CHƯƠNG V: Cái chết của “năm đến bảy”

Năm 1996, ông kết hôn với người vợ thứ hai là Cécilia, 48 tuổi, từng là người mẫu và là con gái của ông bố nhập cư người Nga và người mẹ Tây Ban Nha. Vóc dáng cao ráo và lộng lẫy của Cécilia luôn xuất hiện cạnh Sarkozy như một vị quân sư và là một hậu phương vững chắc. Khi sự nghiệp của Sarkozy thăng tiến, ông không giấu giếm rằng có sự ảnh hưởng nhất định từ sự tư vấn của vợ mình, và bà có hẳn một văn phòng cạnh phòng làm việc của ông. Một cố vấn chính phủ từng đi hội họp với họ cho tôi biết rằng Sarkozy luôn nhìn Cécilia để đưa ra các quyết định. Vì vậy hôn nhân của họ trở thành một phần của hình tượng quốc gia. Ông còn ra một quyết định bất thường là cho phép đăng tải lên tuần san Paris-Match bức ảnh ông cùng vợ đi dạo vào buổi sáng và đứa con trai nhỏ đang chơi đùa, đá một trái bóng xung quanh họ. Những bức ảnh này ẩn ý rằng họ đang sống giống “kiểu nhà Kennedy”.

Chính vì Sarkozy công khai đời sống hôn nhân của mình nên truyền thông Pháp cho rằng việc Cécilia không còn xuất hiện thường xuyên bên cạnh ông từ tháng 5 năm 2005 là sự việc đáng quan tâm. Lúc ấy Sarkozy thừa nhận với một phóng viên đài truyền hình Pháp rằng hôn nhân của họ đang gặp vấn đề. Một số lời đồn nổ ra xoay quanh việc Cécilia đang ngoại tình và sau đó một người bà con cũng khẳng định rằng vợ chồng họ đã chia tay. Sau đó, đến tháng 8 năm 2005, tuần san Paris-Match đăng tải những bức ảnh chụp Cécilia đang sánh đôi cùng Richard Attias, 49 tuổi, hiện là người đứng đầu một công ty tổ chức sự kiện của Pháp và từng tổ chức “lễ đăng quang” chủ tịch đảng cho Sarkozy. Một trong những bức ảnh đó, Attias và Cécilia đang ở phía Đông Manhattan và cùng nghiên cứu sơ đồ xây dựng căn hộ. Một tấm khác, họ đang tay trong tay bên chiếc bàn ngoài trời ở L’Esplanade tại trung tâm Paris, nơi hội họp của các nhà báo và chính trị gia gần Tòa nhà Quốc hội. Đây là một địa điểm đại chúng, nơi người ta thường đến khi muốn đưa ra một dấu hiệu gì đó. Và tít báo ghi là: “Cécilia Sarkozy: Thời khắc chọn lựa.”

Cécilia thật là một trường hợp lạ lùng. Có loại vợ của chính trị gia nào lại thay lòng ngay trước khi chồng mình sắp trở thành Tổng thống cơ chứ? Và tại sao bà lại công bố quan hệ mới này ở L’Esplanade? Bà có thật sự muốn từ bỏ cơ hội trở thành Đệ nhất Phu nhân để chạy theo tình yêu không? Lúc này thì Paris nháo nhào hết cả lên. Hay tất cả chuyện tư tình này chỉ là một trò siêu bịp cho thiên hạ?

Người chồng bị lừa dối và ruồng bỏ này cũng rất bất thường. Một tuần sau khi những bức ảnh kia được công khai, Paris-Match lại giật thêm một tít báo “Đau khổ vì hôn nhân tan vỡ,” với bức ảnh Nicolas u sầu thảm hại. Trong đó bài báo còn đoán rằng ông đã gầy mòn đi rất nhiều.

Hầu hết những bài viết đều không màng nhắc đến câu chuyện ngoại tình đứng sau hôn nhân của Sarkozy trong quá khứ mà các chuyên gia thường truyền tai nhau. Theo những lời đồn đãi này thì Sarkozy đã thầm yêu Cécilia từ năm 1984 khi ông đến dự lễ thành hôn của bà cùng chồng cũ là Jacques Martin, một người dẫn chương trình truyền hình. Lúc ấy Sarkozy đang là thị trưởng của một vùng trù phú ngoại ô Paris, Neuilly-sur-Seine, và đang sống cùng người vợ đầu và hai đứa con đã trưởng thành.

Vì vậy cũng chẳng có phép màu gì làm cho Sarkozy trở nên trung thành theo hôn nhân một vợ một chồng với Cécilia cả. “Ai nấy đều biết rằng bản thân Sarkozy cũng rất lăng nhăng,” một cố vấn chính phủ cho tôi biết. Điểm khác biệt ở đây chỉ là “những người vợ khác của Chirac, Mitterrand, Giscard d’Estaing, mặc dù biết chồng mình có nhân tình nhưng vẫn chung sống với họ.” Một trong những đối tượng mà Sarkozy chinh phục trước đó được đồn đãi chính là con gái nhỏ của Jacques Chirac, và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng giữa hai chính trị gia.

Theo những lời đồn đãi ở Paris thì Cécilia bắt đầu quan hệ với Attias sau khi xung đột với các cố vấn khác của Sarkozy về chiến lược ứng cử tổng thống. Tờ Le Nouvel Observateur sau đó cho biết ngay thời điểm Cécilia cảm thấy mệt mỏi với chuyện chính trị thì bà lại nhận được một bức thư nặc danh trong đó liệt kê đầy đủ “ngày tháng, tên và địa điểm” của những cuộc chinh phạt tình ái của Sarkozy. “Bình thường thì Cécilia sẽ không cần nghĩ ngợi và quăng bức thư đó vào thùng rác,” theo tạp chí thì bà làm vậy vì nghĩ rằng nó chỉ là một chiêu trò để chống lại chồng mình thôi. Nhưng lúc đó nó chợt dấy lên trong lòng bà sự bất bình. Không lâu sau đó, trong một cuộc phỏng vấn, bà phát biểu rằng bản thân mình không phải “mẫu người” để trở thành Đệ nhất Phu nhân. “Tôi chẳng có gì phù hợp với chuyện chính trị cả. Tôi luôn mặc quần jeans, đồ rộng thùng thình và mang giày bốt cao bồi,” bà bảo. Ít lâu sau bà rời khỏi Paris để hội ngộ với Attias tại một hội nghị ông đang tổ chức ở Petra, Jordan, lúc đó cũng có mặt của Bill Clinton, sau đó họ cùng nhau đến New York.

Trở lại Paris, Sarkozy bắt đầu hành động nhằm cho Cécilia cảm thấy ghen tức. Ông hình như qua lại với một nhà báo gợi cảm của tờ Le Figaro , người từng cho in bình phẩm tiểu sử của Jacques Chirac. Cả hai thường đi mua sắm cùng nhau và Sarkozy còn giới thiệu cô với những người bạn xung quanh mình.

Nhưng đây cũng chỉ là chuyện bên lề vì có lẽ mọi thứ quá dễ đoán được. Kịch tính thật sự mà truyền thông Pháp đưa ra nằm ở chỗ Cécilia đưa ra một lựa chọn nằm ngoài dự đoán. Không một tờ báo của Pháp nào lên án đạo đức về hành động ngoại tình cùng lúc này của Sarkozy. Trong khi đó, thay vì đưa ra một lời xin lỗi như Mỹ thường làm thì Sarkozy lại ra lệnh cho truyền thông im lặng và yêu cầu một nhà xuất bản Pháp nhào nặn một cuốn tự truyện về vợ mình để dự phòng mang tên Cécilia Sarkozy: Đứng giữa con tim và lý trí . Ông còn công khai đe dọa khởi kiện một tờ báo đăng tên nữ nhà báo của tờ Figaro . Biên tập viên của tuần san Paris-Match cũng bị ép buộc phải từ chức vì đã đăng những bức ảnh của Cécilia và Attias.

Đến tháng 1 thì truyền thông Pháp lại nhận ra gia đình Sarkozy đã làm hòa khi phát hiện họ bên nhau khoảng 15 phút ở L’Esplanade trước bao ống kính của phóng viên. Đến cuối hè, vợ chồng họ lại tay trong tay trên bãi biển ở Cyprus. Một tờ báo của Pháp tên Gala đã cho đăng những bức ảnh của họ đang ngồi thư giãn dưới tán cây ở Morocco với tít báo “Mùa hè của Lòng vị tha.” Bên trong thuật lại Sarkozy đã “bí mật” bay đến New York để thuyết phục Célicia quay về với mình thế nào. Tờ Le Nouvel Observateur đoán rằng Cécilia bỏ đi chỉ vì “sự bồng bột của thời niên thiếu”. Kết cục có hậu này đã đem nhà Sarkozy trở lại quỹ đạo của các cặp vợ chồng chính trị khác, và có lẽ thỉnh thoảng lại lừa dối nhau trong tương lai.

Nhưng sự êm ấm này chẳng giữ được bao lâu. Cécilia lại mất bóng trong thời kì cuối nóng bỏng nhất trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của Sarkozy vào năm 2007, và cũng không xuất hiện để bỏ phiếu. Bà đúng là một Đệ nhất phu nhân khó hiểu và đã để Nicolas một mình tự thân vận động trong nhiều chức trách. Năm tháng sau thì Nicolas đắc cử, một phát ngôn viên của Tổng thống khẳng định một điều mà ai cũng biết: vợ chồng họ đã ly dị. Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Pháp, Cécilia thừa nhận mình có tư tình và khẩn khoản xin mọi người hiểu cho lý do ly hôn của mình. “Chuyện xảy ra với tôi cũng giống như bao người: Một ngày nào đó bạn nhận ra rằng mình không còn vị trí trong mối hôn nhân này nữa và nó chẳng còn là một điều quan trọng trong cuộc sống của mình nữa.”

Bernadette Chirac, đệ nhất phu nhân tiền nhiệm, theo dõi sát sao. Không giống như Cécilia, Bernadette xuất thân từ một gia đình quý tộc Pháp và cách bà hai thế hệ. Nhưng có dấu hiệu cho chúng ta được biết từ ngay cả cách nhìn nhận về vấn đề quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của dòng dõi quý tộc Pháp cũng có chiều hướng thay đổi qua hồi ký của Bernadette.

Vào mùa thu năm 2001, một năm trước khi Chirac tranh cử nhiệm kỳ tổng thống lần hai, tài xế riêng cũ của ông xuất bản một cuốn sách miêu tả lại toàn bộ những cuộc tình vụng trộm của ông với các nhân viên, diễn viên và thư ký. Theo người tài xế đã bị Chirac đuổi việc này thì những cuộc hẹn hò của Chirac xảy ra rất chóng vánh (“kể cả thời gian tắm táp thì chắc chỉ được khoảng 3 phút”, những nhân viên của ông thường đùa như vậy). Người tài xế còn cho biết rằng Chirac dường như rất ghen tị với tiếng tăm về chuyện ăn vụng bên ngoài và khả năng đưa bất cứ người phụ nữ nào ông ta muốn lên giường của ngài Tổng thống quá cố Mitterrand. Còn Bernadette, theo như lời người tài xế thuật lại, là một người phụ nữ chỉ biết ghen tuông và đứng bên khung cửa sổ đợi chồng mình về.

Những người quản lý của Chirac cảm thấy rằng chuyện người tài xế bôi nhọ về đời sống riêng tư của ngài Tổng thống sẽ làm hỏng cuộc tranh cử, và họ muốn thắng được lòng tin của Bernadette và chống lại phe đối lập. Vì vậy, ngay trước khi cuốn sách của người tài xế được phát hành thì Đệ nhất phu nhân Pháp cho ra đời quyển Đối thoại , trong đó bao gồm 228 trang thuật lại một cuộc phỏng vấn ngoài lề. Trong đó Bernadette thừa nhận rằng rất đau đớn vì bị chồng mình lừa dối và từng dự định rời bỏ ông. Nhưng ngay sau đó là một bước đi đầy chiến thuật trong ngành chính trị Pháp là bà không hoàn toàn thấy ông ta có lỗi. “Ông ấy là một người đàn ông đẹp mã và rất hào hoa, phong nhã. Vì vậy không trách được các cô gái lại điên cuồng lên vì ông ấy… Đương nhiên là tôi ghen tức… Có lẽ điều may mắn nhất mà ông ấy có được là một người vợ hiểu chuyện như tôi. Nhưng đôi khi tôi cũng phải ghen tuông, rất nhiều là đằng khác! Ông ấy là một người rất điển trai và còn khéo miệng nữa, mà phụ nữ thì luôn yêu bằng tai… Một con người chứa đựng quá nhiều thứ như vậy. Một nhà phẫu thuật tài ba, một bác sĩ cừ khôi và còn là một Bộ trưởng. Dù sao cũng chỉ là con người. Nhưng ít ra con người cũng phải biết kiềm chế.”