CHƯƠNG IX: Trong phòng ngủ có Chúa Trời

Những kẽ hở luật pháp chính vô tình tạo ra các tấm bình phong che chắn cho các quán bar, sàn nhảy và tiệm mát-xa. “Lúc nào sự cấm đoán và sự nhân nhượng cũng tồn tại song song với nhau,” Hella Winston bảo. “Các bà vợ không bao giờ nói thẳng rằng ‘Được rồi, anh cứ đi và làm những gì anh thích.’ Nhưng các ông ngầm hiểu được sự cho phép đó.” Cô và một số người khác cũng từng đề cập đến chuyện đàn ông Hasidic thường tìm tới những gái điếm da đen, thường là không sạch sẽ và ít nhất là không phải người Do Thái, để cảm thấy bớt cắn rứt lương tâm. “Tất cả phụ nữ đều bảo rằng họ muốn lấy những người có học, vì theo họ thì, ‘người có học sẽ không lừa dối chúng tôi,’” Winston bảo.

Nhà xã hội học William Helmreich, cũng đã nghiên cứu về người Hasid, cho biết những người Do Thái theo đạo thường chú trọng thực hiện những lời răn dạy có liên quan tới những điều mà con người thực hiện một mình – và qua đó thể hiện lòng thành của mình với Chúa. Ngoại tình là chuyện giữa hai con người tự nguyện đến với nhau, vì vậy nó không liên quan lắm đến đạo Do Thái. “Tôi nghĩ rằng đây là nguyên nhân chính mà ngoại tình dễ được tha thứ hơn là chuyện ăn thịt heo,” Helmreich kết luận.

Mặc dù một mối quan hệ tuân theo mọi điều khoản hợp pháp thì một số giáo trưởng vẫn sẵn lòng công khai ủng hộ chuyện đàn ông có vợ lẽ. Những người Do Thái tinh ý sẽ không làm theo luật lệ một cách máy móc, và bất cứ lý lẽ nào trong Talmud đều có những phản đề đi kèm. Abraham, một trùm tiệc tùng ở câu lạc bộ, kéo tôi sang một bên và kể rằng: “Có hai anh chàng nọ, một anh trỗi dậy lòng ham muốn bèn đi tìm một cô gái chưa chồng, tìm hiểu kĩ rằng cô ta không vấy bẩn – đã từng tham gia tắm rửa tội – và rồi qua lại với cô nàng. Sau đó anh chàng kia cũng ham muốn và lên giường ngay với cô gái đầu tiên đồng thuận với mình.” Vậy hai anh chàng này bị phán quyết ra sao? “Giáo trưởng đuổi cổ anh chàng thứ nhất ra khỏi trường vì anh ta đã lên kế hoạch. Hành động toan tính như vậy thật không thể chấp nhận được. Còn anh chàng thứ hai chỉ hành động theo bản năng. Làm sao ngăn cấm được?” Ông ta bảo bài học đạo đức ở đây là: “Không phải vì bạn không tìm được chương nào hay tiết nào trong giáo lý bảo rằng điều này không đúng thì không có nghĩa là bạn được phép làm điều đó.”

Thật không rõ có bao nhiều đàn ông Hasidic thật sự qua lại với gái gọi. Một điều dễ nhận thấy là khi chỉ có một vài người đàn ông đội mũ đen xuất hiện trước cửa tiệm mát-xa thì càng làm mọi việc khó hiểu hơn. Mặc dù vậy, ở đây cũng có bằng chứng cho thấy đàn ông vẫn dồn nén nhu cầu về quan hệ ngoài hôn nhân. Vào năm 1996, một người đàn ông tự gọi mình là “Yossi” đã đi phân phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ mai mốt nghiêm túc cho những người theo đạo ở quanh Brooklyn. Dịch vụ này sẽ cung cấp vợ lẽ phù hợp và trải qua đủ các lễ nghi cho đàn ông theo đạo Do Thái chính thống. Chuyện Yossi tự nhận mình sở hữu một “đội ngũ các cô khát tình” sẵn sàng lên giường với đàn ông Hasid thật đáng ngờ. Nhưng một bài báo của tờ Washington Post khẳng định rằng Yossi thật sự nhận được hàng trăm cuộc gọi từ các khách hàng quan tâm đến dịch vụ này.

Lý do đầu tiên cũng dễ hiểu là vì họ tò mò. Người được chỉ bảo hàng loạt chỉ dẫn trong đêm tân hôn như Shlomo cho biết chưa có lần nào anh và vợ quan hệ tình dục thật sự nóng bỏng, mặc dù đến nay họ đã có 7 đứa con. Shlomo giờ đây đã hơn 40, gầy gò, nhợt nhạt với bộ râu nâu xám bù xù và đôi mắt xanh màu trời. Khi anh ngồi vắt chân và đong đưa điếu xì-gà thì nhìn chẳng khác thi sĩ Beat đang chuẩn bị xuất khẩu thành thơ. Ngược lại, vợ anh nhìn giống một khối vuông di động. Sau đêm tân hôn cô nhất quyết không chịu thoát y trước mặt chồng nữa. Mỗi khi anh đem về nhà mấy cuốn sách giáo lý răn dạy các đôi vợ chồng trẻ thì cô lao vào đọc ngấu nghiến và răm rắp tuân theo.

“Làm chuyện ấy đi!” Shlomo nhớ đã nói với vợ như vậy. “Mặc dù là người Hasidic nhưng em vẫn phải làm sao cho ra dáng phụ nữ chứ!” Thỉnh thoảng anh giả vờ đã đạt cực khoái để vợ cảm thấy thoải mái. Nhưng chiêu này thành công có vài lần.

Mọi sự huấn luyện của đạo giáo đều không giúp Shlomo chuyển tải năng lượng tình dục của anh vào trong hôn nhân được. Anh bắt đầu đi mát-xa và rồi gọi gái. Anh mua quần jeans và giấu payos của mình đi để nhìn giống người bình thường. Cuối cùng anh cũng bí mật thuê một căn hộ. Anh phân trần rằng không phải hoàn toàn để thỏa mãn nhu cầu tình dục mà còn là nơi để trốn tránh những ánh mắt khắc nghiệt của thế giới đạo giáo. Giờ đây đối với anh thì: “Chỉ cần ngồi yên tĩnh xem phim với một cô gái khác cũng đủ rồi.”

Có thể dù không theo đạo giáo thì Shlomo cũng vụng trộm. Nhưng bị giam cầm trong mối hôn nhân không có chút hài hước và gợi tình nào cũng chẳng giúp ích được gì. Anh hòa nhập vào xã hội nhưng về nhà vẫn là bản thân mình. Anh bảo một số bạn bè biết được những điều anh đang làm và một số thậm chí tham gia cùng anh. Nhưng chuyện này cũng nhanh chóng bị đưa ra ánh sáng. Những người học ở trường đạo gần căn hộ bí mật trông thấy anh đi dạo với một phụ nữ mặc áo ngắn tay và váy ngắn cũn cỡn. Ngay lập tức, lời đồn đãi, giống như mấy tấm hình chụp hai anh chàng đi sàn nhảy, bay đi không thể nào ngăn chặn lại được. “Họ liền đến gặp mấy giáo trưởng và mách ‘Có một gã Hasidic đi cùng với một shiksa (người phụ nữ không phải người Do Thái – ND)’”, anh thuật lại. “Sau đó họ gọi điện báo cho gia đình tôi và nói đại loại như ‘Gia đình ông tự mà lo liệu đấy nhé’”. Khi bố và anh của vợ đến gặp anh, họ chẳng màng cảnh báo anh về sự giày vò lương tâm vì tội lỗi, mà thẳng thừng đe dọa anh về chuyện ly hôn chia cách anh với con cái và cách ly anh với gia đình.

***

ĐẠO HỒI thì lại có phương cách khác để giúp các tín đồ không bị lạc lối: cho phép họ theo chế độ đa thê. Nếu một tín đồ không thể chấp nhận chỉ có một vợ thì cho anh ta được lấy đến 4 bà.

Tôi quyết định tìm hiểu phương cách này ở Indonesia, nơi tập trung đông đảo tín đồ Hồi Giáo nhất. Sau khi đặt chân tới nước này tôi liền ngồi xe suốt 24 tiếng đến thành phố Javanese thuộc Solo để gặp mặt người tự nhận là vua đa thê của Indonesia: ông Puspo Wardoyo. Thực tế nghe danh như vậy thì tôi đã thấy mất thiện cảm với ông ta rồi. Mọi người vẫn thường gọi ông ta là Puspo và ông đang tổ chức một cuộc thi Đa thê của năm và viết sách hướng dẫn những người khác cách thực hiện cuộc sống đa thê viên mãn với 4 bà vợ (độ tuổi các cô vợ mà ông đề nghị là từ 25 đến 40). Trong buổi tọa đàm, ông cố thuyết phục các phụ nữ đang giận đến sôi máu rằng ông thật sự muốn giúp họ giữ chân chồng mình khỏi gái điếm và tạo ra thêm nhiều đàn ông xứng đáng để lấy làm chồng cho xã hội.

Chế độ đa thê ở đây được hợp pháp hóa, nhưng đang bị phản đối kịch liệt. Những người dưới 40 tuổi cho biết, các ông và bố của họ đều có nhiều vợ, nhưng những người ngang tuổi họ thì không. Tướng Suharto, người cầm quyền ở Indonesia từ năm 1967 đến 1998, đã tạo nên sự thay đổi này bằng việc cấm người giúp việc và quân nhân lấy nhiều vợ. Ngày nay hầu hết những gia đình trung lưu xem việc con trai mình muốn lấy vợ lẽ là điều sỉ nhục, và những phụ nữ có học thức cũng cảm thấy xấu hổ khi phải làm phòng nhì – mặc dù trong một số hoàn cảnh thích hợp họ vẫn chấp nhận.

Mặc dù chỉ có một phần nhỏ dân số theo chế độ đa thê nhưng sự hợp pháp của nó làm cho vấn đề ngoại tình dễ được bào chữa hơn. Khoảng 95% dân Indonesia thừa nhận rằng tôn giáo “cực kì quan trọng” đối với họ, điều này làm cho Indonesia trở thành một trong những nước sùng đạo nhất trên thế giới và đứng nhất ở châu Á. Văn phòng làm việc trong các cao ốc đều có phòng dành riêng cho việc cầu nguyện, và để tiện hơn, đôi khi chúng được đặt ngay cạnh phòng ăn. Một đài phát thanh mà tôi từng viếng thăm treo đầy những tấm áp phích của ngôi sao ca nhạc phương Tây nhưng lại khen thưởng nhân viên xuất sắc của năm bằng một chuyến du lịch trọn gói đến thánh địa Mecca[5].

Tôn sùng đạo giáo là một cách để lấy danh tiếng. Trong những cuộc khảo sát, hơn nửa dân số thường cho rằng Indonesia nên thay đổi hệ thống luật pháp lâu đời của mình bằng luật đạo Hồi, nhưng khi được hỏi rằng họ có chấp nhận một số hình thức trừng phạt của đạo Hồi như chặt tay kẻ trộm hay ném đá những kẻ ngoại tình cho đến chết thì sự hào hứng về đạo luật này đã bị dập tắt hoàn toàn. Ngoại tình là bất hợp pháp nhưng thường bị phán quyết bởi những tòa án lâu đời và hình phạt khá nhẹ nhàng: nhiều nhất là 7 năm tù giam.

Nơi Puspo thường tổ chức những buổi tọa đàm nhằm phục hồi chế độ đa thê là chuỗi nhà hàng gà rán ăn nhanh. Ông sở hữu khoảng 40 tiệm trên khắp đất nước Indonesia. Cũng khó để phân định rạch ròi chiến dịch phục hồi chế độ đa thê là phương thức để quảng bá cho chuỗi nhà hàng hay ngược lại. Nhưng xét cho cùng thì nó không phải là một cách quảng cáo tốt. Một người bạn đi theo tôi để giúp phiên dịch cho biết, những cô bạn của mình ở Jarkata đều từ chối đi ăn ở các nhà hàng của Puspo.

Bài học thứ nhất: Chế độ đa thê rất hấp dẫn. Tại nhà hàng của Puspo ở Solo, nơi chúng tôi gặp ông ta để phỏng vấn và được ông mời ăn gà chiên giòn cay và đậu hũ sốt đậu phộng cay, giải khát bằng nước ép trái cây đặc biệt tên là “đa vị” vì nó có 4 thành phần (giống như đàn ông đạo Hồi được cưới 4 vợ).