CHƯƠNG V: Cái chết của “năm đến bảy”
Ngay cả đến bức ảnh ở đám tang của Mitterrand cũng trở lên phức tạp hơn tôi tưởng. Sau khi đọc một bài báo của Pháp, tôi mới biết rằng “phòng nhì” của Mitterrand cũng đã phải sống trong bí mật đến hai mươi năm. Mặc dù sự tồn tại của Mazarine đều được giới báo chí và chính trị biết đến, nhưng sự việc chỉ bị phanh phui 14 tháng trước đám tang khi một bức ảnh của bà và bố của mình đang bước ra từ một nhà hàng ở Paris xuất hiện trên tờ tuần báo Paris-Match .
Lúc đó Mitterrand rất lo lắng về dư luận sẽ đánh giá chuyện ông có phòng nhì như thế nào. Từ khi nhậm chức vào năm 1981, ông thành lập nhóm đặc nhiệm chống khủng bố. Mặc dù họ hoạt động dưới hình thức bảo vệ tổng thống nhưng họ dành hầu hết thời gian để nghe lén các cuộc điện thoại của những đối thủ chính trị khác và các nhà báo, nhằm tìm hiểu xem họ có nhắc đến cái tên Anne hay Mazarine hoặc lật tẩy những sự thật không hay ho về tổng thống hay không (bao gồm cả chuyện ông đang bị ung thư giai đoạn cuối). Phủ tổng thống hình như cấm xuất bản một cuốn sách viết về Mazarine mang tên Niềm vinh dự bị đánh mất của Ngài Mitterrand (cuốn sách này rốt cuộc cũng được công bố sau khi ông ta qua đời). Khi đội đặc nhiệm của Mitterrand biết được tác giả dự định thảo luận về bản viết tay của cuốn sách trên một chương trình truyền hình trực tiếp thì chương trình này đột ngột bị hủy bỏ. Theo báo chí đưa tin, chính phủ e ngại việc thông tin bị lộ đến mức họ còn đặt máy nghe lén ở tiệm cà phê của tác giả và cả ở nhà của người quản lý căn hộ của anh ta.
Nhiều năm sau, trong cuốn tự truyện tên Khâu chặt miệng xuất bản vào năm 2005, Mazarine còn tả lại bà đã phải trốn dưới ghế xe như thế nào khi rời khỏi phủ tổng thống. Trong các cuộc phỏng vấn, bà cho biết đã đau khổ ra sao khi lúc nào cũng phải “ẩn thân” đến nỗi phải đi điều trị tâm lý. Bà còn viết: “Tôi là đứa con ngoài giá thú và bị giấu giếm – thật là một điều xấu hổ cho nền Cộng Hòa và một sự lăng nhục về đạo đức.” Mitterrand rất thân cận trong quá trình trưởng thành của Mazarine nên cũng đồng ý điền tên mình vào giấy khai sinh của cô vào thời gian cuối đời nhưng vẫn đặt điều kiện rằng điều này phải được giữ bí mật đến khi ông chết. Ngay cả bức hình được đăng trên tuần báo Paris-Match cũng bị đồn đãi là sự sắp đặt của đội đặc nhiệm của Miterrand nhằm từng bước đưa Mazarine ra ánh sáng.
Vậy tôi phải làm sao với cả mớ thông tin này đây? Nước Pháp lẽ ra là địa điểm tuyệt vời nhất để tôi viết về chuyện ngoại tình, bây giờ đã trở nên quá phức tạp. Người Pháp không giống như những gì người ta thường nói. Mặc dù chỉ tìm hiểu được một ít nhưng tôi cũng thấy được những nguyên tắc về quan hệ ngoài hôn nhân ở đây khác với ở Mỹ. Nhưng trừ khi tôi tìm được người nào chịu kể cho tôi về chuyện của họ, bằng không đất nước 60 triệu dân này sẽ mãi nằm trong vòng bí ẩn.
***
ĐIỂM DỪNG CHÂN đầu tiên của tôi là nhà của Diane Johnson, bà là một tiểu thuyết gia Mỹ đã 70 tuổi và bay đi bay lại giữa Paris và San Francisco. Bà chuyên viết những truyện hài hước phức tạp về lối sống và cách cư xử ở Pháp, và hầu như lúc nào cũng liên quan đến chuyện ngoại tình. Mặc dù bà không phải là người bản địa nhưng việc trú thân giữa biên giới của hai nền văn hóa này sẽ làm Johnson có đủ khả năng gỡ mối tơ vò cho tôi.
Căn hộ Left Bank của Johnson thuộc loại cao cấp ở Paris: trần nhà đúc khuôn viền, sách xếp ngay ngắn trên những chiếc bàn cẩm thạch cổ, sàn nhà lót ván gỗ cứ kêu cót két dưới mỗi bước chân khi bà mang cà phê ra cho chúng tôi. Thế giới của Johnson cũng khép kín giống như những nhân vật trong truyện của mình, bà thừa nhận rằng phải mất một thời gian để nhận thấy rằng không phải người Pháp nào cũng có nhà ở ngoại ô. (“Mặc dù theo kinh nghiệm của tôi thì họ đều có vì những người tôi biết đều sở hữu trang viên mà,” bà bảo.)
Đến khi chúng tôi trò chuyện về thói quen tình dục của người Pháp thì Johnson cũng tỏ ra bối rối. “Tôi không thật sự biết nhiều về những nguyên tắc của dân Pháp vì chẳng dễ để tìm hiểu đâu. Nếu như cô là người Pháp thì sẽ tự khắc biết, và khi biết cô là người Mỹ, có một số chuyện nhất định họ sẽ không nói hết với mình,” bà phân trần. “Dĩ nhiên những gì cô thường nghe nói là đàn ông Pháp luôn có nhân tình… Cô muốn biết đó có phải là một phần của nước Pháp trong dĩ vãng hay chỉ là tưởng tượng ra không, kiểu như Colette thường viết ấy.”
Colette là một nhà văn Pháp trong giai đoạn đầu thế kỉ 20, những nhân vật trong tiểu thuyết của bà thường lao vào cuộc tình với những người đàn ông thuộc giai cấp tư sản đã có vợ. Phụ nữ đôi khi cần tiền hoặc sự sung túc có được từ những sự dàn xếp, càng dễ hiểu hơn khi phụ nữ thời đại này ít làm việc kiếm tiền, những cuộc hôn nhân của tầng lớp thượng lưu cũng phần nào đó được sắp đặt và ly hôn là điều cấm kị.
Ngày nay khi mọi người ở Pháp kết hôn hiển nhiên vì tình yêu, thời đại tiếp theo này không còn tồn tại nhiều vấn đề ngoại tình mà thực tế là đàn ông Pháp rất thích sự có mặt của người phụ nữ của mình kề bên. Johnson tả lại những kiểu tán tỉnh bà thường gặp hằng ngày khi đi chợ, kiểu như “‘miếng thịt cừu này chỉ dành cho em thôi, em yêu ạ.’ Phong cách này làm cho cảm giác đi mua thịt có vẻ thân thiết và gắn bó hơn giữa đôi bên bán và mua,” bà bảo.
Johnson kể rằng đàn ông có vợ trong vùng mà bà quen biết thường đọc tạp chí thời trang, hay ngắm nhìn các cửa hàng quần áo phụ nữ và rốt cuộc là hay tháp tùng các bà đi mua sắm. “Phụ nữ Pháp hay than phiền rằng mẹ chồng rất khó tính, hay cáu gắt và điều khiển con trai mình, nhưng chính những điều đó sẽ làm cho các đấng ông chồng ấy trở nên biết tôn trọng người khác hơn.”
Ngược lại, khi trở về Mỹ, bà lại thấy quan hệ giữa các phái chứa đựng nhiều sự xung đột và có chiều hướng khó kiểm soát được. Đàn ông Mỹ hay bị vẻ đẹp của phụ nữ cuốn hút nhưng luôn cho rằng sở thích của phụ nữ là quái gở, vì vậy họ tỏ ra thích ngồi xem thể thao với bạn bè hơn. “Có những khuôn mẫu như người phụ nữ muốn lấy thứ gì đó từ người đàn ông nhưng anh ta tìm mọi cách để giữ lại hoặc ngược lại… Rồi có giả thuyết là sẽ có những điều thất vọng hoặc oán hận xảy ra và mọi thứ phải được thương lượng.”
Bà bảo phụ nữ Mỹ đã bị nhồi nhét vào đầu tư tưởng “thỏa mãn cho em”, bởi vậy, “một trong những lời phàn nàn thường xuyên nhất của họ là chồng chẳng màng trò chuyện cùng mình. Nhưng thật ra cái chính yếu họ muốn nói là mối quan hệ hiện tại… Nó đang diễn ra quá bình lặng và nhàm chán.” Ở đây ý nói rằng phụ nữ Pháp hiện đại có thể tự thân vận động mà không bị vướng vào những lời kết tội vô bổ và những phương thức trị liệu tâm lý dành cho chuyện ngoại tình ở Mỹ.
“Văn hóa Pháp,” Johnson vừa cho một viên đường nâu vào tách cà phê espresso vừa từ tốn nói, “là một kiểu lý tưởng hóa của bản thân chúng ta đấy.”
***
TÔI GẶP Charles tại một quán cà phê có tông màu khói đen gần Bastille, nơi tụ tập nhiều gã đàn ông Pháp trẻ trung, giàu có, hay còn gọi là “công tử.” Ở tuổi 43, Charles gần như lớn tuổi nhất ở đây. Nhìn thấy anh mặc áo sơmi trắng không cổ và đeo chiếc kính đen thời trang, tôi đoán anh thuộc về hạng giàu có trong đám công tử này.
Anh tự giới thiệu là một bác sĩ cư ngụ tại khu quận 5 giàu có nằm bên kia sông Seine của Paris. Nhìn anh rất giống với hình tượng các giáo sư thị thành được miêu tả trong phim ảnh Pháp. Anh thường đưa ba đứa con đi du ngoạn trên biển. Anh còn là tay chơi đàn vĩ cầm nghiệp dư trong một dàn nhạc giao hưởng. Anh gặp vợ mình 15 năm trước, cô cũng là bác sĩ và lúc đó họ cùng đang thực tập y khoa. Anh cũng có lúc sùng đạo nhưng tự cho mình là người theo thuyết bất khả tri.
Mặc dù chúng tôi gặp nhau để trao đổi về vấn đề quan hệ ngoài hôn nhân của Charles nhưng ngay từ đầu, anh đã khẳng định rằng mình tiến tới hôn nhân là muốn chung thủy cả đời và thật sự đã tuân theo chế độ một vợ một chồng suốt một thập kỷ đầu. Và lẽ ra anh sẽ luôn như vậy nếu như vợ anh biết làm tốt phần mình để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân. Cô cũng đáng yêu, cũng biết trìu mến, và là một người mẹ tốt, nhưng ngặt nỗi cô lại không chịu làm đẹp. Charles luôn năn nỉ vợ mình mang giày cao gót và những chiếc váy để tôn lên dáng dấp gợi cảm của mình. Nhưng mặc cho anh cố gắng nài nỉ nhiều năm, cô vẫn mặc đồ rộng thùng thình, hay ra khỏi nhà mà không màng đánh son môi. Và nhất là cô cũng chẳng tỏ ra có nhu cầu tình dục với chồng mình.
Cưới được người vợ thông minh cũng tốt thôi, nhưng Charles mong có một người vợ “nữ tính”. Chắc chắn sự đòi hỏi này của đàn ông là không quá đáng chút nào, nhất là đối với một người tự biết mình là một người lãng mạn như Charles. Nhưng vợ anh chẳng màng quan tâm. Sau cả một thập kỉ chịu đựng, mặc dù luôn được dạy bảo rằng hôn nhân là chỉ một vợ một chồng, Charles không còn lựa chọn nào khác là hẹn hò người phụ nữ khác.
Không giống như ở Mỹ, ở đây có những nguyên nhân hẳn hòi không chối bỏ được làm người ta phải ngoại tình. Anh bảo, “Tôi không cảm thấy có lỗi cho lắm, vì rất nhiều lần tôi đã yêu cầu cô ấy thay đổi, hãy ăn mặc đẹp hơn, quyến rũ hơn và chăm sóc tóc tai này nọ rồi mà.”