CHƯƠNG V: Cái chết của “năm đến bảy”
Ngay cả những người phản đối chuyện ngoại tình mà tôi được gặp (số lượng này dựa theo nghiên cứu cũng khá nhiều) cũng ngại việc ra mặt giảng giải cho người khác. Họ bảo rằng chuyện người khác muốn làm trong giai đoạn ngoại tình hoàn toàn không liên quan đến họ. Chuyện này hoàn toàn đối lập với những kẻ ngoại tình ở Mỹ, những người này thường hay đổ lỗi một cách kì cục rằng họ không thuộc loại người thích lăng nhăng, chỉ có lẽ vì họ tin rằng dù có ngoại tình thì họ vẫn là người tốt. Ngay cả những người Mỹ có lý do ngoại tình chính đáng cũng không dám mạnh miệng. Chỉ vì khác với ở Pháp, ở Mỹ họ luôn hiểu một thông điệp ngầm cho toàn xã hội – được truyền qua phim ảnh, gia đình và bạn bè – rằng ngoại tình là sai trái và những kẻ mắc vào điều này sẽ trở thành những tội đồ.
Tín ngưỡng tôn giáo cũng chỉ đóng vai trò nhỏ trong sự khác biệt này. Mặc dù hầu hết dân Pháp đều theo đạo Công Giáo và có lẽ đều được rửa tội, nhưng chỉ có 11% cho rằng tôn giáo “rất quan trọng”, còn con số này ở Mỹ lên đến 59%. Trong khối châu Âu, Pháp đang là nước không đề cao tôn giáo nhất, đặc biệt là những người dưới 50 tuổi. Đối với người Pháp, ngụ ý về ngoại tình là vì Chúa không đưa ra luật lệ nào về chuyện phải chung thủy, chỉ là nếu chung thủy được thì cũng tốt. Vì vậy, có giữ được sự thủy chung hay không thì tùy trường hợp mà thôi.
Nhưng dù sao đi nữa, chế độ một vợ một chồng vẫn được đặt lên hàng đầu. Trong thực tế, tất cả những người tôi tiếp xúc đều bảo rằng họ cũng muốn chung thủy. Nhưng một khi phát hiện ra chuyện ngoại tình, người Pháp không trở nên hốt hoảng hay cho rằng chuyện này sẽ đe dọa đời sống cộng đồng hay ảnh hưởng xấu đến công việc. Họ chỉ xem đó là một sự kiện riêng rẽ, không phải yếu tố gây nên sự suy đồi về đạo đức. Một cô gái ngoài hai mươi tuổi kể cho tôi rằng sau khi cô và người bạn trai đã kết hôn bước ra khỏi căn phòng để đồ và nhảy điệu xì-lô trong bữa tiệc Giáng sinh ở một công ty quan hệ cộng đồng của Pháp thì tất cả đồng nghiệp đều vỗ tay chúc mừng. Một điều hiển nhiên ở đây là họ đang yêu, và tình yêu lãng mạn luôn được trân trọng.
Còn người Mỹ chúng tôi thì chẳng e ngại gì việc lên án đạo đức cả, và cũng vì những lý do chính đáng thôi. Trong một câu chuyện ngoại tình nổi tiếng của Mỹ, những cuộc tình vụng trộm không được giải quyết thỏa đáng rõ ràng sẽ hủy hoại cả một đời người. Điều này lý giải rất rõ ràng cho mục đích của “các quy định về đạo đức” trong các trường đại học và các văn phòng làm việc. Nếu như những người điều hành công ty lừa dối bạn đời của mình thì khó tránh khỏi người ta sẽ nghĩ họ có thể biển thủ công quỹ hoặc làm giả sổ sách. Và vì ngoại tình là một tội ác bị xã hội lên án, những kẻ hai lòng ở Mỹ sẽ phải tỏ ra ăn năn hối hận với bạn bè, người làm công, các cử tri, người hâm mộ hay bất cứ những người nào bị họ “lừa dối”. Nhưng đối với Charles thì người duy nhất anh ta phải xin lỗi là vợ mình, mà nếu chuyện đó không xảy ra cũng chẳng sao.
***
VẬY NGƯỜI PHÁP CÓ THẬT SỰ LÀ phiên bản hoàn hảo của chúng ta không? Và chuyện chấp nhận ngoại tình là một thực tế cuộc sống hơn là một cú sốc tâm lý có làm cho người Pháp vui vẻ và khá giả hơn không? Tôi đặt câu hỏi này với Aurélie, một người phụ nữ thượng lưu hiện đại mà mỗi lần cô xuất hiện luôn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và làm tôi cảm thấy mình thật non nớt và thừa cân. Aurélie, 36 tuổi, sở hữu cặp chân dài miên man và mái tóc nâu dài. Cô ăn nói rất tế nhị, phát âm tiếng Anh rất chuẩn và luôn nhấn mạnh những lời quyết đoán của mình bằng những cái gật đầu đầy tự tin. Tôi sẽ chẳng bao giờ nghĩ rằng kiểu của cô lại có thể ngồi ăn McDonald hay đi xem phim Chiến tranh giữa các vì sao . Cô hiện sống trong một căn hộ loft kiểu nghệ sĩ chứa đầy sách, nhiều cuốn trong đó là tác phẩm của cô (linh cảm cho tôi biết cô đồng ý nói chuyện với tôi vì sự đồng cảm giữa những người viết lách với nhau.)
Aurélie học chung cấp 3 với Mazarine, con gái của Mitterrand, và cho biết lúc ấy mọi sinh viên khác đều biết bố của Mazarine là ai, nhưng cũng chẳng ai nói gì với cô ấy cả. Aurélie giải thích rằng: “Tôi chẳng xét đoán quyết định cá nhân của ai cả, trừ khi nó xâm phạm đến tự do riêng tư của người khác.”
Aurélie đã ly hôn và hiện là một thành phần trong giới thượng lưu có học thức của Paris. Cô tư vấn cho chính phủ về những vấn đề giới tính và tham dự các buổi tiệc nơi những quý bà mình dây cùng những ông chồng bảnh trai bàn luận về “sự đối xử tích cực” và đưa ra những lời bình luận trực tiếp nhắm vào cuộc sống riêng tư của các chính trị gia. Aurélie bảo, một trong những điều thú vị ở các bữa tiệc này là mình vừa hẹn hò chiều hôm đó với người đàn ông ngồi đối diện mà lúc này anh ta đang ân cần đưa cho vợ mình đĩa phô mai.
Khi nhìn thấy phản ứng của tôi, cô chỉ đáp lại rất vô tư “Dân Pháp là vậy mà!” Cô còn bảo quan hệ ngoài hôn nhân chỉ trở thành ngoại tình khi bạn đời của mình phát hiện ra. Cô kể, “Khi điều đó xảy ra, tôi chẳng nghĩ nó có gì liên quan đến hôn nhân của mình. Tôi chẳng ngần ngại, cũng chẳng từ chối, và cứ để mọi chuyện diễn ra thôi. Đối với tôi và bạn bè của tôi, điều duy nhất mình phải đối mặt khi ngoại tình chính là cảm xúc của chồng… Còn nếu như nhìn từ góc độ giữa tôi và người tình thì chẳng có ai ngoại tình cả, chỉ có đôi uyên ương chúng tôi mà thôi.”
Tôi bảo Aurélie rằng người Mỹ thường cảm thấy mình tội lỗi cho dù không ai phát hiện ra chuyện ngoại tình của họ. Đối với những người sùng đạo, họ luôn cảm thấy dường như Chúa đang có mặt trong căn phòng ở nhà nghỉ. Ngay cả đối với những người không tin Chúa thì sự cắn rứt lương tâm cũng ray rứt không khác gì tội lỗi với Chúa.
Một điểm nhấn khác trong sự phức tạp của người Pháp là chủ nghĩa thế tục. “Chẳng có Chúa trời nào ở Pháp cả. Mọi thứ kết thúc, công việc của Ngài đến đây là chấm dứt rồi,” Aurélie vừa nói vừa phẩy tay. “Điều mang ý nghĩa đạo đức nhất nên để ý khi ngoại tình là phải nghĩ đến cảm nhận của người khác thôi.”
Càng ngày chuyện ngoại tình ở Pháp càng không bị coi là quan hệ ngoài hôn nhân. Cũng như nhiều nước khác ở châu Âu, dân Pháp bắt đầu chọn lựa sống chung hơn là kết hôn. Vào năm 1999, Pháp bắt đầu cấp PACS ( pacte civil de solidarité ), là quyền đăng ký kết hôn nhưng không cần làm lễ cưới, cho cả người bình thường và dân đồng tính. PACS bao gồm một số quyền hạn hợp pháp về tài chính như hôn nhân nhưng một bên có thể hủy bỏ nếu báo trước 3 tháng.
Dĩ nhiên có nhiều người Pháp lao vào những cuộc tình vụng trộm đầy đam mê và rời bỏ bạn đời để sống với tình nhân. Nhưng trong những chuyện ngoại tình thông thường, ngay cả những mối quan hệ nóng bỏng, người ta thường giới hạn tình cảm của mình, hay ít nhất là biết kìm nén cảm xúc vì sự tôn trọng với bạn đời. “Không ai lại nói ‘em yêu anh’ qua tin nhắn, email hay nói trước mặt trong những cuộc tình này, mà chỉ nói ‘em nhớ anh’. Mình chỉ dành câu ‘em yêu anh’ cho một người, và đó là người đang chờ đợi mình ở nhà,” Aurélie bảo vậy và quyết định dùng từ “quan hệ bất chính” để miêu tả cho mối quan hệ kiểu này.
Tôi có cảm giác sự thờ ơ với chuyện quan hệ ngoài hôn nhân này không phải tự nhiên mà có. Aurélie và những người cùng thời luôn cố gắng khẳng định cách hành xử kiểu Pháp của mình, cứ như “lối hành xử kiểu Pháp” này được đúc kết ra từ những nghiên cứu kĩ càng và kinh nghiệm thực tiễn vậy.
Báo chí Pháp cũng có kiểu viết tương tự. Họ nổi tiếng nhất trong việc chế nhạo sự thái quá của truyền thông Mỹ xoay quanh vụ bê bối của Clinton-Lewinsky. Khi tờ Paris-Match đăng tải những bức hình của Mitterrand và con gái, một nhà báo của nhật báo cao cấp Le Monde đã chỉ trích nó vì đã quên đi những nguyên tắc của lối hành xử kiểu Pháp: “’Bí mật’ trong đời sống riêng tư của những chính trị gia đáng kính chỉ nên được đào bới trong điều kiện người viết trả lời được hai câu hỏi: Chúng có phơi bày ra những hành động đi ngược lại với dư luận của người này hay không? Chúng có ảnh hưởng đến chức trách của ông ta hay không?”
Phải mất một thời gian để nhận ra những lời chỉ trích này được tính toán cẩn thận nhằm làm cho những kẻ ngoại đạo, của cả Mỹ và Pháp, cảm thấy mình giống như những người đàn bà thô kệch suốt ngày quanh quẩn ở nhà phải thấy xấu hổ khi nghe một câu chuyện khêu gợi. Nhưng ngay cả những tờ báo được thiết lập kĩ càng đôi khi cũng không thể giữ mãi bộ mặt thanh cao giả tạo với cả thế giới được. Vào thời điểm chuyện Monicagate nóng hổi nhất, Le Monde cũng đã vội vàng cho dịch bài báo dài 80.000 chữ từ Starr Report sang tiếng Pháp, bao gồm mọi chi tiết tiểu sử của các nhân vật liên quan. Để dành riêng cho những độc giả biết hai thứ tiếng, họ còn đăng cả phiên bản tiếng Anh lên trang web của mình.
Một trong những điểm nhấn mà lối hành xử kiểu Pháp tự đưa ra là phân chiết ý nghĩ về chung thủy cho đến khi nó thật sự sụp đổ. Chẳng cần quan tâm đến việc những cặp vợ chồng mới cưới ở Pháp luôn tuyên thệ rằng “sẽ chung thủy, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau suốt đời” ở nhà thờ. Vì trong đầu những người Paris khôn ngoan, dường như những lời hứa thầm kín ấy chẳng có tính chất ràng buộc gì cả. Trong thực tế, mỗi người dân Pháp trí thức tôi phỏng vấn luôn bắt đầu cuộc đối thoại bằng một lời bình luận Kinh Thánh về ý nghĩa của “sự chung thủy”.