CHƯƠNG V: Cái chết của “năm đến bảy”
Từ khóa tìm kiếm: Giải mã dục vọng – Pamela Druckerman
Vào tháng 1 năm 1996, trong một ngôi làng của Pháp ở Jarnac, Francois Mitterrand đang nằm trong chiếc quan tài bằng gỗ sồi, hưởng thọ 79 tuổi. Cạnh đó, bà vợ Danielle và hai đứa con của họ đang lặng nhìn. Đứng lùi sau một bước là Anne Pingeot, người tình lâu năm của vị cựu tổng thống. Còn bên cạnh Danielle và các con là Mazarine Pingeot, đứa con gái 21 tuổi ngoài giá thú của Mitterrand và Anne.
Hình ảnh này phản ánh chân thực về những người mọi người trên thế giới biết về người Pháp: ở đây chuyện ngoại tình chỉ là trò tiêu khiển của cả nước, và những bà vợ Pháp luôn bao dung cho người tình của chồng (và có thể có vài người tình của riêng mình nữa). Chuyện ngoại tình như là chuyện hiển nhiên của một người có học thức ở Pháp, giống như chuyện họ phải luôn ăn gan ngỗng vậy. Mọi người đều cho rằng khi thấy bức ảnh này được đăng trên bìa báo buổi sáng thì cũng chẳng có người dân Paris nào sặc đến một ngụm cà phê.
Khi tôi chuyển từ New York đến Paris sinh sống, rất nhiều định kiến về người Pháp trước đó nhanh chóng được chứng thực. Phụ nữ Paris thật sự rất đẹp, tôi thường xuyên cảm thấy thua thiệt với các cô hầu bàn, làn da của họ láng mịn đến mức có thể làm quảng cáo cho hãng mỹ phẩm L’OREAL. Không ai đến hồ bơi công cộng mà thân thể có mỡ thừa, ngay cả những người đã làm mẹ. Các cô sinh con xong vài tuần sau đó có thể mặc quần jeans bó. Người Paris cũng rất chú trọng việc ăn mặc. Đến nỗi không ai đi mua đồ tạp hóa mà mặc quần thun lè phè cả. Người dân ở đây hiểu rất rõ về hậu quả của việc những người phụ nữ dám bỏ bê bản thân mình. Một phụ nữ đã có hai con than vãn với tôi rằng quá dễ thấy tổng thống Jacques Chirac là một người lịch lãm, vì chịu đựng được bà vợ Bernadette luôn cau có mặt mày.
Vẻ ngoài đẹp đẽ làm cho chuyện tán tỉnh thú vị hơn. Trong những buổi tiệc tối, chồng và bạn trai của người khác dám đáp lại ánh mắt của tôi lâu hơn cả những gã đàn ông dâm đãng Mỹ dám làm. Tôi chưa bao giờ tìm hiểu xem điều này có dẫn đến những gì hơn nữa không, nhưng thật ra cũng không cần thiết lắm. Việc tán tỉnh bạn tình của người khác không bị xem là phản bội bạn đời của mình hay là cánh cửa dẫn đến quan hệ ngoài hôn nhân. Nó đơn giản chỉ là một thú vui.
Ở Pháp, ngoại tình là một ý niệm mà bạn có thể đùa cợt được và không nhất thiết bị sa ngã vào tội lỗi. Một trong những giáo viên dạy tiếng Pháp đề nghị tôi nâng cao tiếng Pháp của mình bằng cách école horizontale – nghĩa là ở cùng với một người đàn ông Pháp cho đến khi có thể phát âm động từ được lưu loát hơn. Chồng tôi tí nữa đã đồng ý cả hai chúng tôi thực hiện điều này, cho đến khi tôi phải giả vờ là đã chọn học “thầy dạy tiếng Pháp mới” cho qua chuyện.
Khi đi tàu điện ngầm ở Paris, tôi để ý thấy những áp phích quảng cáo của Pháp thường đùa cợt về chuyện vụng trộm. Một hệ thống rạp chiếu phim quảng cáo “thẻ ngoại tình” cho những khách hàng thân thiết trên đó ghi rõ MÙA HÈ ĐÃ QUA, CHUNG THỦY TRỞ LẠI. Trên bảng quảng cáo khi mua một cặp mắt kính dự phòng in hình chú rể mỗi tay ôm một cô dâu. Để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, một công ty sản xuất kẹo sô-cô-la còn nghiên cứu làm sao ông già Noel giữ ấm khi đi phát quà ngoài trời lạnh giá; sau đó một mẫu quảng cáo đăng hình ông ngồi trên xe kéo bên cạnh một cô gái quyến rũ trẻ đẹp mà rõ ràng không phải là bà già Noel rồi.
Bằng chứng về chuyện ngoại tình của dân Pháp có vẻ xuất hiện khắp nơi. Thực tế là mọi hài kịch lãng mạn tôi từng xem đều nói về những cặp vợ chồng đã kết hôn và tình nhân của họ. Và thường là chẳng có ai chết cả! Trong một cuốn phim kể về cặp vợ chồng đem con đến sống tại ngôi nhà chung của gia đình ở miền Nam nước Pháp, ngay lập tức nhân tình của người vợ xuất hiện và họ lén lút hẹn hò trên bãi biển, còn người chồng thì gặp bạn thời niên thiếu rồi phát hiện ra mình đồng tính. Đến cuối phim, cả hai đều nức nở thú tội cùng nhau, sau đó dẫn người tình về chung sống cùng nhà với con cái và hát hò vui vẻ chào tạm biệt khán giả. Trong điện ảnh Mỹ thì mọi thứ đều ngược lại, một khi đã vụng trộm thì sẽ trở thành nhân vật phản diện. Vì vậy, theo lối nói của điện ảnh Pháp, ngoại tình hiếm khi cho thấy nhân vật đó là vai chính.
Tóm lại, có vẻ như nước Pháp là vai trò chủ đạo của cuốn sách này. Tôi đã chuyển đến sinh sống tại thủ đô ngoại tình của thế giới và tôi chỉ cần tìm vài người ngoại tình thật sự để phỏng vấn và kết thúc câu chuyện ở đây.
Nhưng thật bực bội vì một số phần của câu chuyện lại không suôn sẻ như vậy. Sau khi lưu lại Paris vài tháng, một trong những tờ tuần báo hàng đầu đăng tải lên trang nhất câu chuyện kết thúc những điều cấm kỵ của ngoại tình. Chuyện này thật vô lý, vì trong nhận thức của tôi, làm gì có điều cấm kỵ nào cho ngoại tình ở cái thành phố này chứ. Mọi chuyện càng trở nên khó hiểu hơn khi diễn viên nữ chính người Pháp trong phim bảo rằng cô chỉ dám công bố chuyện lăng nhăng của bạn đời của mình sau khi thấy diễn viên Mỹ Uma Thurman làm điều này. Cô giải thích “Đúng là phong cách Mỹ, ở đây chẳng ai dám làm đâu.”
Tôi còn nhận thấy rằng tạp chí phụ nữ ở đây lại không đoái hoài lắm đến vấn đề ngoại tình. Còn ở Mỹ, họ đăng những câu chuyện chỉ cách cầm cương lại các gã đàn ông lăng nhăng, nên làm gì khi nghi ngờ người yêu mình đang lạc lối, làm sao để cắt đuôi được những “người bạn tốt” khác phái củangười mình yêu, và tình dục trên mạng có được tính là ngoại tình hay không. Phụ nữ Pháp giật mình khi tôi cho họ biết rằng trên thế giới họ được biết đến là dễ dãi nhất trong chuyện ngoại tình. Một bà liền bật lại, “Có ai mà muốn chồng mình lăng nhăng đâu?”
Và rồi các cuộc phỏng vấn của tôi lần lượt bốc hơi. Các bạn của bạn tôi hủy hẹn, không ai trả lời email. Những người trước đây từng tỏ vẻ thích thú đến chủ đề này đều rút lui ngay khi tôi lôi tập ghi chép ra. Mọi nơi ở Paris người ta đều miễn cưỡng nói về chủ đề này cho dù là trò chuyện ẩn danh. Khi tôi than phiền điều này với một người bạn và cô bạn gái người Pháp của anh ta, cô này bảo có lẽ tôi đã phạm vào pudeur , một từ Pháp có ý nghĩa nằm giữa sự e ngại, tính nhún nhường và sự riêng tư cá nhân. Rồi cô đề nghị giúp đỡ. Nhưng sau đó, chính côấy không trả lời điện thoại của tôi nữa. Nếu tôi chưa từng sống ở Pháp chắc tôi đã phải ra đi với quyển sổ trắng tinh rồi. Chắc chắn nếu trong thị trấn này có người có cinq à septs , chính là thời gian hẹn hò nổi tiếng từ “năm đến bảy” giờ khi họ gặp mặt người tình trước khi về nhà dùng cơm tối, thì hẳn phải có ai đó kể cho tôi nghe chứ nhỉ?
Sau đó tôi phát hiện một số thống kê chống lại hoàn toàn những chuẩn mực của Pháp. Khi so sánh những số liệu điều tra về tình dục, kết quả cho thấy tỷ lệ một vợ một chồng của Mỹ và Pháp ngang nhau. Hầu hết những người thành niên Pháp đều chung thủy một cách nhàm chán. Họ thường kết đôi vào cuối độ tuổi 20 hay đầu tuổi 30 rồi quan hệ tình dục an toàn trong hôn nhân chỉ với bạn đời của mình suốt năm này qua tháng nọ.
Alain Giami, đồng tác giả của một bài báo so sánh thói quen tình dục của dân Mỹ và dân Pháp, cho biết rằng người Pháp không chỉ chung tình hơn trong thời gian hẹn hò, mà ngay cả hôn nhân và ngoại tình cũng kéo dài hơn dân Mỹ. Giami còn viết: “Ở Pháp, một khi mối quan hệ đã có dính dáng đến tình dục thì mức độ chịu trách nhiệm cũng cao hơn ở Mỹ.”
Thói quen lừa dối nhiều phụ nữ một lúc của dân Mỹ lại rất lạ lẫm đối với người Pháp. Người Pháp một khi đã hôn và nhất là khi đã quan hệ với nhau thì họ sẽ chung thủy với bạn đời của mình. “Gặp được người mà mình thật sự yêu thương đã khó lắm rồi,” một người bạn Pháp làm luật sư ở độ tuổi 30 bảo tôi như vậy. “Thật là ngớ ngẩn hoặc cẩu thả” khi bắt cá hai tay. Cô ấy làm tôi nhớ lại cái lần cô miễn cưỡng “hẹn hò mà chưa biết mặt” (blind date) với một người bạn của tôi đến chơi từ New York. Cô thấy anh chàng ấy khá tốt nhưng cái kiểu hẹn hò “sắp đặt” này lại khắt khe quá. “Mình không nên gặp một người mà ngay từ đầu đã có ý định tiến xa hơn, chỉ là có thể thôi. Vì như vậy mọi phép màu hay điều thú vị đều mất hết cả rồi.”
Càng đào sâu, mọi thứ lại càng phức tạp hơn. Một biểu đồ điều tra ý kiến cho thấy chung thủy là yếu tố hàng đầu mà phụ nữ Pháp cần ở đàn ông, còn đối với đàn ông thì yếu tố này chỉ thua một chút so với yếu tố “dịu dàng”. Cả hai phái đều cho rằng trong những mấu chốt quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân thì sự chung thủy chỉ đứng sau chuyện “hợp nhau”. Nếu như được chọn lựa, người Pháp cũng như người Mỹ, đều muốn chung thủy và tin rằng quan hệ một vợ một chồng là con đường vững chắc dẫn đến mối hôn nhân bền vững.
Khi gặp gỡ thêm nhiều người, tôi nhận thấy chuyện đàn ông Pháp nuôi bồ nhí ở những căn hộ nhỏ nghe có vẻ xa lạ với người bình dân ở Paris tương tự như những người sống ở Cincinnati vậy. Chuyện này không thực tế chút nào. Tạm quên cái vụ cinq à sept này đi. Người thuộc tầng lớp trên mức trung lưu ở Pháp – là những người lẽ ra có khả năng lăng nhăng nhất – lại phải làm việc đến sớm nhất là 7 giờ tối và sau đó phải tốn nhiều thời gian về ngoại ô trên hệ thống RER – giống như hệ thống tàu điện Long Island nhưng được xây dựng ở Paris. Thời điểm tôi sống tại đây là lúc bất động sản lên giá vùn vụt. Khi những người Pháp trẻ tuổi kiếm được tiền bạc mua được xe nôi giá 900 USD cho con cái và trả được hết 10 năm tiền trả góp nhà thì cũng không còn được bao nhiêu để bao tình nhân, huống hồ gì đến việc tìm thời gian để hẹn hò nữa. Một bữa nọ, sau khi dùng bữa trưa ở Champs-Elysées cùng một tư vấn quản trị người Paris, ông cười khúc khích kể với tôi rằng: “Đôi khi vợ chồng tôi gây gổ, bà ấy buột miệng ‘tôi sẽ đi tìm thằng khác cho ông xem.’ Ngay sau đó, cả hai đều cười phá lên – vì làm vậy làm gì cho cuộc sống thêm phức tạp!”