báo bán ra.
Thỉnh thoảng các báo cũng thực hiện những việc có mục đích cao cả hơn hay một thứ gì đó tương tự vậy: Họ theo dõi những công chức nhà nước. Mục đích của những sự công kích này chẳng phải để cải thiện thêm cho chính sách hoạch định gì đâu, mà chỉ nhằm đánh sập những tư tưởng mộ đạo chớm nở. Đến khi John Major lên làm thủ tướng Anh vào năm 1990 thì báo giới bắt đầu ít có cơ hội hoành hành. Trong hội nghị thường niên của đảng Bảo Thủ do Major tổ chức năm 1993, chính phủ phải cố gắng hết sức để làm giảm sự chú ý của công chúng về sự suy thoái và mở chiến dịch “Trở về nguồn cội”. Ngoài mặt việc này có vẻ nhấn mạnh về giáo dục, nhưng thông điệp và theo thông tin sau cánh gà thì nêu rất rõ: Đảng Bảo Thủ muốn khôi phục lại giá trị của gia đình ở Anh.
Chiến dịch “Trở về nguồn cội” này lại vô tình mở cửa cho giới báo chí soi mói vào đời tư của các chính trị gia đảng Bảo Thủ. Hậu quả tất yếu là các vụ bê bối tình dục nhanh chóng bị phơi bày. Stephen Milligan, ủy viên Quốc hội, được phát hiện đã chết tại gia trong tình trạng đang mang vớ phụ nữ và bao ny-lon trùm đầu, bằng chứng rõ ràng việc bắt chước theo mộthành động thủ dâm. Bá tước Caithness, từng là thứ trưởng, từ chức sau khi người ta điều tra được cái chết của vợ ông có liên quan đến việc ông ngoại tình với thư ký cũ. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Tim Yeo thừa nhận có con ngoài giá thú với người tình của mình, giờ đây ông sống bằng nhuận bút viết bài cho chuyên mục đánh gôn trên báo. Bộ trưởng Bộ Cầu đường Stephen Morris bị phát hiện có đến 5 tình nhân bên ngoài (“Vâng, vâng, vâng, vâng, vâng thưa Bộ trưởng”, Tờ Daily Telegraph châm biếm đến 5 chữ Vâng thay vì 1 chữ Vâng trong chương trình hài hước “Vâng thưa Bộ trưởng” trên truyền hình.) Thư ký Giáo hội David Mellor từ chức sau khi cô nhân tình là diễn viên nghiệp dư Antonia de Sancha lên mặt báo kể rõ ông có sở thích ngậm mút ngón chân cái của cô khi cô ta bận chiếc áo thun của Chelsea – đội bóng yêu thích của ông ấy. Không lâu sau, cả nước châm biếm bằng cách đổi tên chiến dịch “Trở về nguồn cội” của đảng Bảo Thủ thành “Mời về Nhà tôi.”