CHƯƠNG VII: Bí mật của chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật

Từ khóa tìm kiếm: Giải mã dục vọng – Pamela Druckerman

Tôi đang đứng ở khu bán vật dụng phòng ngủ trong một cửa hàng bách hóa to lớn nhưng thô kệch tại Tokyo, hay tiếng Nhật gọi là depaato , nằm trên đầu một trạm ga xe lửa thậm chí còn to lớn và thô kệch hơn thế nữa tại trung tâm Tokyo. Còn to lớn và thô kệch thế nào thì hãy cứ tưởng tượng giống như đem Siêu thị Bloomingdale đặt lên trên đầu Nhà ga Grand Central ở Mỹ ấy.

Khi tôi đang đảo vòng quanh những chồng nệm cứng màu nhạt kiểu Nhật thì một nhân viên bán hàng dáng vẻ phốp pháp tiến lại gần. Anh đeo một chiếc tạp dề màu đen, thêu hàng chữ HOME SHOW. Thật may cho tôi, anh đã từng du học ở New Zealand nên tiếng Anh khá tốt, giọng điệu cũng vui vẻ, mặc dù hơi vấp váp.

Sau một lúc, anh giới thiệu mình tên Toru và đồng tình với một nhận xét khách quan của tôi rằng: Ở đây chỉ có nệm cứng kiểu Nhật cho một người. Anh bảo cửa hàng có trữ giường kiểu Tây phương nhưng cũng chỉ có cỡ đơn (loại ở Mỹ thường gọi là giường “loại trung” và dùng cho trẻ con nằm).

Nhưng chẳng lẽ giường đôi không tiện dụng hơn sao? Và chẳng lẽ không ai trên đất nước này thích nằm rúc vào nhau mà ngủ à?

Toru nhíu mày rồi cúi gằm mặt xuống, một cử chỉ rõ ràng của người Nhật khi muốn nói, “Xin lỗi, những điều tôi sắp nói ra ở đây sẽ không làm bạn thích thú đâu.” Anh cho biết giường đôi ở đây chỉ cung cấp theo những đơn hàng đặc biệt, và theo anh biết thì chưa có người Nhật nào làm vậy. Những khách hàng có yêu cầu đặc biệt chỉ là những người nước ngoài như tôi mà thôi. “Và tất cả bọn họ đều đang làm việc tại lãnh sự quán hay đại loại là vậy,” anh đánh bạo khẳng định.

Nhật là vương quốc của những chiếc giường đơn. Có lẽ vợ chồng Nhật đặt hai chiếc nệm của mình cạnh nhau. Hay có thể họ co rúc vào nhau trên cùng một chiếc nệm đơn của nhau như ông bà tôi từng làm. Nhưng tuyệt nhiên không có nệm chung.

Điều này có quan trọng lắm không? Như bao người nước ngoài khác, tôi cũng đề phòng không đụng chạm đến những thói quen tình dục mà người Nhật vẫn tôn thờ. Tôi nhận thấy điều này trong 3 năm học tiếng Nhật và một học kì lưu trú ở Osaka. Vào lúc đó, tôi còn có bạn trai người Nhật tên Yuji, anh hay đội nón cao bồi và thích thú khi tên tôi cùng vần với chữ “camera” (máy ảnh). Nhưng thật không may lúc này Yuji lại chưa kết hôn nên không nằm trong đối tượng phỏng vấn hiện tại của tôi. Và dường như ở đây không tồn tại một số liệu thống kê về tình dục toàn quốc nào cả.

Tôi lên một kế hoạch phỏng vấn dày đặc ở Nhật nhằm tiếp xúc với thật nhiều dân thường và trò chuyện cùng các chuyên gia chính phủ cả các nhà xã hội học và giảng sư hàng đầu. Tôi còn hẹn gặp với các luật sư chuyên trách vấn đề ly hôn và các chuyên gia trị liệu tâm lý, ngoài ra còn thuê nhiều trợ lý chuyên về nghiên cứu để thu thập các số liệu và bài viết về chuyện ngoại tình.

Mục tiêu của tôi là tìm đến gốc rễ của bí mật về những chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật bằng mọi giá, không ngoại trừ việc phải xông vào tận phòng ngủ của họ. Vợ chồng Nhật có quan hệ thường xuyên với nhau không? Có khi nào họ không gần gũi nhau không? Hay đúng như tôi nghi ngờ là họ hoàn toàn không quan hệ tình dục với bất cứ ai khác?

***

TÔI ĐỒNG HÀNH cùng một thông dịch viên mới vào nghề tên Maiko với mức phí cao ngất ngưởng là 20 đô-la một giờ và phải bỏ qua chuyện mỗi khi ai đề cập đến chuyện ngoại tình thì cô nàng lại cứ cười khúc khích. Cuộc hẹn đầu tiên của tôi là với một “chuyên gia tư vấn hôn nhân”, cô có văn phòng tại một vùng thơ mộng ven Tokyo, nơi những tán cây rủ mình trên những hàng rào gỗ. Đôi khi tôi còn tưởng tượng từ trong những ngôi nhà nằm rải rác quanh đây, bọn trẻ con chợt nhào ra mở cửa khi bố chúng xách cặp táp trở về nhà và hô to “ Tadaima! ” – ý nghĩa đại loại là “Bố về rồi!”

Khi đến nơi, Maiko và tôi thay dép rồi bước vào một căn phòng sạch sẽ vô trùng để gặp Hiromi Ikeuchi. Cô là một phụ nữ xinh xắn vui vẻ, đang ở độ tuổi 45 với búi tóc phồng gọn ghẽ và viền son môi đỏ thắm. Chỉ trong vài phút cô đã cho biết rằng mình đã ly hôn. Và đây cũng là khẩu hiệu của cô “Tôi thích ly hôn! Tôi yêu ly hôn!” Vậy ra chuyên môn của cô là ly dị chứ không phải hôn nhân. Tờ quảng cáo cô đưa cho chúng tôi trong đó chỉ rõ văn phòng của cô có tên Phòng Thí nghiệm Hôn nhân Tokyo – Khoa Nghiên cứu, thảo nào không gian ở đây gần giống như phòng mổ.

Trên tấm bảng trắng, cô vẽ ra một sơ đồ tương quan giữa các tính cách của vợ chồng và phân chia chúng ra bằng một vạch đỏ. Chồng là người đứng đầu của gia đình ở Nhật, gia đình được gọi là ie (cùng âm với “eBay”). Khi người phụ nữ kết hôn, cô ta phụ thuộc vào ie của người chồng và chuyển thân phận từ “phụ nữ” thành “vợ”. Ikeuchi vẽ thêm nhiều mũi tên màu đỏ chỉ ra con cái sinh ra sẽ thuộc vào phần ie của người bố trong khi người mẹ luôn thuộc về phần bên kia đường vạch đỏ.

Không có ai viết tình ca về ie cả vì về bản chất nó nghiêng về tài sản và nghĩa vụ hơn là tình yêu. Ie ở đây trái ngược với ý nghĩa của hôn nhân Mỹ vì ở Mỹ người ta luôn cố gắng tìm hiểu để “làm tốt mối hôn nhân” của mình. Ikeuchi cho biết một số người chồng lớn tuổi ở Nhật thậm chí không gọi tên vợ mà chỉ dùng cách xưng hô thông thường là “cô/bà”. Ngay cả những cặp vợ chồng trẻ tuổi cũng bắt đầu gọi nhau là “Bố nó ơi và Mẹ nó ơi” sau khi có con.

Trở lại chuyện những chiếc giường đơn. Té ra: “Người mẹ” thường sẽ kéo nệm vào phòng con cái và ngủ ở đó đến khi nó 5 hay 6 tuổi (theo truyền thống thì người chồng sẽ thay thế vị trí của vợ mình bằng một dàn âm thanh hoành tráng và một chiếc TV màn hình phẳng). Ngay cả những cặp vợ chồng trẻ, mặc dù họ cũng xem hình mẫu ie truyền thống là cổ hủ thì vẫn có người cho rằng việc ôm nhau ngủ là không phổ biến.

Tôi bảo với Ikeuchi rằng điều đó với tôi chẳng có chút hấp dẫn gì cả và cô cũng đồng tình. Chính vì vậy mà họ gán cho nó cái tên “hôn nhân không tình dục”.

Hôn nhân không tình dục ư? Chẳng phải quá mâu thuẫn à?

Nhưng ở Nhật thì việc này không có gì là mâu thuẫn cả. “Hôn nhân không tình dục” (còn gọi là Hôn nhân vô dục ) dùng để miêu tả về những cặp vợ chồng ít hoặc không hề quan hệ tình dục, phần lớn là sau khi có con đầu lòng. Hội chứng này làm nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi 20 đến 30 rất phiền lòng, và nó có thể kéo dài hàng năm trời hay cả đời mà không ai dám hé nửa câu than vãn. Hiromi không biết chắc rằng có bao nhiêu cặp vợ chồng rơi vào tình trạng “hôn nhân vô dục” này nhưng có vẻ nó là một loại bệnh dịch địa phương. Cô đổ lỗi cho một số người đứng đầu của ie mang niềm kiêu hãnh lạ lùng vì mình có mối hôn nhân trong sạch. “Thậm chí có một số đàn ông tin rằng bạn không bao giờ nên đem công việc hay chuyện tình dục về nhà,” cô cho biết.

Câu chuyện này đã phần nào giải mã được cho bí ẩn của những chiếc nệm đơn. Vậy là chuyện tình dục rất ít khi xảy ra ở nhà. Vậy nó xảy ra ở đâu? Hay tôi đã tìm ra một nền văn hóa tình dục nơi người ta không quan hệ với nhau?

***

CUỘC HÀNH TRÌNH tìm hiểu nguyên do “hôn nhân vô dục” dẫn tôi đến phòng họp của một công ty xây dựng tầm trung ở Tokyo. Tôi đã hỏi người liên hệ ở đây xem mình có thể trao đổi với một vài người đàn ông không. Đột nhiên chính bản thân tôi cảm thấy vô cùng ngượng ngùng khi cả 5 người đàn ông trong độ tuổi 30 và 40 đồng loạt sẵn sàng chia sẻ về hôn nhân của họ.

Cũng giống như Ikeuchi, họ thích nói về chuyện ly hôn hơn là chuyện hạnh phúc hôn nhân của mình. Sau khi bọn họ lần lượt giới thiệu về bản thân, tôi được biết tất cả đều đã ly hôn và trường hợp nào cũng là do người vợ kết thúc mối hôn nhân của họ. (Hầu hết người khởi xướng ly hôn ở Nhật là phụ nữ.) Khi tôi hỏi lý do thì bọn họ chỉ đưa ra những lời giải thích hời hợt, giả dụ như vợ họ không chịu được người nhà chồng hay họ bắt đầu chỉ quan tâm đến con cái. Tôi tự hỏi còn bao nhiêu điều họ còn giấu giếm ở đây.

Rốt cuộc một trong số họ, Mamoru, một chuyên gia phụ trách về chất lượng sản phẩm, 40 tuổi, thừa nhận rằng anh đã rất bối rối khi vợ anh bất ngờ đưa “tờ đơn ly dị” cho anh sau hai năm hôn nhân mà anh từng nghĩ là hạnh phúc.

“Cô ấy bảo, ‘Tên anh, làm ơn, kí vào đi, làm ơn,’” Mamoru hồi tưởng lại. Anh đang mặc bộ vest đồng phục màu xanh, áo sơmi trắng và cà vạt xanh, kiểu người quanh năm suốt tháng cứ ăn mặc y như vậy ở Nhật được gọi là salarymen . Một năm sau đó, anh vẫn giữ tờ đơn ly dị nhưng không kí tên, và cũng chẳng hỏi vợ anh về lý do. Trong thực tế, họ không nói với nhau nửa lời suốt thời gian ấy mặc dù sống chung dưới một mái nhà.

Đối với tôi, mường tượng về một cuộc chiến tranh lạnh kiểu này còn khó hơn là chuyện hôn nhân vô dục. Nhưng theo Mamoru thì anh sợ rằng đem vấn đề này ra thảo luận với vợ còn khó chịu hơn là chia tay với cô ấy. Anh bảo, “Tôi không dám hỏi nguyên do vì sợ danh dự bản thân mình bị hủy hoại.”

Cho dù nội tâm của họ có đang hỗn loạn đến đâu thì những salarymen như Mamoru đều không thuộc loại người nhạy cảm hay quyến rũ. Trong trí tưởng tượng của mọi người, họ luôn sặc mùi bia rượu, bụng bắt đầu phệ và luôn khoác lên mình bộ vest bằng vải pô-li-ét-xte xộc xệch. Mặc dù những nhân viên của các công ty khổng lồ như Mitsubishi và Nomura cũng có thêm chút thanh thế từ công việc của mình, nhưng ít nhất theo nguyên mẫu thì hầu hết các salarymen này đều là những nhân viên làm việc như cỗ máy, chẳng bao giờ dành thời gian cho các thú vui sau giờ làm việc hoặc học cách quyến rũ phụ nữ.